MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Grab ra chính sách mới ngăn tài xế 5 sao đầu quân sang đối thủ: Những bác tài đạt trên 4,7 sao sẽ được cộng 20% thu nhập cho mỗi chuyến đi

29-05-2019 - 11:25 AM | Doanh nghiệp

Các công ty gọi xe trên khắp châu Á đang nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ trong bối cảnh sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp này đã dẫn đến nhiều tai nạn cũng như rắc rối cho khách hàng.

Hai ông lớn trong làng gọi xe là Didi Chuxing của Trung Quốc và Grab của Singapore đang tìm ra những cách mới để chuyến đi trở nên an toàn hơn và đảm bảo rằng các lái xe tuân thủ đúng khuôn khổ đã đề ra.

Trên thực tế, mô hình kinh doanh gọi xe xuất hiện lần đầu và phát triển tại Mỹ bởi Uber Technologies. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc từ lâu đã vượt qua Mỹ và hiện có quy mô lớn gần gấp đôi.

Tháng 8/2016, Didi Chuxing khiến thế giới bất ngờ khi tuyên bố mua lại toàn bộ mảng hoạt động của Uber tại Trung Quốc, kết thúc cuộc cạnh tranh khốc liệt tiêu tốn hàng tỷ USD của hai bên.

Từ đó, Didi đã trở thành kẻ thống trị mảng gọi xe tại đất nước tỷ dân. Sở dĩ công ty phát triển nhanh chóng như vậy một phần là nhờ sự hậu thuẫn của chính phủ Trung Quốc. Trước khi mua lại hoạt động của Uber tại nước này, hãng đã sáp nhập với đối thủ Kuaidi Dache năm 2015. Hiện số lượng người dùng của Didi rơi vào khoảng 550 triệu.

Grab ra chính sách mới ngăn tài xế 5 sao đầu quân sang đối thủ: Những bác tài đạt trên 4,7 sao sẽ được cộng 20% thu nhập cho mỗi chuyến đi - Ảnh 1.

Didi Chuxing đang là kẻ thống trị tại thị trường Trung Quốc.

Tháng trước, hãng bắt đầu cung cấp một hệ thống độc quyền để quản lý đội xe và dòng tiền thông qua ứng dụng với hi vọng sẽ được hơn 1.500 công ty gọi xe sử dụng đến cuối năm nay.

Thay vì mô hình tài xế đăng ký lái xe trong thời gian rảnh rỗi, ngày càng nhiều công ty có xu hướng sử dụng đội xe chuyên dụng và lái xe chuyên nghiệp cho dịch vụ của mình. Theo ước tính, đến nay đã có khoảng 6.000 công ty ở Trung Quốc áp dụng mô hình này.

Didi thu thập dữ liệu từ khoảng 30 triệu chiếc xe mỗi ngày. Hệ thống mới được xây dựng dựa trên 7 năm quản lý dữ liệu và rủi ro của hãng và được kỳ vọng sẽ giúp các công ty gọi xe áp dụng biện pháp kiểm soát an toàn tốt hơn và kiếm tiền hiệu quả hơn.

Mặc dù vậy, ngay cả khi kiểm soát hơn 60% thị trường quê nhà, Didi vẫn không phải là một cái tên quen thuộc ở nước ngoài. Chính vì vậy, CEO Cheng Wei cho biết trong tương lai, công ty sẽ tăng cường đầu tư vào các thị trường ngoài Trung Quốc.

Grab ra chính sách mới ngăn tài xế 5 sao đầu quân sang đối thủ: Những bác tài đạt trên 4,7 sao sẽ được cộng 20% thu nhập cho mỗi chuyến đi - Ảnh 2.

Về phía Grab, mới đây hãng đã giới thiệu một chương trình được thiết kế để ngăn tài xế giỏi chuyển sang nền tảng khác tại một số khu vực ở Indonesia. Những người được khách hàng đánh giá 4,7 sao hoặc cao hơn và đáp ứng yêu cầu về doanh số được gọi là tài xế "Elite+" và sẽ kiếm thêm được 20% mỗi chuyến so với tài xế thông thường.

Năm 2018, Grab đã mua lại hoạt động tại Đông Nam Á của Uber sau một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Sau đó, khu vực này đã nhanh chóng bị chi phối bởi Grab và đối thủ đến từ Indonesia của họ là Go-Jek. Hai công ty đều nằm trong số 17 "decacorns" của thế giới, câu lạc bộ dành cho những startup được định giá từ 10 tỷ USD trở lên.

Những người chơi khác trong lĩnh vực gọi xe công nghệ cũng đang nỗ lực để giành miếng bánh thị phần cho mình. Đầu năm nay, ứng dụng FastGo của Việt Nam đã chính thức triển khai dịch vụ gọi xe hai bánh FastBike Pro tại Hà Nội. Lái xe muốn tham gia phải trải qua quá trình tuyển dụng chặt chẽ như đánh giá về đạo đức và thái độ phục vụ. Hãng cho rằng, việc đảm bảo chất lượng của tài xế sẽ giúp thâm nhập dễ hơn vào thị trường Việt Nam hiện chủ yếu do Grab kiểm soát.

Theo ước tính, các dịch vụ gọi xe sẽ thu về khoảng 49 tỷ USD trên khắp các nền kinh tế lớn của châu Á trong năm nay. Trong đó, riêng Trung Quốc chiếm tới 35,5 tỷ USD. Đến năm 2023, con số này sẽ tăng lên 85 tỷ USD cho khu vực châu Á và 62,1 tỷ USD ở Trung Quốc.


Theo Gia Vũ

Trí Thức Trẻ/Nikkei

Trở lên trên