MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gói hỗ trợ kinh tế lần 2 và yêu cầu "khoan sức dân"

Giảm thu, giảm chi phí của nền kinh tế, khoan sức dân là giải pháp căn cơ tác động đến cả cung và cầu, kéo dài thời gian giãn, giảm, miễn thuế cần được nghiên cứu trong gói kích thích lần 2.

Cho ý kiến về gói kích thích kinh tế lần 2 , GS. Trần Thọ Đạt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đánh giá, Việt Nam là nước có thu nhập trung bình, ngân sách còn rất eo hẹp. Để đối phó với cú sốc, tổng thể kịch bản ứng phó, quy mô và liều lượng cụ thể của từng biện pháp hỗ trợ nền kinh tế cần phải là đáp án trong cuộc thảo luận sâu sắc và cởi mở của các nhà kinh tế và hoạch định chính sách và lần này là có thêm từ cả hai cộng đồng học thuật - các chuyên gia y tế công cộng và các nhà kinh tế vĩ mô.

Gói hỗ trợ kinh tế lần 2 và yêu cầu khoan sức dân - Ảnh 1.

"Khoan sức dân" được đánh giá là yếu tố quan trọng theo đó "giảm gánh nặng về các khoản phải đóng" của người dân và doanh nghiệp như thuế, phí, lệ phí.

Động lực giải ngân đầu tư công

Theo đó, vị chuyên gia nhận định, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là chủ trương hoàn toàn đúng, là động lực mà Chính phủ chủ động nhất hiện nay để ngăn chặn đà suy thoái.

Tuy nhiên, cần tránh hiện tượng chạy giải ngân ào ạt vào những công trình chưa thật cần thiết, công trình kém chất lượng, do tiềm ẩn tình trạng "lựa chọn ngược" và "rủi ro đạo đức".

Trong trường hợp nguồn đầu tư công còn tồn đọng, chưa giải ngân được hết, cần tính đến phương án cứu trợ các doanh nghiệp không chỉ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch mà còn có tiềm năng bật dậy tốt sau đại dịch. Để tránh thất bại trong quá trình phục hồi kinh tế, việc hỗ trợ tài khóa phải đi kèm khắc phục được những khiếm khuyết mang tính "cơ cấu" của nền kinh tế.

Cùng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, khi nguồn lực của Nhà nước có hạn thì nên tập trung vào đầu tư công, vào những công trình trọng điểm quốc gia, kết cấu hạ tầng, giải quyết các điểm nghẽn trong giao thông, y tế, giáo dục... Từ nguồn lực đó sẽ lan tỏa việc thu hút vốn trong dân, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về lâu dài.

Khoan sức dân là giải pháp căn cơ

Đặc biệt, đồng thuận với bội chi ngân sách tăng thêm không chỉ là tập trung gia tăng chi tiêu của Chính phủ, các chuyên gia đặc biệt nhắc tới giải pháp căn cơ đã được Thủ tướng Chíh phủ nhiều lần nhắc tới đó là "khoan sức dân".

"Giảm thu, giảm chi phí của nền kinh tế, khoan sức dân cần được coi là một giải pháp căn cơ tác động đến cả cung và cầu. Việc tiếp tục giãn, giảm, miễn thuế cần được nghiên cứu cho phù hợp hơn với thời gian đủ dài để các kích thích này mang lại hiệu quả, đồng thời đã có ý kiến mạnh dạn đề xuất giảm thuế VAT, các loại thuế, phí đánh vào xăng dầu...", chuyên gia nhấn mạnh.

Do vậy, để hỗ trợ và thậm chí giải cứu doanh nghiệp, GS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh cần đưa ra giải pháp đột phá về lãi suất, như các gói vay lãi suất 0% cho các ngành hàng không, du lịch,...

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhận định, "khoan sức dân" là yếu tố quan trọng, trước hết là việc "giảm gánh nặng về các khoản phải đóng" của người dân và doanh nghiệp như thuế, phí, lệ phí.

Một góc nhìn khác về "khoan sức dân", Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, "khoan sức dân" còn có nghĩa phải có chính sách huy động được nguồn lực trọng xã hội, khuyến khích người dân sản xuất, kinh doanh.

Một trong những cách để hút vốn toàn xã hội chính là đầu tư công. Ông Ngân lấy ví dụ ở TP.HCM, một đồng vốn đầu tư công giúp lan tỏa và thu hút đến 14-15 đồng vốn đầu tư xã hội. Trong khi mức trung bình của cả nước chỉ là 5 đồng.

"Tôi cho rằng cần làm sao thu hút được nguồn lực của tất cả thành phần kinh tế, thu hút doanh nghiệp dân doanh. Kinh tế tư nhân phải là động lực quan trọng của nền kinh tế", ông Ngân cho biết.

Ông Ngân cũng đề xuất Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ lãi suất vào những lĩnh vực quan trọng, có tính lan tỏa cho nền kinh tế. Những lĩnh vực ưu tiên được ông nhắc đến là chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, các lĩnh vực giảm thiểu sự tiếp xúc con người với con người… Bởi đó là lĩnh vực về lâu dài sẽ cần thiết trong nền kinh tế bất chấp có dịch COVID-19 hay không.

Theo Thy Hằng

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên