Grab Việt Nam phản bác tố cáo của Hiệp hội Taxi Hà Nội và khẳng định: "Chúng tôi giúp giảm ùn tắc giao thông!"
Công ty TNHH GrabTaxi khẳng định họ đã đạt được các mục tiêu theo đề án thí điểm và cho rằng các cáo buộc của Hiệp hội Taxi Hà Nội là thiếu căn cứ.
Bà Nguyễn Thu An, Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam tái khẳng định tính tất yếu của xu hướng rằng ứng dụng công nghệ kết nối và giao kết hợp đồng hiện đại, tiên tiến vào hoạt động vận tải. Grab cho rằng dịch vụ này không chỉ mang đến lựa chọn di chuyển an toàn, tiết kiệm và tiện lợi cho hành khách mà còn tăng hiệu quả kinh doanh của công ty vận tải, tối ưu hoá hiệu quả sử dụng xe, giảm ùn tắc giao thông thông qua việc kiềm chế sự gia tăng phương tiện cá nhân lưu thông trên đường.
“Sau gần hai năm thực hiện, có thể nói Công ty đã đạt được các mục tiêu đề ra trong Đề án thí điểm. Dù việc thực hiện hay dừng Đề án thí điểm là quyết định thuộc về cơ quan quản lý nhà nước với nhiều yếu tố cần cân nhắc, Grab Việt Nam tin tưởng rằng mọi quyết định của cơ quan quản lý đưa ra đều nhằm mục đích trọng tâm là đáp ứng nhu cầu cũng như bảo vệ lợi ích tối đa cho người dân” – bà Nguyễn Thu An nêu rõ.
Về tác động tích cực của Đề án thí điểm, bà Nguyễn Thu An cho rằng tính lan tỏa đã được chứng minh với việc 10 công ty Việt Nam cùng tham gia Đề án. Grab nhận định sự lan tỏa này là tín hiệu đáng mừng đối với ngành giao thông vận tải nói riêng và đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong thời đại kinh tế số 4.0. Một Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) đã được Grab đầu tư tại TP.HCM để hưởng ứng xu hướng phát triển công nghệ tại Việt Nam.
Về thông tin từ Hiệp hội Taxi Hà Nội liên quan đến số thuế phải nộp 67,5 tỷ đồng/tháng và dòng tiền chảy ra nước ngoài cho Uber, Grab là khoảng 3.600 tỷ đồng, đại diện Grab cũng đã đưa ra phản hồi chính thức.
Bà Nguyễn Thu An cho rằng thông tin chuyển tiền như cáo buộc của Hiệp hội Taxi Hà Nội là hoàn toàn sai lệch và thiếu căn cứ. Việc đưa ra thông tin liên quan đến tình hình hoạt động kinh doanh và nghĩa vụ thuế mà không có bằng chứng và căn cứ xác đáng là hành vi vi phạm pháp luật và gây thiệt hại đến uy tín Công ty cũng như các đối tác kinh doanh.
“Grab Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam, Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM cấp giấy phép kinh doanh năm 2014, trụ sở chính và các văn phòng đại diện đặt tại Việt Nam, hoạt động hợp pháp theo pháp luật hiện hành, toàn bộ giao dịch được thực hiện qua tài khoản Grab mở tại ngân hàng ở Việt Nam. Thêm vào đó, hệ thống giao dịch tự động và minh bạch của Grab cho phép cơ quan chức năng dễ dàng xác minh nghĩa vụ thuế chính xác tới từng chuyến xe” – Bà Nguyễn Thu An cho biết.
Đại diện Grab Việt Nam khẳng định rằng chính sách thuế luôn được công ty nỗ lực tuân thủ. Tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh của Grab được bảo đảm với chế độ lưu trữ sổ sách phù hợp với quy định pháp luật và quy tắc thực hành kế toán của Việt Nam. Mỗi năm, việc đóng góp nghĩa vụ thuế vào Ngân sách Nhà nước của Grab Việt Nam luôn tăng trưởng gần 300%.
Đồng thời, Grab Việt Nam cũng cho biết công ty đang hỗ trợ các đối tác vận tải trong việc kê khai, nộp thuế hàng tháng. Cơ chế phối hợp này đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý thuế của Nhà nước, chống thất thu thuế.
Ước tính số thuế mà Uber và Grab phải nộp. (trang 9 - Đơn kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội, ngày 25/9/2017)
Trước đó, hôm 26/9, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã đưa ra các báo cáo về những sai phạm của chương trình thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Trong đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội ước tính rằng tổng số thuế phải nộp của Uber và Grab là 67,5 tỷ đồng/tháng. Ngoài ra, với 20% doanh thu phía Uber và Grab được hưởng thì mỗi năm dòng tiền từ trong nước chảy ra nước ngoài cho Uber và Grab khoảng 3.600 tỷ đồng.
Theo Đề án được Thủ tướng phê duyệt, thời gian thí điểm chỉ còn 3 tháng nữa. Sau tháng 1/2018, Chính phủ sẽ có quyết định về việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý và kết nối xe hợp đồng, dựa trên các báo cáo tổng kết, đánh giá đa chiều.