MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gói 26.000 tỷ: Cắt bỏ thủ tục rườm rà để doanh nghiệp nhận "phao" hỗ trợ

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, các thủ tục lần này được rút gọn hơn so với lần trước, tuy nhiên để đạt được hiệu quả cao nhất, cần phải được tính toán kỹ càng, chặt chẽ để gói hỗ trợ lần này kịp thời đi trúng và đúng các đối tượng.

Do tác động của làn sóng Covid-19 thứ 4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động có giá trị 26.000 tỷ đồng, đối với 12 nhóm chính sách, hướng tới doanh nghiệp và người lao động.

Đợt dịch lần thứ 4 diễn biến phức tạp đã làm khiến nhiều doanh nghiệp trong tình trạng " chết lầm sàng", dừng hoạt động.  Theo Tổng Cục thống kê, 6 tháng qua có hơn 70.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Vui mừng khi biết thông tin về Nghị quyết 68 của Chính phủ, ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Delta cho biết, đã gần 2 năm tìm mọi cách chống đỡ tưởng như mọi thứ sẽ dần khởi sắc khi xuất hiện vaccine Covid-19, thế nhưng đợt dịch lần thứ 4 này đã khiến doanh thu giảm nghiêm trọng, không chỉ dừng ở mức 20% - 30%.

"Dịch bùng phát khách hàng không thiết gì đến việc giao nhận, vận chuyển, hoạt động vận tải hành khách ngay lập tức là về 0, vận tải hàng hóa mức độ suy giảm kinh khủng, không còn là vài ba chục phần trăm nữa. Cùng với đó, chi phí kinh doanh doanh nghiệp tăng. Trong khi đó, tất cả các nơi đều yêu cầu xét nghiệm cho lái xe.  Một chuyến hàng chẳng được bao nhiêu tiền thì đã mất mấy trăm nghìn để xét nghiệm mới chạy được. Sau khi mà đọc thông tin trên báo đài, chúng tôi đã liên hệ với Ngân hàng chính sách xã hội, nhưng hiện vẫn cũng chưa có phản hồi", ông Nghĩa cho biết.

Theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, điểm nổi bật của gói hỗ trợ lần 2 này là đã cắt giảm 2/3 các thủ tục hành chính so với các gói hỗ trợ trước để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận hơn.

Ông Trần Thăng Long, Chủ cơ sở kinh doanh HTX Giáng Mạnh chia sẻ, so với những gói hỗ trợ lần trước còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng gói hỗ trợ sẽ được đến tay một cách nhanh nhất.

Nếu như gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng có thời gian giải quyết thủ tục cho người sử dụng lao động vay trả lương, ngừng việc có thể lên tới 1/10, thì với gói hỗ trợ lần này, thời gian tối đa giải quyết thủ tục chỉ còn 7 ngày, gồm 4 ngày tiếp nhận giải quyết hồ sơ và 3 ngày giải ngân tái cấp vốn. Do đó, việc đơn giản thủ tục nhằm giúp cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận chính sách sớm nhất có thể. Phân tích cụ thể hơn chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp không “mặn mà” với gói 62.000 tỷ đồng ở lần hỗ trợ thứ nhất là do vướng mắc ở khâu thủ tục và điều kiện thụ hưởng. Đồng thời cho rằng, với gói hỗ trợ lần này, điều kiện thụ hưởng của doanh nghiệp đã được nới lỏng hơn: "Gói hỗ trợ lần này đã được tính toán cụ thể mức cho từng đối tượng, từng chủ thể, nó khác hẳn với gói 62.000 tỷ trước đây là chúng ta có thể cho người thiệt hại được hưởng đến 3 tháng. Rõ ràng như vậy mức độ mà hưởng trợ cấp khác vì thế nên nó lại càng lớn; bởi vì chúng ta chỉ dập dịch trong vòng 21 ngày. Do đó gói hỗ trợ lần này sẽ lớn hơn và tập trung hơn".

Mặc dù được đánh giá cao việc cắt giảm nhiều điều kiện, thủ tục thụ hưởng ở lần hỗ trợ này nhưng chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu vẫn bày tỏ băn khoăn, liệu gói 26.000 tỷ đồng có đi vào “vết xe đổ” như những lần hỗ trợ trước. Cụ thể là gói tín dụng có quy mô 16.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động ngừng việc vì Covid-19 được triển khai từ năm 2020. Tuy nhiên, khi triển khai chỉ giải ngân được 42 tỷ đồng cho 245 doanh nghiệp, đạt 0,26%- một tỷ lệ rất thấp. Vì vậy để tránh tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận với gói hỗ trợ lần 2 này, cần thiết tiếp tục cắt giảm thêm một số điều kiện cho vay, cũng như cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân tới doanh nghiệp nhanh nhất.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị: "Điều kiện ở gói hỗ trợ lần 1, các doanh nghiệp có nợ xấu của ngân hàng cũng là điều kiện của gói này, thì sẽ không thể vay được gói 26.000 tỷ mới này, tôi đề nghị nên bỏ điều kiện đó. Gói mới này chúng ta nhắm vào người lao động là người được hưởng, các doanh nghiệp họ không được hưởng số tiền đó, số tiền hỗ trợ sẽ được chuyển đến cho người lao động. Đối với người lao động họ không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp không trả được nợ cho ngân hàng. Do đó đối với tất cả các doanh nghiệp đáp ứng được những điều kiện khác của gói này thì nên cho vay".

Với các thủ tục thông thoáng của gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, các chuyên gia cũng khuyến nghị cần có điều chỉnh, tìm ra các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, nên được ưu tiên hỗ trợ trong bối cảnh hiện nay. Bởi mức hỗ trợ này mang tính động viên là chính, không có tác động lớn đến mức độ khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, đó là không có nguồn thu. Do đó, quan trọng nhất mà doanh nghiệp kỳ vọng đó là gói hỗ trợ về lãi suất để tăng cường vốn, tăng dòng tiền, "bơm" thêm vốn cho doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn. Mặc dù lãi suất vay vốn hiện nay đã có cải thiện, song doanh nghiệp vẫn phản ánh lãi suất còn cao khi so sánh lãi suất doanh nghiệp được vay và lãi suất ngân hàng huy động./.

Theo Nguyễn Hằng

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên