Gọi vốn 30 tỷ trên Shark Tank, founder Meet More bán nước trái cây cho người say cafe bỏ qua lời khuyên xin ý kiến vợ và cái kết
Shark Louis đánh giá, con số gọi vốn của Meet More quá cao, gấp hơn 30 lần con số lợi nhuận nên "dù có thích cũng sẽ khó vào". Shark Bình tính toán, theo con số mà startup cung cấp thì định giá doanh nghiệp tính theo công thức chỉ rơi vào khoảng hơn 50 tỷ, trong khi founder đánh giá premoney 120 tỷ.
Startup tiếp theo đến với Shark Tank mùa 4 là anh Nguyễn Ngọc Luận – Nhà sáng lập và điều hành công ty TNHH Liên Kết Thương Mại Toàn Cầu với thương hiệu cà phê trái cây Meet More kêu gọi 30 tỷ cho 20% cổ phần công ty (định giá công ty 120 tỷ pre-money).
Chia sẻ ý tưởng về việc tạo ra cà phê nông sản trái cây, anh Luận cho biết anh nhận thấy bản thân mình và rất nhiều người khác thích uống cà phê nhưng không thể uống vì dễ bị say. Bên cạnh đó, thường xuyên đi công tác ở các tỉnh và tiếp xúc với nông dân, anh đã chứng kiến nhiều trường hợp người nông dân được mùa mất giá, được giá lại mất mùa. Từ đó, anh nung nấu quyết tâm tìm hướng ra cho nông sản Việt Nam bằng cách tạo ra một loại cà phê nông sản mang thương hiệu Meet More. Loại cà phê này được phối trộn bởi tinh cà phê và tinh bột của nông sản trái cây, chứa rất ít caffeine.
"Meet là gặp gỡ, more là nhiều, chúng ta phải thường xuyên tương tác với nhau", anh Luận giải thích tên công ty.
Trong mùa dịch vừa qua, anh cũng đã cho nhượng quyền xe cà phê trái cây bao gồm máy pha cà phê công nghệ ứng dụng AI. Bằng việc quét QR code, khách hàng có thể chọn lựa thức uống thông qua menu trên giao diện điện thoại. Thêm một điều đặc biệt là khi khách hàng đứng trước máy pha cà phê, sản phẩm phù hợp với lứa tuổi khách hàng sẽ được giới thiệu trên màn hình TV. Một máy chỉ chứa 4 hoặc 6 loại cà phê. Sau khi thử trải nghiệm sản phẩm, đa số các Shark đều đánh giá cà phê ngon và đã trao đổi thêm với nhà sáng lập về sản phẩm, về công nghệ của máy và giá cả bán ra thị trường.
Anh Luận cho biết, chi phí nhượng quyền một xe cà phê là 70 triệu, bên anh sẽ cung cấp toàn bộ máy, xe và training (trang bị kỹ năng) cho khách hàng. "Nếu 1 ngày bán 300 ly thì sau 6 tháng sẽ hòa vốn" – anh Luận nói.
Shark Louis hỏi thêm về độ rộng thị trường của loại cà phê chứa rất ít caffeine như Meet More khi những người thích uống cà phê thì thường muốn thưởng thức một ly cà phê thật sự.
Trao đổi với các Shark, anh Luận cho rằng, tỷ lệ số người muốn uống loại cà phê này có thể lên đến 50% dựa trên một cuộc khảo sát vào năm 2018: "Thời gian đầu chúng tôi tự nghiên cứu thông qua những tổ chức ở trên mạng. Chúng tôi phải trả cho họ phí nghiên cứu. Từ Hàn Quốc họ đã nghiên cứu ra và đưa về và cùng chúng tôi tham vấn. Trong đó Amazon cũng là kênh để chúng tôi khảo sát, để xem lượng cà phê nhẹ như vậy đang bán trên Amazon nhiều hay không" – anh Luận nói.
Tuy nhiên, câu trả lời này không thuyết phục được Shark Louis. Shark cho rằng, nhà sáng lập cần có con số chính xác và cụ thể hơn.
Lúc này, các Shark hỏi thêm về nhà xưởng, doanh thu, lợi nhuận, con số đã đầu tư,… Nhà sáng lập Meet More cho biết, mình có nhà xưởng tại huyện Hóc Môn, thời gian qua đã bán được bán 40 xe pha cà phê công nghệ tại TP.HCM và Hà Nội. Anh cũng tiết lộ mình đã đầu tư hơn 40 tỷ. Doanh số gần nhất năm 2020 là 20 tỷ, lợi nhuận 20%. Công ty cũng đã ký hợp đồng cung cấp với Trung Quốc (1 tháng 10 container), Nhật Bản và ký độc quyền với một siêu thị.
Câu trả lời của nhà sáng lập khiến Shark Phú hoài nghi. Shark Phú cho rằng, đầu tư 40 tỷ nhưng doanh thu 20 tỷ thì lỗ chứ không lãi.
"Lãi làm sao được. Nguyên tắc của vòng quay tài chính, tài sản 40 tỷ nếu em không làm ra 120 tỷ doanh số thì khó lòng mà có lãi được" – Shark Phú nói. Shark Phú cũng chia sẻ thêm cách tính trong báo cáo tài chính và hỏi thêm startup về cấu trúc giá sản phẩm.
Anh Luận chia sẻ, trong 20 tỷ doanh thu thì giá vốn chiếm 30% là 6 tỷ, chi phí thường trực là 20% bao gồm vận hành nhà máy, chi phí marketing,… Bên cạnh đó còn có lương nhân viên (khoảng 40 người) và lương của nhà sáng lập. Trong năm 2021 (đến thời điểm ghi hình), Meet More đã đạt con số 15 tỷ.
"50% doanh số là xuất khẩu. Hệ thống mở quán thì hiện nay đang bán thương hiệu cho nước ngoài, đã bán được cho Hàn Quốc. Cuối năm 2020, từ tháng 8 đã triển khai trong thị trường Việt Nam. Trong 6 tháng, hệ thống thương mại điện tử, các siêu thị đã vào hàng, thậm chí các cơ quan, xí nghiệp, văn phòng đã ủng hộ sản phẩm này" – anh Luận tiết lộ.
Trước thắc mắc của Shark Liên về việc định giá công ty quá cao, anh Luận chia sẻ: "Những giá trị mà tụi em đã xây dựng được rồi, có thị trường, không chỉ ở Việt Nam mà quốc tế người ta cũng đang bị thu hút. Đây là những cái em muốn đưa ra cùng với Shark để thỏa thuận với nhau để có thể cùng đồng hành".
Anh cũng khẳng định, sản phẩm mình có bí quyết để kích thích khách hàng uống nhiều hơn và nhớ đến sản phẩm.
"Khi mình sang Hàn Quốc thấy người Hàn Quốc mời mình ly nước gạo, họ rất tự hào về nó, họ nói đất nước của bạn có nhiều nguồn nguyên liệu quý tại sao các bạn không làm. Người Hàn Quốc hướng dẫn một số công nghệ trong việc sản xuất cà phê trái cây", anh Luận chia sẻ.
Từng có kinh nghiệm xuất khẩu độc quyền bia Sài Gòn sang thị trường Mỹ và Canada, cũng như đang tìm kiếm thêm các sản phẩm nông sản Việt xuất khẩu, Shark Louis đánh giá sản phẩm của Meet More hay nhưng Shark nhận thấy người Mỹ muốn uống cà phê là để tỉnh táo. Meet More đã đưa ra một phương án mới nhưng Shark Louis chưa nghiên cứu nên cần tìm hiểu nhiều hơn từ nhà sáng lập để có thể đem sản phẩm này sang nước ngoài.
Anh Luận tiết lộ, sản phẩm này đã được bán tại Mỹ, được cộng đồng người Việt tại Úc rất ủng và Hàn Quốc cũng đã bắt đầu bán sản phẩm này. "Một hộp này bên Hàn Quốc đang bán 300.000 đồng", anh Luận chia sẻ.
Tuy nhiên, Shark Phú cho rằng với ngành thực phẩm mà doanh số 20 tỷ thì quá bé. "20 tỷ mà em bán nhiều nước thì mới chỉ thăm dò chứ chưa thể gọi là bán". Đồng tình với ý kiến của Shark Phú, nhà sáng lập cho rằng đấy chính là lý do anh lên đây để gọi vốn.
"Số liệu kế toán của công ty đang có vấn đề vì em nói 20 tỷ nhưng có lãi 20% thì anh không tin, quy mô 40 người một doanh nghiệp thì doanh số tối thiểu phải 30, 40 tỷ trở lên mới đạt điểm hòa vốn. Nên anh chưa hiểu báo cáo tài chính của em lập theo phương án nào. Bức tranh tài chính anh muốn clear (rõ ràng) và muốn đầu tư thì em phải chứng minh sau bao lâu thì hoàn vốn" – Shark Phú hỏi thêm. Shark Phú khẳng định công ty không thể có lãi với doanh thu này.
Nhà sáng lập cho rằng, theo tính toán thì sau 5 năm sẽ hoàn vốn.
Shark Hưng nhận xét, bản thân không thích những sản phẩm trộn lẫn như thế này. Shark cũng không hiểu lập luận của nhà sáng lập về việc sản phẩm "hướng tới những người thích uống cà phê nhưng không uống được cà phê".
Shark Louis cũng đánh giá, con số gọi vốn của Meet More quá cao, gấp hơn 30 lần con số lợi nhuận nên "dù có thích cũng sẽ khó vào". Shark Bình tính toán, theo con số mà startup cung cấp thì định giá doanh nghiệp tính theo công thức chỉ rơi vào khoảng hơn 50 tỷ.
"Tại sao chúng tôi phải trả gấp 20 lần premium khi đầu tư vào đây", Shark Louis đặt câu hỏi.
Lúc này, Shark Phú đưa ra đề nghị, 30 tỷ cho 50% cổ phần chia đều cho các Shark. Nhà sáng lập Meet More không đồng ý vì hiện công ty đang có 2 cổ đông (anh Luận và vợ) và muốn giữ ít nhất 60% cổ phần.
Từng nghiên cứu về tiềm năng thị trường, tốc độ phát triển của mô hình này và nhận thấy không có hiệu quả, Shark Hưng đã rút khỏi deal này. Shark Hưng cũng gợi ý, với việc từ chối của mình thì mỗi Shark còn lại sẽ nhận 10%, tổng cộng là 40% để nhà sáng lập giữ 60% như đúng nguyện vọng. Đại diện các Shark, Shark Phú đồng ý đầu tư 30 tỷ nhưng phải đổi lấy 50% cổ phần. Và nếu Shark nào không vào thì Shark Phú chấp nhận "ôm" luôn phần đó.
"Em có cần gọi vợ không", một shark đặt câu hỏi.
Tuy nhiên founder Meet More quyết luôn, đưa ra một đề nghị khác, 30 tỷ đổi lấy 35% cổ phần và nhưng không được Shark Phú chấp nhận.
Tuy tiếc nuối nhưng anh Luận cũng bày tỏ hy vọng trong tương lai sẽ được gặp và đồng hành cùng các Shark. Anh cũng mong muốn thông qua Shark Tank có thể kêu gọi cộng đồng khởi nghiệp có thể chung tay để café nông sản trái cây Việt vươn tầm thế giới.