MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS. Lê Văn Cường, Đại học Paris: Một số người đang nói về năng suất của Việt Nam một cách thiếu sót!

Tăng năng suất là vấn đề rất quan trọng đối với phát triển trung hạn của Việt Nam để đạt được mục tiêu nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Dù vậy, theo GS. Lê Văn Cường (Đại học Kinh tế Paris, Pháp), một số người đang hiểu quá giản đơn về năng suất của Việt Nam khi nói quá nhiều đến năng suất lao động.

Năng suất và tăng trưởng của Việt Nam

"Tăng trưởng bền vững" là cụm từ được lặp lại rất nhiều lần tại Diễn đàn VSF 2018 vừa diễn ra. Bởi lẽ, đây là yếu tố quan trọng để hướng đến một Việt Nam thịnh vượng trong tương lai. Sau 30 năm Đổi mới, kinh tế đất nước đã có nhiều chuyển biến quan trọng, theo Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng.

GS. Lê Văn Cường, Đại học Paris: Một số người đang nói về năng suất của Việt Nam một cách thiếu sót! - Ảnh 1.

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn đó, GDP bình quân đầu người còn thấp, năng suất lao động chưa cao, bất bình đẳng giữa các tầng lớp bị doãng ra, môi trường cũng bị tác động tiêu cực...

Ông Dũng cho biết Việt Nam buộc phải tăng trưởng nhanh, liên tục trong dài hạn nếu như không muốn tụt hậu với thế giới, nhưng cũng không thể vì tăng trưởng mà bất chấp các yếu tố khác. Tức là, đất nước phải giải được bài toán kép: tăng trưởng cao nhưng bền vững.

GS. Lê Văn Cường, Đại học Paris: Một số người đang nói về năng suất của Việt Nam một cách thiếu sót! - Ảnh 2.

Theo đó, chúng ta cần phải tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả của năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

GS. Lê Văn Cường đến từ Đại học Kinh tế Paris, Pháp cho biết năng suất là yếu tố cốt lõi để Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở năng suất lao động thì nó là một sự thiếu sót.

Theo ông, hiện mọi người nói rất nhiều về năng suất lao động nhưng lại quên đi năng suất vốn và năng suất tổng hợp.

Vốn khác với lao động bởi nó là kết quả của một quá trình tích luỹ theo thời gian của đầu tư. Đầu tư vào vật chất ngày hôm nay sẽ được tính vào vốn của ngày mai. Nếu chúng ta chuyển sang mua công nghệ mới kết hợp với đầu tư vào máy móc, vốn cuối cùng sẽ có hiệu quả, năng suất cao hơn.

GS. Lê Văn Cường, Đại học Paris: Một số người đang nói về năng suất của Việt Nam một cách thiếu sót! - Ảnh 3.

Ông Cường cho rằng phải tìm được cách phân bổ tối ưu giữa mua máy móc và công nghệ mới, số tiền chi tiêu cho giáo dục, đào tạo, chính sách tiền lương. Do vậy, không thể tách độc lập vấn đề về năng suất vốn và năng suất lao động ra riêng. Phải có sự kết hợp hợp lý của hai năng suất này để phát triển bền vững.

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Việt Nam còn cần quan tâm đến yếu tố thứ ba là năng suất tổng hợp (TFP). Giả sử hai nước có năng suất lao động, năng suất vốn bằng nhau nhưng khác nhau về TFP thì nước nào có TFP thấp hơn sẽ bị đào thải bởi giá thành sản xuất của họ cao hơn giá thành sản xuất của nước kia.

GS. Cường bên cạnh đó cũng chỉ ra một vấn đề quan trọng ở một số quốc gia đang phát triển, đó là phần "overhead" ẩn giấu và bị biển thủ trong tiết kiệm của quốc gia và được dùng như thu nhập của cá nhân. Quan trọng hơn, phần ẩn giấu này là một biến số không được xác định.

Theo tính toán của ông và các cộng sự dựa trên số liệu của 2.800 công ty nhà nước, trong năm 2013, 23% vốn đã thất thoát. Con số này đã tăng thành 30% vào năm 2014. Do vậy, dù đẩy mạnh được năng suất lao động nhưng vốn lại bị thất thoát như trên thì không biết bao nhiêu mới đủ bù vào.

Để giải quyết các vấn đề trên, GS. Cường khuyến nghị cần có điều tra cụ thể về nhu cầu về nhân sự cũng như công nghệ của các công ty; cải cách hệ thống giáo dục; minh bạch chi phí "overhead" để đo chính xác được năng suất... thông qua đó, giúp Việt Nam có sự phát triển, tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Giáo dục và phương cách thúc đẩy tăng trưởng thông qua kiến tạo sức mạnh cộng hưởng

Giáo dục cũng là một chủ đề nóng tại VSF 2018. Nhiều chuyên gia, học giả quốc tế cho rằng đấy là cách thức giúp Việt Nam trở nên thịnh vượng hơn.

Ông Andreas Schleicher, Giám đốc Uỷ ban Giáo dục và Kỹ năng, OECD nhận xét chất lượng sinh viên Việt Nam rất tốt nếu so sánh với sinh viên các nước phát triển có điều kiện về kinh tế vượt trội. Tuy nhiên, các sinh viên này còn bị hạn chế việc tiếp cận các kỹ năng khác, ngoài lý thuyết trên giảng đường.

GS. Lê Văn Cường, Đại học Paris: Một số người đang nói về năng suất của Việt Nam một cách thiếu sót! - Ảnh 4.

Ngoài ra, các chương trình đào tạo trong nước cũng cần nhanh chóng bắt kịp với thời đại công nghệ số nếu không muốn bị tụt lại.

"Công nghệ mang lại lợi ích nhưng nếu không đủ kỹ năng con người sẽ bị tụt hậu chứ không phải tiến lên. Công nghệ song hành với bạn nhưng không có nghĩa nó sẽ dẫn bạn đi. Phải biến nó thành bạn chứ không phải để nó chi phối và kiểm soát bạn", ông Andreas Schleicher nói.

Ông Olivier Brechard, TGĐ, WebForce3 và là cựu CEO WISE nhấn mạnh tăng cường giáo dục và đào tạo đang là thách thức trong tương lai. Nguyên nhân trong thế giới cạnh tranh toàn cầu và công nghệ ngày càng tinh vi, việc học cách sống phụ thuộc vào chất lượng cũng như sự phù hợp của các kỹ năng và năng lực.

GS. Lê Văn Cường, Đại học Paris: Một số người đang nói về năng suất của Việt Nam một cách thiếu sót! - Ảnh 5.

Ông Olivier Brechard, TGĐ, WebForce3 và là cựu CEO WISE.

 Do đó, việc chuẩn bị cho cá nhân, thông qua học tập phải là điều cần đặc biệt coi trọng. Việc học này, chú trọng những cái mới, những cái sang tạo, bởi những gì đang ở hôm nay sẽ nhanh chóng bị cũ đi, theo ông Olivier.

PGS. Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng phát triển bền vững cần được xây dựng dựa trên 3 trụ cột chính. Đó là tăng trưởng kinh tế, quản lý và bảo vệ môi trường và sự tham gia đóng góp của xã hội.

GS. Lê Văn Cường, Đại học Paris: Một số người đang nói về năng suất của Việt Nam một cách thiếu sót! - Ảnh 6.

Cả 3 trụ cột này sẽ được hưởng lợi một cách đáng kể nhờ vào sự phát triển công nghệ đến từ cuộc cách mạng số. Nhất là tại các nước đang phát triển, thông qua mô hình 6 bước, gồm: (1) Ra quyết định – các công cụ truyền thông hoạt động hiệu quả hơn cho phép ra quyết định một cách chính xác, (2) Chia sẻ kinh tế và phối hợp – Sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng số đang tạo ra sự tăng trưởng chưa từng có về giá trị cho nền kinh tế, (3) Hoạt động hiệu quả và xuất sắc, (4) Học tập và đổi mới, (5) Sử dụng tài nguyên tái tạo và dữ liệu và (6) Giám sát và minh bạch.

"6 cơ chế này tạo thành một khuôn khổ toàn diện cho Chính phủ các nước đang phát triển nắm bắt cuộc cách mạng số để thúc đẩy phát triển bền vững", ông Khương cho hay.  

Đức Minh Ảnh: Hoàn Như

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên