Gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng: Làm sao giải ngân nhanh, hiệu quả?
Các chuyên gia cho rằng Chính phủ cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
- 31-01-2022Dòng chảy chính của kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong năm 2022?
- 31-01-2022Chính thức ban hành gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng: Người dân và doanh nghiệp được hỗ trợ những khoản gì?
-
Giá vàng trong nước tăng cao bất thường so với thế giới mang lại siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp kinh doanh vàng. Trong lúc này, cơ quan chức năng quản lý việc kinh doanh vàng như Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc kiểm tra, lành mạnh thị trường kinh doanh vàng trong nước
-
Đã đến lúc ngành mía đường cần phải cơ cấu lại, nâng cao năng suất, đầu tư hiệu quả giảm giá thành để có thể cạnh tranh sòng phẳng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Với quy mô 350 ngàn tỉ đồng, đây là gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế kinh tế lớn nhất từ trước đến nay.
Trong gói hỗ trợ 350 ngàn tỉ đồng, sẽ tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) 176 ngàn tỉ đồng, trong đó bổ sung gần 114 ngàn tỉ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng. Với gần 176 ngàn tỉ đồng chi cho đầu tư phát triển, đặt ra không ít thách thức về vấn đề giải ngân.
Sớm "chốt" dự án, phân bổ vốn
Những thách thức đó hoàn toàn có cơ sở khi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến 31-12-2021 ước đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức 82,66% của năm 2020.
Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, thường xuyên chỉ đạo, yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, giải quyết tình trạng "có tiền nhưng không tiêu được".
Với gói hỗ trợ 350 ngàn tỉ đồng thực hiện trong vòng 2 năm 2022-2023, để giải ngân có hiệu quả số vốn ngân sách lớn chi cho đầu tư phát triển, đặc biệt cho phát triển kết cấu hạ tầng cần có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt.
114 ngàn tỉ đồng sẽ được bổ sung để phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông
Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cũng băn khoăn khi phần lớn nguồn tài khóa được sử dụng chủ yếu cho đầu tư hạ tầng sẽ áp lực khi giải ngân. Bởi theo ông An, mục đích của gói hỗ trợ là giải quyết các vấn đề cấp bách, chi cho các dự án có thể giải ngân được ngay, có tính lan toả, để khắc phục khó khăn trong vòng 2 năm.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế, Chính phủ cần khẩn trương ban hành các giải pháp để thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, phải cụ thể hoá bằng kế hoạch chi tiết, giao cụ thể nhiệm vụ cho từng bộ ngành, địa phương trên cơ sở Nghị quyết được Quốc hội thông qua.
Ông Thịnh cho rằng, tinh thần phải khẩn trương và khẩn trương hơn nữa ngay từ những ngày đầu năm 2022. Bên cạnh đó, Chính phủ cần khẩn trương "chốt" danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư từ chương trình, để sớm triển khai. Vị chuyên gia lưu ý cần lựa chọn các dự án khả thi, tránh cơ chế "xin-cho", dàn trải như một số địa phương vừa rồi tại kỳ họp bất thường của Quốc hội đã "xin" làm cao tốc.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, Chính phủ cần tập trung mọi nguồn lực, cơ chế để giải ngân một lượng vốn lớn "chưa từng có" mà chúng ta chi ra trong một khoảng thời gian ngắn.
"Việc huy động vốn khó, nhưng việc hấp thụ vốn như thế nào cho hiệu quả lại là vấn đề khó hơn. Cần phân bổ vốn vào các dự án trong tâm, trọng điểm, giải ngân có hiệu quả, hiện Chính phủ đã có phục lục chi tiết các dự án dự kiến được chi vốn từ chương trình này"- ông Hùng nhấn mạnh.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Để triển khai gói hỗ trợ, đưa nguồn lực vào hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đã cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù. Theo đó, Thủ tướng và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chỉ định thầu với các gói tư vấn, gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, các dự án hạ tầng quan trọng về giao thông, y tế. Thủ tướng quyết định cho UBND các địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý làm các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chính phủ, các bộ ngành cần vận dụng có hiệu quả các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã cho phép để triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn để tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Trong đó, ông Thịnh đặc biệt lưu ý đến cơ chế chỉ định thầu, bởi có thể quy trình "rút gọn", nhưng cần lựa chọn các nhà nhà thầu đủ năng lực và sẵn sàng các chế tài để xử lý nếu nhà thầu đó không đáp ứng tiến độ và chất lượng công trình. "Càng cho cơ chế đặc thù thì càng phải kiểm tra, giám sát để tránh tiêu cực"- ông Thịnh nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, đối với các dự án hạ tầng giao thông, cần chuẩn bi kỹ để không rơi vào tình trạng thiếu vật liệu như tuyến cao tốc Bắc - Nam vừa qua.
Theo ông Doanh, các cơ quan có liên quan cần chủ động về các mỏ vật liệu để không bị động, không gián đoạn thi công. TS Lê Đăng Doanh cũng nhắc đến việc Quốc hội cũng đã cho phép cơ chế đặc thù về việc nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng kiến nghị, việc giải ngân vốn đầu tư trong gói hỗ trợ cần gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Theo đó, khi đã có kế hoạch phân bổ vốn cho từng dự án, phải giao chỉ tiêu cụ thể cho người đứng đầu và yêu cầu báo cáo tiến độ giải ngân thường xuyên để cấp có thẩm quyền giám sát.
Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ ngành cũng cần bám sát từng dự án để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. "Có vốn nhưng không giải ngân được, bị "ngâm" quá lâu thì sẽ không đáp ứng được mục tiêu cấp bách của chương trình phục hồi và phát triển trong 2 năm 2022-2023"- ông Doanh nhấn mạnh.
Đối với các dự án hạ tầng giao thông, ông Lê Đăng Doanh cho rằng cần đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bởi đây là "điểm nghẽn" nhiều năm của giải ngân vốn đầu tư công.
Về giải phóng mặt bằng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, với Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, sẽ tạo đột phá trong công tác này, từ đó đẩy nhanh tiến độ dự án.
"Nguyên nhân đầu tiên được nhắc đến khi chậm giải ngân vốn đầu tư công là vướng mắc giải phóng mặt bằng. Nếu chúng ta giải quyết được khâu này, GPMB đi trước, làm trước thì sẽ khơi thông được dòng vốn, công tác thi công, xây lắp sẽ nhanh hơn"- Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết
Tại Nghị quyết vừa ban hành, Chính phủ nêu rõ sẽ tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, phù hợp với quy hoạch, sử dụng nguồn vốn hiệu quả, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022 - 2025; ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội.
Phấn đấu sớm hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với Miền Trung, các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long; hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp; hạ tầng số, chuyển đổi số; hạ tầng y tế, xã hội; lao động - việc làm; phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.
Việc lựa chọn và phân bổ vốn cho các dự án thuộc Chương trình bảo đảm giải ngân vốn của Chương trình trong 2 năm 2022 và 2023, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại tiết đ, mục 1.2 khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Áp dụng các cơ chế đặc thù tại Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư thuộc Chương trình.
Người lao động