MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gói hỗ trợ mới phải đủ mạnh để cứu doanh nghiệp

Gói hỗ trợ mới đang được các bộ ngành xem xét đòi hỏi phải "đặc biệt" để có thể cứu doanh nghiệp và nền kinh tế trước đại dịch Covid-19.

Việt Nam dù đã khống chế tốt dịch Covid-19 ở giai đoạn 1, bước đầu có sự hồi phục ở nhiều lĩnh vực nhưng làn sóng Covid-19 thứ 2 khiến người dân, doanh nghiệp (DN) khó khăn nhiều hơn.

Chưa đạt kỳ vọng

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho thấy đại dịch đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống... Nhiều DN phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, trong khi thu nhập, lao động, việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng nhanh.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân, DN trong sản xuất, kinh doanh như gia hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm một số loại phí, lệ phí; gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, giảm 30% thuế thu nhập DN… Tuy nhiên, một số chính sách hỗ trợ chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. 

Đơn cử như chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ khó khăn do tác động của dịch Covid-19 theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Ban đầu Bộ Tài chính ước tính số DN được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất là khoảng 700.000 (chiếm 93% số DN cả nước). Số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 182.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi hết hạn đề nghị vào ngày 31-7, ngành thuế chỉ tiếp nhận được trên 179.000 (đạt hơn 25%) giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất với số tiền được gia hạn trên 53.600 tỉ đồng (đạt hơn 29%).

Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), lý giải số liệu dự tính đưa ra thời điểm ban hành Nghị định 41 là dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2019. Tuy nhiên, thực tế thì phần lớn DN, người nộp thuế gặp khó khăn về sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên không phát sinh doanh thu, không phát sinh thuế, dẫn đến không có nhu cầu đề nghị gia hạn thuế. "Một số DN, người nộp thuế có thể cân đối được nguồn tài chính nên cũng không có nhu cầu phải gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất" - ông Huy cho hay.

Từ thực tế đó, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần có đánh giá, tổng kết đầy đủ những tác động của các chính sách đã ban hành đối với cuộc sống, đối tượng thụ hưởng và đối với nền kinh tế. Để từ đó, điều chỉnh nhằm đưa ra "gói hỗ trợ" lần 2 phù hợp hơn với tình hình hiện nay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dịch bệnh Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp, việc nối lại các chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như hoạt động du lịch, đi lại, sản xuất chưa thể tính được thời điểm cụ thể. "Việc nhanh chóng nghiên cứu, đưa ra các giải pháp, chính sách cho giai đoạn hiện nay là rất quan trọng nhằm giảm thiểu thiệt hại, duy trì sản xuất ở mức hợp lý nhất, tranh thủ cơ hội để nhanh chóng khắc phục, phục hồi nền kinh tế với thời gian ngắn và chi phí thấp để Việt Nam phát triển nhanh hơn" - Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Người đứng đầu Bộ KH-ĐT cũng gợi ý các chính sách mới đòi hỏi phải đủ mạnh, phải có hành động đặc biệt để cứu DN và nền kinh tế. Đồng thời, bảo đảm đa mục tiêu chứ không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế.

Gói hỗ trợ mới phải đủ mạnh để cứu doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ngày càng có nhiều cửa hàng ở Hà Nội đóng cửa vì kinh doanh khó khăn trong dịch Covid-19

Nới tiêu chí

Khi xây dựng "gói hỗ trợ" mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần bám sát một số nguyên tắc chính. Trước hết phải bao quát, toàn diện các đối tượng; đủ lớn và đủ mạnh để kích thích nền kinh tế. Các gói chính sách dù lớn hay nhỏ đều phải gắn với cơ cấu ngành, lĩnh vực, thu hút đầu tư nước ngoài, đổi mới sáng tạo, chuyển dịch dòng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, các giải pháp cũng phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và hướng đến đời sống người dân, hỗ trợ DN. Cuối cùng, với chính sách tài khóa, cần rà soát lại các loại thuế, phí để tiếp tục tạo thanh khoản, dòng tiền cho DN nhưng phải bảo đảm dễ thực hiện và hiệu quả.

TS chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đồng tình với tinh thần của "gói hỗ trợ" lần 2 phải có độ phủ rộng hơn, bao quát hơn bởi dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực. Ông Doanh lưu ý sau khi đánh giá những giải pháp lần 1, cần xem điểm "nghẽn" ở đâu khiến DN, người dân khó tiếp cận như báo chí đã phản ánh. "Việc DN chưa tiếp cận được gói hỗ trợ tài khóa lần thứ nhất, bộ, ngành cần xem xét lại vì sao, chính sách đã thực sự hiệu quả hay chưa, cần điều chỉnh, bổ sung hay có một chính sách mới cởi mở hơn?" - vị chuyên gia này gợi ý.

Theo quan điểm của chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, cần sớm có thêm gói tín dụng hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn này nhưng cũng cần lưu ý các điều kiện, tiêu chí sao cho người dân, DN dễ tiếp cận hơn. Ở những gói hỗ trợ vừa qua, ông Hiếu cho rằng chính tiêu chí khá khắt khe khiến quá trình thực thi gặp khó, trong khi tình hình dịch bệnh phức tạp, dòng tiền với DN là vô cùng quan trọng, đặc biệt nhóm DN vừa và nhỏ. Vị chuyên gia này góp ý để các gói tín dụng triển khai có hiệu quả, cần có cơ chế bảo lãnh của Chính phủ để các ngân hàng mạnh dạn cho vay. Cần kéo dài chính sách hỗ trợ cho DN sang năm 2021, thay vì dừng lại ở năm 2020 như việc giảm 30% thuế thu nhập cho DN.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết cơ quan này vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp để hỗ trợ DN, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 134 ngày 1-9-2016 để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thời gian qua nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tháo gỡ khó khăn cho DN hoạt động trong lĩnh vực da giày, chế biến nông, lâm, thủy sản. Ngành tài chính cũng đang lấy ý kiến các bộ, ngành để trình Chính phủ Nghị định gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước…

Ngoài ra, bộ cũng đang xem xét giải pháp hỗ trợ từ ngân sách trung ương năm 2020 cho cơ quan báo chí để thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 và nhiệm vụ chính trị khác; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Các khoản phí, lệ phí cũng sẽ được Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để cắt giảm, giúp giảm chi phí cho người dân, DN.

TP HCM tính toán gói hỗ trợ thứ 2

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM vào chiều 17-8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất gói hỗ trợ thứ 2 cho các DN đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Trước đó, HĐND TP đã có nghị quyết 02 về hỗ trợ cho người dân và DN trong đợt bùng phát dịch hồi đầu năm.

Theo thống kê của Cục Thuế TP, đến ngày 31-7, trên địa bàn TP có 23.148 DN thành lập mới với vốn đăng ký mới 3.816 tỉ đồng. Bên cạnh đó, cũng có 21.226 DN ngừng kinh doanh và giải thể, giảm 12.612 tỉ đồng vốn đăng ký, dẫn tới hàng chục ngàn người lao động bị mất việc. Trong đó, ngành du lịch chịu nặng nề nhất. Điển hình như một số khách sạn 4 - 5 sao thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn trước đây tỉ lệ lấp đầy luôn đạt 70%-80% nhưng hiện chỉ còn 2%-3% vì khách nước ngoài không đến. Điều này không chỉ làm giảm nguồn thu từ du lịch mà còn khiến tăng trưởng kinh tế bị tác động, bởi du lịch đóng góp 62% trong cơ cấu tổng giá trị sản phẩm.

Ph.Anh

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên