Grab lần đầu có lãi
11 triệu USD vào quý IV/2023 là khoản lợi nhuận tài chính đầu tiên mà kỳ lân công nghệ Đông Nam Á có được sau 10 năm hoạt động, tiếp nối kết quả hòa vốn vào quý trước đó.
- 19-02-2024"Cỗ máy in tiền" thầm lặng của Grab: Thu hơn 2.400 tỷ đồng/năm từ cho thuê "bất động sản online", nhà hàng ngày càng phụ thuộc
- 15-02-2024Sẽ không có cuộc sáp nhập nào giữa công ty mẹ của Gojek và Grab
- 30-01-2024Hé lộ chuyện đằng sau cái kết của Baemin: Mất quá nửa thị phần vào tay Grab và ShopeeFood, công ty mẹ miệt mài đem con đi bán nhưng bất thành, Grab và Meituan đều từ chối mua lại
Nội dung chính:
- Grab lãi sau thuế 11 triệu USD trong quý IV/2023, trong khi đó cùng kỳ công ty vẫn lỗ 391 triệu USD. Năm 2023 Grab vẫn lỗ 485 triệu USD, thu hẹp đáng kể so với khoản lỗ hơn 1,7 tỷ USD vào năm 2022.
- Mảng giao hàng tăng trưởng tốt và chiếm ưu thế so với mảng dịch vụ di chuyển.
- Cổ phiếu Grab giảm giá sau kết quả lợi nhuận khả quan.
Kỳ lân công nghệ Grab vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 với khoản lợi nhuận sau thuế 11 triệu USD. Đây là quý đầu tiên công ty có lãi sau hơn 10 năm hoạt động. Cùng kỳ 2022, Grab vẫn lỗ sau thuế 391 triệu USD.
Trước đó, vào quý III/2023, Grab đã đạt điểm hòa vốn với khoản lợi nhuận EBITDA (Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) đạt 29 triệu USD, dù vẫn lỗ 99 triệu USD sau thuế.
EBITDA được xem là chỉ số tính hiệu quả kinh doanh thực tế của doanh nghiệp, loại bỏ ảnh hưởng của thuế, lãi vay và khấu hao. Với các startup, mục tiêu hòa vốn được đo lường bằng chỉ tiêu EBITDA dương.
Về kết quả kinh doanh, một doanh nghiệp có thể vẫn tiếp tục thua lỗ sau khi tính toán khấu trừ các chi phí thuế, lãi vay, khấu hao ngay cả khi đã hòa vốn. EBITDA của doanh nghiệp vẫn có thể dương nhờ loại bỏ sự ảnh hưởng của các chi phí này.
Có lãi vào quý IV giúp Grab thu hẹp khoản lỗ cả năm 2023, còn 485 triệu USD, so với khoản lỗ hơn 1,7 tỷ USD vào năm 2022.
Cụ thể, trong riêng quý IV/2023, Grab đạt 653 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ 2022. Công ty lỗ hoạt động 46 triệu USD sau khi trang trải các chi phí trong kỳ. Tuy nhiên, nhờ doanh thu tài chính 42 triệu USD, Grab đã có lãi 11 triệu USD trong quý IV/2023.
Vào thời điểm cuối năm 2023, Grab vay nợ gần 800 triệu USD, trong khi số dư tiền và tương đương tiền của công ty tại cùng thời điểm là trên 3,1 tỷ USD, tăng hơn gấp rưỡi sau một năm.
Lũy kế cả năm, Grab đạt 2,4 tỷ USD doanh thu, tăng 65% so với năm 2022. Trong năm 2023, Grab đã cắt giảm đáng kể các chi phí hoạt động, giúp khoản lỗ cả năm còn 485 triệu USD. Năm 2022, Grab lỗ tới 1,7 tỷ USD.
Tính đến cuối năm 2023, Grab lỗ gần 16,8 tỷ USD.
Giao hàng là động lực tăng trưởng chính
Trong năm 2023, mảng giao hàng trở thành động lực tăng trưởng chính của Grab, với doanh thu đạt gần 1,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 51% tổng doanh thu của công ty. Năm 2022, mảng giao hàng chiếm 46% doanh thu Grab. Đây cũng là mảng kinh doanh tăng tốc mạnh mẽ trong năm vừa qua (tăng 80% trong một năm).
Trong khi đó, dịch vụ vận chuyển của Grab giảm tỷ trọng từ mức 48% xuống còn 37% sau một năm.
Mảng giao hàng của Grab bao gồm các hoạt động giao hàng như giao đồ ăn, giao nhận hàng nội đô… Doanh thu mảng này của Grab đến từ chiết khấu của tài xế và của các nhãn hàng sử dụng dịch vụ. Để bán hàng và sử dụng dịch vụ của Grab, cả nhà hàng ăn uống và tài xế đều phải trích doanh thu (doanh thu bán hàng và phí ship) cho Grab.
Trong báo cáo xu hướng giao hàng của người Việt trong năm 2022 do Grab phát hành, công ty cho biết tổng số đơn hàng được giao trên ứng dụng Grab tăng 24% trong năm 2022. Grab chưa phát hành báo cáo xu hướng giao hàng năm 2023, nhưng có thể dự đoán số đơn hàng cũng như giá trị đơn hàng đã tiếp tục tăng trưởng trong năm vừa qua.
Báo cáo của Grab cho biết GMV (Tổng giá trị đơn hàng) mảng giao hàng của Grab đạt gần 10,2 tỷ USD, chỉ tăng 4% trong năm 2023. Doanh thu mảng này tăng mạnh nhờ cơ cấu doanh thu của Grab trên mỗi đơn hàng.
Tại Việt Nam, GrabFood (dịch vụ gọi đồ ăn, được tính trong mảng giao hàng) đang chiếm ưu thế mảng gọi đồ ăn, đặc biệt sau khi Baemin chính thức rút khỏi thị trường. Hiện GrabFood cùng ShopeeFood đang thống trị mảng này với tỷ trọng lần lượt là 47% và 45% trong năm 2023, theo báo cáo về hoạt động giao đồ ăn ở Đông Nam Á của Momentum Works.
Cổ phiếu phản ứng “bình tĩnh”
Sau công bố về kết quả kinh doanh khả quan trong quý IV/2023, cổ phiếu Grab đã giảm 8,4%, xuống mức 3,16 USD/cổ phiếu. Mức giá này thậm chí thấp hơn mức giá trước đó một năm của công ty (3,21 USD/cổ phiếu).
Biến động cổ phiếu Grab trong một năm (Nguồn: Yahoo Finance)
Mỗi biến động thăng trầm của Grab đều ảnh hưởng trực tiếp đến “đối thủ” cũ phía bên kia bán cầu là Uber, nay đang là cổ đông lớn nắm giữ gần 14% cổ phần Grab.
Năm 2023, Uber hạch toán 80 triệu USD lợi nhuận nhờ khoản đầu tư vào Grab. Trước đó, khoản đầu tư này mang tới khoản lỗ 2,1 tỷ USD cho Uber.
Uber bắt đầu có lãi từ năm 2023 - đạt 2,2 tỷ USD. Tuy nhiên, ông lớn công nghệ này vẫn còn khoản lỗ lũy kế trên 30 tỷ USD tính đến cuối năm 2023 - theo báo cáo tài chính kiểm toán mới công bố.
Nhịp sống thị trường