GS. Phan Văn Trường: Đi ra nước ngoài hãy là chính mình nhưng đừng cứ 5 phút lại tự nhắc nhở “Tôi là người Việt Nam”
Khái niệm công dân toàn cầu đang được nói đến nhiều hơn ở Việt Nam, nhưng tinh thần của công dân toàn cầu là gì? Nói tốt ngoại ngữ, làm việc ở nước ngoài sẽ trở thành công dân toàn cầu? Hay đơn giản như cách nói của GS. Phan Văn Trường, công dân toàn cầu là những người yêu trái đất, yêu nhân loại?
8h sáng, GS. Phan Văn Trường đã có mặt tại L’Espace Tràng Tiền (Hà Nội) để chuẩn bị buổi chia sẻ đầu năm về chủ đề "Người Việt trong môi trường làm việc quốc tế", dự kiến diễn ra vào lúc 9h. Ở tuổi 73, GS. Trường trông tràn đầy năng lượng với khuôn mặt luôn tươi cười. Ông thoải mái đi dọc các dãy ghế, chào từng người một.
Công dân toàn cầu là gì? Như giải nghĩa của GS. Phan Văn Trường, đó là người phải biết quan tâm đến các vấn đề toàn cầu, có cái nhìn rộng, không kỳ thị văn hóa nào và sẵn sàng chia sẻ những gì mình biết. Người công dân theo khái niệm mới này, chủ yếu dựa trên sức mạnh nội tâm của chính mình.
“Người Việt Nam hay đặt câu hỏi làm trong nước thế này, ra nước ngoài có làm được không, người ta có quý, tôn trọng mình không? Thực ra nó đơn giản vô cùng, không khó khăn gì!”, ông Trường nói với khán giả và cho biết việc quan tâm, yêu thương nhân loại thể hiện qua những cử chỉ rất đơn giản.
Kể lại một cuộc nói chuyện với các em học sinh cấp 3 ở Bắc Giang, ông cho biết mình từng yêu cầu các em áp dụng nguyên tắc đầu tiên của công dân toàn cầu: “Hãy hứa với thầy là mỗi tuần các em sẽ nhặt một mẩu giấy dưới đất bỏ vào thùng rác”. Tuy nhiên, thay vì hào hứng đáp lại, khuôn mặt các bạn trẻ ngẩn ra.
“Thầy làm cái đó mỗi phút trong suốt cuộc đời. Các em thấy khó vì chưa bao giờ làm. Thậm chí có giấy trong túi còn vứt xuống đất. Thực ra thầy không đòi các em nhặt một tờ giấy, thầy chỉ muốn bẻ gẫy suy nghĩ của các em”, ông Trường bày tỏ.
Nói với các bạn trẻ hôm đấy, ông chỉ yêu cầu các em thực hiện điều này. Đây là nguyên tắc đầu tiên mà một công dân toàn cầu phải học, là biết yêu thương địa cầu, nơi mà các em sinh sống. Bởi mỗi người chỉ cần vứt một tờ giấy, trái đất sẽ trở thành trái rác. Đó là bài học vỡ lòng mà GS. Trường muốn các em học sinh hiểu được, trước khi các em ao ước làm việc gì đó lớn lao hơn.
Trở lại hội trường với những người trẻ đang mang trong mình nhiều khát vọng, ông Trường nhấn mạnh không phải cứ biết ngoại ngữ, làm ở nơi này, nơi kia là trở thành công dân toàn cầu.
Công dân toàn cầu thực ra đơn giản hơn nhiều. Theo ông Trường, khi các bạn trẻ ra nước ngoài, hãy là chính mình, nhưng “đừng nhắc nhở mình mỗi 5 phút: tôi là người Việt Nam”. Đây là tâm lý chung của hầu hết người Việt khi bước ra môi trường quốc tế: mặc cảm về chính mình, lo sợ sự khác biệt của bản thân sẽ là rào cản. Sự tự nhắc nhở này, vô hình chung đã tạo ra những rào cản khiến họ không hòa nhập được trong các môi trường đa văn hoá.
“Các em đang may mắn vô cùng vì những người giống các em đông lắm. Ví dụ như sang Pháp ngày xưa, những người ở đó không giống các em, họ chỉ giống nhau thôi. Nhưng giờ nước Pháp đầy màu sắc, đầy quốc tịch. Đừng bao giờ bắt đầu một câu nói, một suy nghĩ với kiểu: Tôi là người Việt Nam, hãy nhìn nó với góc độ của chính em mà thôi”, GS. Trường nói.
Ông nhấn mạnh hãy bỏ đi suy nghĩ mình là một nước bé. Giờ đây, khi biên giới quốc gia ngày một bị xóa nhoà, làn sóng di chuyển đang diễn ra trên toàn cầu. Mặt khác, thế giới được vận hành trên những nguyên tắc mà nếu tuân thủ nó, thì dù bạn là ai, bạn cũng có chỗ đứng.
“Các em phải tự tin. Nhưng trong sự tự tin đó, phải học tập, tư duy không ngừng. Đất nước chúng ta phải trở thành hùng cường”, GS. Phan Văn Trường nhấn mạnh.
Ông phân tích rằng bên cạnh những yếu tố thuận lợi về vị trí, tiềm năng, người Việt có khả năng hấp thu và tiến bộ rất nhanh. “Không có một nước nào như Việt Nam có đầy đủ hết các yếu tố để phát triển”, ông nói và nhấn mạnh 50 năm đầu của thế kỷ 21 là cơ hội khủng khiếp để Việt Nam trở thành đất nước mà mỗi người dân mong muốn. Dù vậy, điều này chưa xảy ra vì bản thân người Việt, theo GS. Trường là không có tư duy tiến không ngừng.
Thành công của mỗi người sẽ khác nhau, nhưng tựu chung sẽ dựa trên một số nguyên tắc. Trao đổi với Trí Thức Trẻ, GS. Phan Văn Trường nói rằng ông mong muốn các bạn trẻ Việt Nam sẽ hiểu được 5 vấn đề.
Thứ nhất, ông thẳng thắn nói rằng bản thân không thể chấp nhận được khi câu cửa miệng của nhiều người là “tranh thủ”. Theo ông, không có công việc nào là tranh thủ cả. Bất cứ việc gì cũng phải làm sâu sắc, làm đến nơi đến chốn, làm theo nhịp độ của bản thân, không phải vội vàng. “Tư duy này ngược hẳn với tư duy làm cho xong việc. Tư duy làm xong việc là tư duy chết”, ông khẳng định.
Thứ hai, ông cho rằng đừng nghĩ đến đồng tiền khi làm việc. Bởi khi nhiệt tâm lao động, tiền sẽ đến một cách dĩ nhiên. “Đồng tiền sẽ không thể tránh mình được. Còn khi cứ suy nghĩ về tiền thì sẽ đến lúc các em sẽ cảm thấy đủ rồi, nhưng việc mà mình làm thực tế vẫn còn đào sâu được. Cứ làm đi, tất cả những người nổi tiếng đều thực hiện điều này”.
Thứ ba, GS. Trường nhấn mạnh làm bất cứ công việc gì cũng phải cố gắng hết sức. Sự cố gắng này nhằm tạo ra giá trị cho chính bản thân mỗi người. Bởi sự “dày hay mỏng” của mỗi cá nhân là do chính sự cố gắng của họ. Nếu tạo càng nhiều, giá trị của một người sẽ càng dày lên và ngược lại.
Thứ tư là về cơ hội. Cơ hội của mỗi người thực tế là rất nhiều nhưng nó thường không đến với hình hài màu mỡ của cơ hội, thay vào đó là dáng vẻ của thách thức.
“Nếu cơ hội mà dễ dàng như việc có người mang đến cho các em một khay vàng, hãy sợ điều đó. Cơ hội thật sự là một thách thức mà khi các em làm được, các em sẽ được đánh giá đúng và được giao thêm nhiều trọng trách lớn hơn”, ông nhìn nhận.
Thứ năm là lời khuyên về đạo đức. Ông Trường cho rằng bất cứ việc gì cũng cần phải làm với tinh thần nhân ái và đạo đức. Một việc làm cần phải có ích cho mọi người, phải biết xin lỗi mỗi khi mắc phải sai lầm và không để sai lầm tái phạm. Tuy nhiên, ông khẳng định đạo đức là thứ khó giữ và phải luôn rèn luyện mỗi phút trong cuộc đời.
“Khi mà các em có đạo đức, làm việc cố gắng hết mình, làm thật sâu sắc công việc và có lòng nhân ái với mọi người, các em sẽ thấy tại sao xã hội đẩy mình lên. Nhưng đây là kết quả chứ không phải là sự tìm kiếm của mình. Mình chỉ tìm kiếm hai thứ thôi: giá trị cho người khác và giá trị cho chính mình”, ông khẳng định.
Khiêm tốn là một trong những đức tính được GS. Phan Văn Trường nhấn mạnh nhiều lần trong cuộc nói chuyện. Ông chia sẻ rằng bản thân quen rất nhiều người giỏi nhưng họ không khiêm tốn và họ lo rằng thiên hạ không đánh giá đúng. Nhưng ông lại nghĩ khác.
Ông cho rằng không nên bận tâm đến đánh giá của người khác bởi đấy là thứ bản thân mình không thể kiểm soát được. “Các bạn muốn vẽ một bức tranh thật đẹp mà có tôi trong đó không đẹp được thì cũng không biết làm sao bây giờ. Phải xin lỗi và rút lui chứ sao”, ông hóm hỉnh nói.
Theo ông, đừng bao giờ cảm thấy bị xúc phạm, mỗi người cần giữ thái độ tích cực, phải tự đánh giá chính mình, chỗ nào sai thì sửa.
Mỗi người hẳn nhiên đều có tính tự ái, nhưng quan trọng là không để tự ái sai chỗ. Tự ái đúng chỗ, như ông nói là biết mình thất bại ở đâu để cố gắng bổ sung thêm các giá trị mới.
“Xã hội bao giờ cũng đánh giá mình đúng lắm, họ không đánh giá sai ai cả. Nếu đánh giá sai có nghĩa là mình làm chưa đủ tốt”, ông cười nói.
Người đàn ông từng là Phó Chủ tịch của Tập đoàn Alsthom, Pháp với tổng những hợp đồng đã ký trong đời có giá trị hơn 60 tỷ USD, được nước Pháp vinh danh với Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh thường nhìn nhận bản thân là kẻ may mắn.
“Hãy nhìn một đàn kiến, trong đó có một con mang tên Phan Văn Trường, chẳng hiểu sao lại được Thượng đế nhấc lên cao”, ông hài hước ví von. Nhưng ông cũng nghiêm túc khi nói rằng nếu ngược lại, nếu Thượng đế dí bẹp “con kiến Phan Văn Trường” thì sẽ thế nào. Do vậy, ông cho rằng được sống và làm việc như hiện tại, đã là một điều may mắn.
Cuộc đời mỗi người, như nhân sinh của ông, chỉ là một con kiến trong dòng kiến của nhân loại. Thế nên nếu bất cứ ai nghĩ mình cao hơn, huênh hoang hơn người khác là một sự nhầm lẫn. “Hãy khiêm tốn một cách thành thật, mình chỉ là con kiến chưa bị ông thần nào lỡ tay đè bẹp mà thôi!”, GS. Phan Văn Trường nói.