Gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, nhà xã hội triển khai thế nào?
Diễn đàn bất động sản Việt Nam diễn ra ngày 15/11 “nóng” vấn đề nhà ở xã hội và cải tạo chung cư cũ nhưng lại “bế tắc” hướng giải quyết.
Nhiều ý kiến tại hội thảo xoay quanh câu hỏi về nguồn vốn đối với nhà ở xã hội, hoặc nhà thương mại giá rẻ sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng:
“Chúng tôi cũng đi học kinh nghiệm các nước bạn rồi nhưng với điều kiện kinh tế Việt Nam thì mô hình này chưa được thông qua. Do đó, hiện nay chỉ có nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội”, ông Phấn nói.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hiện đã có 84 dự án, quy mô xây dựng khoảng 33.400 căn hộ. Có 135 dự án đang triển khai, quy mô xây dựng 81.000 căn hộ. Chương trình phát triển nhà ở công nhân, hiện hoàn thành 100 dự án, với quy mô khoảng 41.000 căn hộ. Có 72 dự án đang triển khai với quy mô khoảng 88.000 căn hộ.
Cũng liên quan đến vốn, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho biết, cá nhân ông cảm thấy tài chính cho nhà ở xã hội đang là vấn đề nan giải ở Việt Nam, dường như chủ yếu chỉ huy động từ ngân hàng là chính, đây không phải giải pháp dài hạn và lâu bền. “Tôi nghĩ Bộ Xây dựng và cơ quan chức năng nên nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để huy động nguồn vốn khác để hỗ trợ", ông Nghĩa nêu quan điểm.
Cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chỉ ra một số hạn chế trong phát triển thị trường bất động sản như chưa đồng bộ, thiếu bền vững, thiếu minh bạch, nhiều nơi còn phát triển tự phát, bị lợi ích nhóm chi phối. Ngoài ra, cơ cấu hàng hóa trên thị trường vẫn còn bất hợp lý. Cụ thể, trong khi phân khúc nhà ở cao cấp đang thừa thì nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ lại thiếu.