GS. Nguyễn Minh Thuyết: Xóa bằng được “nhất hậu duệ… bét trí tuệ”
"Có thể hiểu Thông điệp của Thủ tướng “tạo cơ hội cho con cháu nông dân, công nhân, người nghèo” là bất kỳ ai có năng lực đều phải được trọng dụng".
GS Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trò chuyện với phóng viên về hoạt động của bộ máy công chức.
“Thế chân kiềng” có vấn đề
Bộ máy Chính phủ trong nhiệm kỳ mới vừa được kiện toàn với 27 thành viên. Theo ông, đâu là những ưu điểm của Chính phủ nhiệm kỳ mới?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Một ưu điểm thấy rõ ở bộ máy mới của Chính phủ là hầu hết các thành viên đều từng trải, đã phụ trách từ cấp cơ sở trở lên, cũng có nhiều vị đã được thử thách qua các cương vị cấp cao, nhiều người đã được thử thách qua ba tháng vừa rồi. Một điểm nổi bật là Thủ tướng Chính phủ và cả Chính phủ đều có quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, một Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, liêm chính, trong sạch, chống tham nhũng. Có thể nói đó là những điểm hết sức thuận lợi. Tuy nhiên, khó khăn thì rất nhiều so với mấy nhiệm kỳ trước.
Cụ thể đó là những khó khăn gì, thưa ông?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, có ít nhất 5 khó khăn Chính phủ khóa mới đang phải đối mặt.
Trước tiên, về kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả hơn doanh nghiệp tư nhân. Với doanh nghiệp nước ngoài, có thể nói đầu tư cũng chưa thật hiệu quả, trừ một số trường hợp như Samsung. Về tài chính thì thu không đủ chi, nợ công cao, trở thành khó khăn vô cùng lớn của khóa này.
Còn khó khăn về xã hội thì nạn tham nhũng chưa được đẩy lùi, người dân có nhiều bức xúc về an toàn thực phẩm, công ăn việc làm, văn hóa, giáo dục, y tế…
Kế đến là vấn đề môi trường. Là nước đi sau, đáng lẽ chúng ta phải rút ra được những bài học kinh nghiệm của các nước đi trước, làm cho đất nước phát triển nhưng phải có một môi trường trong sạch, nghĩa là phải chọn lọc đầu tư. Nhưng vì kêu gọi đầu tư không có chọn lọc, nên sự tàn phá môi trường và đe dọa tàn phá môi trường đang là nguy cơ rất lớn. Hết Formosa tàn phá biển lại tới dự án Nhà máy giấy Lee&Man đe dọa sông Hậu, rồi Nhà máy alumin Nhân Cơ tràn hóa chất ra ngoài... Nói như đại biểu Quốc hội Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình, đó là những “quả bom môi trường” sẵn sàng nổ bất cứ lúc nào.
Tóm lại, cả ba “thế chân kiềng” kinh tế - xã hội - môi trường để đảm bảo cho sự phát triển bền vững đều có những vấn đề khá nghiêm trọng.
Thứ tư là về hành chính. Cải cách hành chính chưa có đột phá. Chính phủ vẫn phải làm thay doanh nghiệp, làm thay cấp dưới nhiều quá. Đó là chưa kể cơ quan hành chính nhiều cấp chưa được lòng dân, chưa tạo thuận lợi cho dân, đến xin cái giấy ở phường còn khó khăn, nói gì đến những chuyện to lớn hơn.
Thứ năm là chủ quyền biển đảo của chúng ta đang gặp thử thách càng ngày càng lớn.
Không thể có chuyện trên bảo dưới không nghe
Giữa nhiều khó khăn đó, một Chính phủ liêm chính, một Chính phủ hành động phải chăng sẽ là giải pháp để hạn chế và khắc phục những khó khăn lớn mà chúng ta đang đối mặt?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Khó khăn rất lớn, rất nặng nề như vậy nhưng tôi cho rằng nếu Chính phủ phát huy được thế mạnh của mình, có quyết tâm cao thì có thể thực hiện được những mục tiêu đề ra. Theo tôi, để có được thành công, Chính phủ cần có bốn điều.
Trước tiên, cần đổi mới tư duy. Một trong những đổi mới ấy là đừng làm thay doanh nghiệp nữa. Nước Mỹ lớn như thế mà chỉ có số bộ bằng ta, lại chỉ có một Tổng thống và một Phó Tổng thống thôi. Nếu họ cứ suốt ngày ngồi bàn lý luận phát triển kinh tế, đường hướng kinh doanh, mặt hàng ưu tiên… thay cho doanh nghiệp thì còn làm được gì nữa? Chức năng của Chính phủ là kiến tạo môi trường pháp lý và môi trường xã hội thuận lợi để người dân làm ăn, chứ không phải dắt tay người ta lách qua những chướng ngại vật thủ tục do chính bộ máy của mình dựng lên.
Thứ hai là phải dân chủ, phải tin dân, dựa vào dân. Được lòng dân thì sẽ được hết, mà muốn thế thì phải có dân chủ.
Kế đến là phải có kỷ cương. Không thể có chuyện trên bảo dưới không nghe, pháp luật quy định một đằng, quan chức làm một nẻo; khi xảy ra sai phạm thì xử lý theo kiểu “nặng dưới nhẹ trên”, dân thì phạt cho đã, quan thì chỉ… rút kinh nghiệm hoặc rút kinh nghiệm… sâu sắc.
Cuối cùng là phải gương mẫu. Chính phủ gương mẫu, mỗi thành viên Chính phủ gương mẫu mới có thể tập hợp được người dân, thực hiện được những nhiệm vụ to lớn đặt ra.
Nói về kỷ cương và gương mẫu, phải chăng chúng ta cần nhấn mạnh đến vai trò và đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Kỷ cương có nghĩa là sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; đảng viên còn phải chấp hành quy định của Đảng. Xảy ra chuyện, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chứ không thể nói tôi không ngờ, rồi có tập thể này tập thể kia, cấp này cấp khác nhất trí, mà không chịu trách nhiệm. Là người đứng đầu, ông phải chịu trách nhiệm, còn chuyện bất ngờ càng chứng tỏ ông không xứng với vị trí được giao.
Muốn làm được như vậy, cần đổi mới tư duy. Vì sao ở Việt Nam rất ít người dám từ chức? Vì từ chức một lần coi như chấm hết, chẳng bao giờ quay lại được vị trí lãnh đạo nữa. Tại sao chúng ta không để rộng đường, nếu lần này làm chưa tốt thì miễn nhiệm, nhưng sau làm tốt, có tư duy mới lại được giao nhiệm vụ? Cứ làm như hiện nay thì chẳng ai dám từ chức, mà cách chức nhau cũng rón rén.
Bất kỳ ai có năng lực đều phải được trọng dụng
PV: Bài phát biểu tại Quốc hội sau khi tái đắc cử, Thủ tướng đã đưa ra một thông điệp đáng chú ý là phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, kể cả cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai. Ông suy nghĩ gì về điều này?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Chuyện lựa chọn và sử dụng người tài đã trở thành chân lý từ xưa đến nay rồi. Từ khi lập nước, Cụ Hồ đã thực hiện, nhưng sau này, cách dùng người sáng suốt đó dần dần bị lãng quên, nên thông điệp “tạo cơ hội cho con cháu nông dân, công nhân, người nghèo” của Thủ tướng vẫn là rất mới. Cũng cần hiểu thông điệp đó rộng ra là không phải chỉ con cháu nông dân, công nhân hay người nghèo mà bất kỳ ai có năng lực đều phải được trọng dụng. Đảng, Nhà nước phải mở rộng cửa thu hút nhân tài để phát triển đất nước.
Muốn thực hiện thông điệp này, rõ ràng phải đổi mới chính sách nhân sự. Thủ tướng đã có một thông điệp như vậy, ít nhất trong nhiệm kỳ này cũng phải có một bước thay đổi nhất định. Ít nhất người dân phải thấy được sự thay đổi chính sách nhân lực trong khu vực công. Phải xóa bằng được cái công thức điển hình cho lợi ích nhóm: “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bét trí tuệ”. Những trường hợp tư túi, trục lợi, làm trái quy định phải xử lý thật nghiêm minh. Có như vậy mới tạo được lòng tin trong nhân dân.
Để tạo lòng tin trong nhân dân, trước tiên Chính phủ cần lắng nghe nhân dân, lấy lợi ích của người dân làm thước đo của mọi thước đo?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Nước nào cũng vậy, thời nào cũng thế, dân chính là người làm nên sự phát triển của đất nước. Không có dân thì ai sản xuất, ai đóng thuế, ai bảo vệ đất nước…? Bởi vậy, trong một xã hội dân chủ, chính quyền phải hiểu rõ vị thế của người dân, tận tụy phục vụ dân, lắng nghe dân, tăng cường đối thoại với dân. Thay đổi tư duy từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ là điều rất quan trọng.
Còn nhớ có lần cùng một đoàn công tác của Quốc hội sang thăm Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), tôi rất thấm thía thế nào là công bộc của dân. Theo ông Đại sứ Việt Nam, đất nước giàu có này chỉ có khoảng 800 nghìn dân, phải thuê mướn đến 4,8 triệu lao động nước ngoài, từ công nhân, bảo vệ đến hải quan, thuế vụ, cảnh sát, nhân viên hành chính… Tiếp xúc với cảnh sát của họ, tôi thấy những nhân viên công vụ này tận tụy, nghiêm túc và rất dễ thương. Chắc ở cương vị “làm thuê theo nghĩa đen” của mình, hơn ai hết họ hiểu họ là công bộc của dân, ăn lương từ tiền thuế của dân, chứ không phải cha mẹ của dân.
Bao giờ bộ máy công chức của chúng ta hiểu được rằng mình là đầy tớ của dân như Cụ Hồ nói, lúc đó mới đảm bảo được dân chủ. Muốn vậy phải tăng cường đối thoại với dân chứ không thể áp đặt một chiều lên người dân được.
Cảm ơn ông.