MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gói 62 nghìn tỷ, cơ quan thẩm tra nói gì?

Sáng nay (8/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp đột xuất, xem xét đề nghị gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ.

Trong bối cảnh khả năng đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2020 rất khó khăn, Chính phủ vừa đề xuất gói hỗ trợ khoảng 62 nghìn tỷ đồng cho khoảng 20 triệu đối tượng gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 .

Trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 36 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp và người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động khoảng 3 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ cũng dự kiến cho vay với lãi suất 0% để chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 16 nghìn tỷ đồng.

Cấp bách, chưa có quy định cụ thể

Đề nghị trên của Chính phủ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp đột xuất sáng 8/4.

Trước đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã tiến hành thẩm tra đề nghị của Chính phủ.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh, chế độ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ ngân sách là chính sách chi ngân sách nhà nước hết sức quan trọng và cấp bách, có phạm vi ảnh hưởng rộng, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước. Nhưng, hiện nay chưa có quy định cụ thể.

Không băn khoăn nhiều lắm về thẩm quyền quyết định, song cơ quan thẩm tra lo về nguồn cho gói hỗ trợ không hề nhỏ được Chính phủ đề xuất.

Phương án của Chính phủ là trong 36 ngàn tỷ hỗ trợ trực tiếp thì ngân sách trung ương khoảng 22 - 23 nghìn tỷ đồng, dự kiến sẽ sử dụng 19 - 20 nghìn tỷ đồng nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của năm 2019, số còn lại sẽ bố trí từ nguồn dự phòng năm 2020, tiết kiệm chi thường xuyên (giảm chi hội họp, tổ chức lễ hội, đi công tác trong và ngoài nước…) và các nguồn hợp pháp khác theo quy định.

Ủy ban thẩm tra phân tích, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khả năng đảm bảo nguồn thu ngân sách năm 2020 rất khó khăn. Chính phủ chỉ đạo tiết kiệm kinh phí, tạo nguồn để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh là phù hợp. Tuy nhiên, dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã được Quốc hội quyết định chưa quy định rõ nội dung này.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ về nguyên tắc và giao Chính phủ chỉ đạo xác định mức tiết kiệm tối thiểu đối với các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm nguồn lực cần thiết để chi hoạt động thường xuyên và hỗ trợ cho người dân theo chính sách đề ra và sẽ báo cáo Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ 9.

Mặt khác, Chính phủ tính toán nguồn ngân sách địa phương khoảng 13 - 14 nghìn tỷ đồng.

Nhưng, theo cơ quan thẩm tra, việc quy định sử dụng tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách địa phương năm 2019 để hỗ trợ không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Vì vậy, Chính phủ rà cần soát quy định này để bảo đảm đúng quy định của pháp luật và tính khả thi trong thực tiễn, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của các địa phương (thực tế, có địa phương đã quyết định sử dụng nguồn lực này).

Về hỗ trợ gián tiếp, như cho phép doanh nghiệp và người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp..., Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ, đây là những nội dung áp dụng khác với quy định của pháp luật hiện hành, cần trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Công bằng, hợp lý và cân đối

Như vậy, cho dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đồng ý với đề xuất “thống nhất về nguyên tắc triển khai thực hiện ngay gói hỗ trợ” của Chính phủ, thì có những khoản vẫn phải chờ Quốc hội quyết định và chưa phải đã có sẵn để chi.

Nhất là, theo phân tích của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì khi huy động, sử dụng các quỹ trong lĩnh vực an sinh xã hội phải tính tới dài hạn, ổn định vĩ mô và tính chủ động bởi các quỹ này chính là một trong những điểm tựa vững chắc cho cả quốc gia trong bối cảnh đặc biệt khó khăn, tình trạng khẩn cấp; nếu sử dụng ngay cho ngắn hạn mà không có phương án cho tình huống khó khăn hơn hiện nay sẽ gây khó khăn trong trường hợp đại dịch có thể kéo dài.

Xem xét mức hỗ trợ trực tiếp đối với những đối tượng cụ thể, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng nhấn mạnh đòi hỏi phải cân nhắc kỹ để bảo đảm công bằng, hợp lý và khả năng cân đối của ngân sách. Nhất là trong bối cảnh thu ngân sách đứng trước rất nhiều khó khăn như hiện nay: giá dầu thô giảm mạnh, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu giảm; thu từ các doanh nghiệp trong nước giảm do tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn…

Một điểm đáng chú ý khác là Chính phủ đề nghị người sử dụng lao động được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhận định nhóm này có thể sẽ rất lớn khi mà khoảng 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ; 98% lao động ngành hàng không và 78% lao động ngành vận tải, giầy da, dệt may bị giãn việc, nghỉ việc, ngừng việc hoặc mất việc làm, nhưng thời hạn thanh toán khoản vay mang tính hỗ trợ trên lại chưa được làm rõ.

“Mặc dù tình huống là cấp bách, song đây là gói hỗ trợ chủ yếu từ ngân sách trung ương và địa phương, trong bối cảnh thu ngân sách năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn, thời gian kéo dài dịch bệnh chưa thể xác định rõ, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn các tác động của chính sách đến đời sống dân cư và khả năng cân đối nguồn lực ngân sách để bảo đảm an toàn cân đối vĩ mô”, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh tại báo cáo thẩm tra.

Đây cũng là lần thứ ba trong báo cáo này, cơ quan thẩm tra nhắc lại thực tế “thu ngân sách năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn”.

Đối tượng, mức hỗ trợ theo đề xuất của Chính phủ:

- Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng ngoài mức trợ cấp thường xuyên được hỗ trợ thêm: 500.000 đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng.

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định: 1.000.000 đồng/hộ/tháng. Thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng.

- Người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ Luật lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Thực hiện cho vay hằng tháng theo tình hình thực tế.

- Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên: 1.800.000 đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.

- Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm: 1.000.000 đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.

- Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ: 1.000.000 đồng/hộ/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.

Gói 62 nghìn tỷ, cơ quan thẩm tra nói gì? - Ảnh 2.

Theo Khánh Phương

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên