Google thao túng kết quả tìm kiếm, ẩn các chủ đề gây tranh cãi, ưu tiên các công ty lớn
Tuy nhiên, gã khổng lồ công nghệ này liên tục phủ nhận hành vi trong suốt nhiều năm trời.
- 07-11-2019Vì sao Apple, Microsoft, Google bắt đầu "tiêu" khối tiền mặt khổng lồ?
- 06-11-2019Hà Nội: Một cá nhân có doanh thu 80 tỷ đồng từ Google Play, Apple Store, Youtube
- 28-10-2019Nikkei: Nhờ Google, Facebook, Uber... ranh giới giữa các ngành, quốc gia sẽ bị xóa nhòa và đó là điều có lợi cho Việt Nam
Bộ máy tìm kiếm cực kỳ phổ biến của Google - Google Search - chính là xương sống đối với hoạt động kinh doanh của hãng.
Theo nhiều cách khác nhau, Google Search thậm chí có thể xem là xương sống của Internet hiện đại - cụ thể là cách mà hầu hết các website được nó sắp xếp, tổ chức, và định vị. Bởi tầm quan trọng mang tính sống còn của Google Search trong quá trình sử dụng Internet hàng ngày của hàng tỷ người trên toàn thế giới, nó chắc chắn là một mục tiêu nhạy cảm mà ai cũng muốn thao túng, đặc biệt là người đã tạo ra nó.
Tuy nhiên, Google phủ nhận điều này, và họ khăng khăng rằng Google Search được phát triển dựa trên các thuật toán và dữ liệu thu thập trong quá trình sử dụng.
Nhưng một cuộc điều tra mới đây của tờ Wall Street Journal lại cho thấy Google đã thao túng thuật toán tìm kiếm theo một số cách rất đáng quan ngại, bao gồm ưu tiên các doanh nghiệp lớn thay vì các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn, loại bỏ các kết quả do hệ thống tự động đề xuất (autocomplete) có liên quan đến các chủ đề nhạy cảm như nhập cư và nạo phá thai, và thậm chí là thẳng tay đưa nhiều website vào danh sách đen.
Cụ thể, với một thay đổi trong thuật toán tìm kiếm của Google, dịch vụ này đã chỉ dẫn người dùng tìm kiếm đến các doanh nghiệp nổi bật hơn so với các doanh nghiệp ít tiếng tăm. Thay đổi này được cho là đã giúp các kết quả tìm kiếm trên cửa hàng của Amazon hiển thị trước mắt người dùng nhiều hơn.
Một ví dụ khác mà tờ Journal đưa ra là các kết quả tìm kiếm do hệ thống tự động đề xuất liên quan các chủ đề nhạy cảm đã bị thay thế bằng các kết quả an toàn hơn so với các kết quả thu được trên các bộ máy tìm kiếm đối thủ như Yahoo, Bing, và DuckDuckGo.
Google từ trước đến nay luôn từ chối chia sẻ các chi tiết cụ thể về phương thức hoạt động của thuật toán tìm kiếm đằng sau Googe Search. Lý do họ đưa ra nghe có vẻ rất hợp lý: nếu thuật toán được công khai, nó có thể bị người khác phá giải và can thiệp.
"Minh bạch quá mức từ lâu đã được chứng minh là hình thức tiếp tay cho những kẻ xấu làm tổn hại đến người dùng của chúng tôi và những người chủ website vốn tuân thủ luật lệ" - người phát ngôn của Google, Lara Levin, nói với tờ Journal như vậy.
Khi được đề nghị đưa ra bình luận về bài báo của Wall Street Journal, người phát ngôn của Google đưa ra tuyên bố sau:
"Chúng tôi đã luôn rất công khai và minh bạch về các chủ đề được đề cập trong bài báo này, như hướng dẫn dành cho người dùng tìm kiếm, các chính sách đối với các tính năng đặc biệt trong Search như Autocomplete và việc loại bỏ các kết quả một cách hợp pháp, những hành động của chúng tôi nhằm đấu tranh với nạn tin giả thông qua Dự án Owl, và sự thật rằng những thay đổi mà chúng tôi thực hiện trên Search đều nhằm mang lại lợi ích cho người dùng, không phải cho những mối quan hệ kinh doanh. Bài báo này có nhiều thông tin đã cũ, chưa hoàn thiện, nhiều trong số đó không chỉ lỗi thời so với các tiến trình và chính sách hiện tại của chúng tôi, mà còn tạo ra ấn tượng rất sai lệch về cách chúng tôi phát triển và cải thiện Search. Chúng tôi có một hướng tiếp cận trách nhiệm và nguyên tắc trong việc thực hiện các thay đổi, bao gồm một quy trình đánh giá khắt khe trước khi triển khai bất kỳ thay đổi nào - điều mà chúng tôi đã áp dụng từ hơn một thập kỷ trước. Lắng nghe phản hồi từ công chúng là một phần quan trọng trong việc làm Search trở nên tốt hơn, và chúng tôi tiếp tục chào đón những phản hồi đó".
Tham khảo: BusinessInsider
Trí thức trẻ