Greta Thunberg đã đúng ở điểm này: Khoa học đang phải làm tất cả để giữ nhiệt độ Trái đất tăng lên dưới mức 2 độ C và đây là lý do
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu nhiệt độ Trái đất tăng thêm 2 độ C nữa? Câu trả lời là một chuỗi bi kịch.
Greta Thunberg đã gây chấn động thế giới bằng bài phát biểu đanh thép trước mặt các nguyên thủ quốc gia tại cuộc họp thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc.
Bài phát biểu của cô bé đã tạo nên những phản ứng trái chiều. Người ủng hộ vì cô bé đã truyền cảm hứng cho người trẻ tham gia đấu tranh vì biến đổi khí hậu, người khác lại cho rằng cô bé đã quá hỗn hào và còn thiếu đi những góc nhìn đa chiều về thế giới. Nhưng dù cách truyền đạt có phần gây tranh cãi, thì tựu chung thông điệp cô bé đưa ra vẫn là thật: biến đổi khí hậu đang xảy ra, và với tốc độ ngày càng nhanh hơn.
Greta Thunberg phát biểu tại hội nghị của Liên Hợp Quốc
Đáng chú ý, trong bài phát biểu của cô có nhắc đến việc con người hiện đang phải nỗ lực giới hạn mức nhiệt tăng lên của Trái đất ở mức 1,5 - dưới 2 độ C. Đây là thông tin hoàn toàn chính xác và đã được khoa học xác nhận, vì nếu vượt qua ngưỡng này sẽ là một chuỗi bi kịch xảy ra với Trái đất.
Trái đất đã từng nóng lên rất nhanh
Trong quá khứ, Trái đất đã từng trải qua những giai đoạn ấm lên nhanh chóng - như vào thế Pliocene xảy ra vào 3 triệu năm trước. Khi đó, 1/3 lượng băng tại Nam Cực đã tan chảy, khiến mực nước biển dâng đến 20m.
Thông tin này được đưa ra trong báo cáo mới đây từ ĐH Victoria (Wellington, New Zealand). Theo đó thì khi đào xuống và phân tích lõi khu vực đồng bằng Whanganui (New Zealand) - nơi có các lớp trầm tích đại dương cổ xưa nhất và chất lượng cao nhất - chúng ta sẽ biết mức độ nước biển dâng trong quá khứ là như thế nào.
Cũng nhờ phương pháp này, chúng ta có thể dự đoán mực nước biển sẽ thay đổi như thế nào với tình hình hiện tại. Ở thế Pliocene, nồng độ CO2 trong khí quyển rơi vào khoảng 400 đơn vị phần triệu, và nhiệt độ Trái đất cao hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp hiện đại.
Kết quả cho thấy ở mức 2 độ C, Nam Cực sẽ lại một lần nữa tan chảy, và nó sẽ đưa Trái đất về trạng thái hết sức cực đoan của 3 triệu năm trước.
Mục tiêu của Hiệp định Paris
Greta Thunberg qua bài phát biểu và những cuộc tuần hành "Bãi khoá vì khí hậu" #FridaysForFuture đã nhấn mạnh rằng các quốc gia cần phải tích cực thực hiện đúng thỏa thuận đã ký trong Hiệp định Paris về phòng chống biến đổi khí hậu, đó là giữ nhiệt độ gia tăng dưới mức 2 độ C.
Và cô bé phần nào đã đúng. Ở mức độ phát thải khí nhà kính như hiện nay, chúng ta sẽ quay lại thế Pliocene vào năm 2030 - cũng là thời điểm mốc 2 độ C bị vượt qua. Và nếu điều đó xảy ra, câu hỏi lớn nhất là nhân loại sẽ phải chịu ảnh hưởng gì, và nước biển gia tăng nhanh như thế nào.
Theo một báo cáo mới của IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu), các dòng sông băng và băng giá ở hai cực liên tục tan chảy. Điều quan trọng là khả năng nước biển dâng lên trong tương lai là cực kỳ khó ngăn chặn.
Ước tính, khoảng 66% tỷ lệ mực nước biển trên toàn thế giới sẽ dâng lên 1,2m tính đến cuối thế kỷ 21. Và bi kịch thay, mọi chuyện sẽ không dừng lại khi đó.
Tương lai của nhân loại có gì?
Để dự đoán chính xác hơn, chúng ta cần hiểu về sự nhạy cảm của băng giá tại 2 cực. Và để so sánh, thì thế Pliocene sẽ là một hệ quy chiếu tuyệt vời.
Năm 2015, các chuyên gia tại ĐH Victoria đã tiến hành nghiên cứu lớp trầm tích tại đồng bằng Whanganui. Timothy Naish - một chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm cũng tham gia nghiên cứu này.
Biến đổi khí hậu thực chất là một vòng tuần hoàn. Nước biển đã dâng lên rồi hạ xuống, tạo thành chu kỳ có tên Milankovitch. Chu kỳ này biểu thị sự thay đổi của Trái đất quanh Mặt trời mỗi 20.000 - 40.000 - 100.000 năm. Qua từng cột mốc, băng giá ở 2 cực sẽ dày lên, hoặc tan ra.
Dựa trên chu kỳ này, cộng thêm áp dụng các mô hình tính toán, các chuyên gia có thể biết được chuyện gì đã xảy ra từ 3 triệu năm trước. Theo đó, mực nước biển trong thời kỳ này tăng lên dao động từ 5 - 25m. Trong đó, hầu hết lượng nước đến từ băng giá vùng Nam Cực. Điều này có phần tương đồng với những gì đang xảy ra ngày hôm nay, khi băng giá tại Greenland cũng đang tan chảy. Bởi băng giá tại Greenland tan ra có thể khiến nước biển dâng từ 5 - 25m.
Vấn đề nằm ở chỗ, con người đang đẩy nhanh vòng tuần hoàn này lên bằng các hành động của mình. Với hàng chục tỉ tấn CO2 thải ra riêng từ nhiên liệu hóa thạch, mọi chuyện đang ngày càng trở nên tệ hơn.
Nước biển nóng lên, và băng tan ngày càng nhanh hơn. Theo dự tính, ít nhất 1/3 lượng băng tại Nam Cực - chịu trách nhiệm cho 20m nước biển dâng, hiện đang chìm dưới biển và dần sụp đổ vì điều này. Hàng triệu người sẽ phải di tản, hệ sinh thái bị tàn phá, và mọi thứ sẽ chỉ toàn là bi kịch.
Không chỉ Greta, mà có lẽ bất kỳ ai cũng cần phải lên tiếng.
Tham khảo: Science Alert
Helino