MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Làm sao đón được 'đại bàng'?

“Muốn doanh nghiệp đầu tư chiến lược thực hiện đầu tư, chúng ta phải đặt vào vị trí họ, đừng đưa cái gì mình có mà đưa cái họ cần. Chúng ta thay vì đưa ra tiêu chí chọn nhà đầu tư thì Hà Nội cần đưa ra cơ chế phù hợp”, một luật sư nói.

Doanh nghiệp cần được đảm bảo 4 vấn đề

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Ban soạn thảo lấy ý kiến các chuyên gia để hoàn chỉnh, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 sắp tới. Trong số 9 nhóm nội dung của dự thảo, vấn đề thu hút đầu tư được nhiều chuyên gia quan tâm.

Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, cho rằng, dự thảo luật đã đưa ra các chính sách, giải pháp thu hút nguồn lực phát triển Thủ đô, đặc biệt là thu hút nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc thu hút nhà đầu tư chiến lược của thành phố còn nhiều bất cập, trong đó, có nhiều nguyên nhân như cơ chế, chính sách, cũng như những ưu đãi mà thành phố đưa ra.

Theo TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nếu theo quy trình thông thường thì các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khó tham gia do không xác định được lộ trình triển khai, thời gian thực hiện dài. Vì vậy, dự thảo luật cần có những quy định cụ thể hơn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án thuộc danh mục ưu tiên. Đồng thời, có chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư đến với thành phố.

Để khắc phục những hạn chế thời gian qua, các chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược đã được quy định trong các điều 44, 45 của dự thảo luật. Tuy nhiên, theo ông Vinh, nhà đầu tư có chọn Hà Nội là địa bàn chiến lược để đầu tư hay không lại là chuyện khác. “Muốn doanh nghiệp đầu tư chiến lược thì chúng ta phải đặt vào vị trí họ. Chúng ta thay vì đưa ra tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược thì Hà Nội cần đưa ra cơ chế, đừng đưa cái gì mình có mà đưa cái họ cần”, ông Vinh nói.

Để nhà đầu tư chiến lược chọn Hà Nội là địa điểm đầu tư, ông Vinh cho rằng, doanh nghiệp cần được đảm bảo 4 vấn đề. Thứ nhất, nhà đầu tư chiến lược cần thể chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, minh bạch. Việc đồng bộ phải thể hiện ở nhiều góc độ và xuyên suốt. Thứ hai, thành phố cần phải sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật, giao thông.

Thứ ba, doanh nghiệp cần nhân lực, cần sự sẵn sàng của thành phố. Nhà đầu tư đến là để đầu tư, để sản xuất và thu lợi nhuận, chứ không phải đến để đào tạo nhân lực cho thành phố. Do đó, thành phố phải sẵn sàng nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Để làm được điều này, thành phố phải có chiến lược đào tạo nhân lực từ trước và thực hiện theo lộ trình. Ngoài ra, chính quyền cần cam kết và đồng hành với doanh nghiệp, chứ không thể bắt họ cam kết còn mình thì không, luật sư Vinh nói.

Đại biểu HĐND thành phố cần “tinh hơn đông”

Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Làm sao đón được 'đại bàng'? - Ảnh 1.

Cải thiện hạ tầng kỹ thuật của Hà Nội sẽ góp phần thu hút đầu tư

Dự thảo Luật Thủ đô cũng quy định số lượng đại biểu HĐND thành phố là 125 người, tăng 30 người so với hiện nay (hiện là 95 người). Bà Ngô Thị Doãn Thanh, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, cho rằng, đề xuất tăng số đại biểu HĐND thành là phù hợp với thực tế hiện nay. Theo bà Thanh, nếu Hà Nội tăng lên 125 đại biểu thì bình quân 75.000 dân có 1 đại biểu. Trong khi đó, trung bình của cả nước khoảng 26.000 dân có 1 đại biểu. Như thế, dù có tăng thì số đại biểu của Hà Nội vẫn thấp hơn 3 lần so với trung bình cả nước. “Việc tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố sẽ góp phần làm tăng quyền làm chủ của nhân dân”, bà Thanh nói.

Tuy nhiên, ông Khổng Minh Thảo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Thanh Xuân (Hà Nội), cho rằng, tăng chất lượng đại biểu là quan trọng nhất. “Quan điểm của tôi là các đại biểu HĐND cần phải “tinh hơn là đông”, ông Thảo nói. Theo ông Thảo, để đại biểu HĐND “tinh” thì cần phải có giải pháp nâng cao chất lượng. Quan trọng nhất là các đại biểu phải làm đúng chuyên ngành được đào tạo.

Về vấn đề này, trong báo cáo đánh giá tác động chính sách của Luật Thủ đô (sửa đổi) mới đây, Bộ Tư pháp cho rằng đề xuất HĐND thành phố tăng 30 đại biểu sẽ cần kinh phí bầu cử, phụ cấp, cơ sở vật chất, văn phòng, hoạt động theo nhiệm kỳ 5 năm. Tổng kinh phí phải chi trả cho 30 người là 4,71 tỷ đồng mỗi năm.

Theo Thanh Hiếu

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên