GS Thayer: Việt nam xác lập thành công với 17 thỏa thuận chiến lược, hé lộ bất ngờ về năng lực vũ khí
"Việt Nam đã chứng minh năng lực hiện đại hóa các vũ khí mua từ Nga, cũng như sáng tạo đặc biệt trong công nghệ UAV, tên lửa, radar, tác chiến điện tử" - Giáo sư Thayer nhận định.
- 24-12-2024Báo Ba Lan: Quá bất ngờ vũ khí Việt Nam - Bước tiến lịch sử và 1 điều có thể "vượt" quân đội số 7 châu Âu
- 22-12-2024Chip của Mỹ được phát hiện trong vũ khí Nga: Moscow mua được một cách "dễ bất ngờ"
- 21-12-2024Lầu Năm Góc hết tiền trả lương, Kiev vẫn nhận được hàng tỷ USD vũ khí
"2024: Việt Nam đã tiến vào thế giới của ngành công nghiệp vũ khí" - Đó là nhận định của trang Defence 24 (Ba Lan) về sự thành công của triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) diễn ra tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội từ ngày 19-23/12/2024 vừa qua.
Với 242 đơn vị công nghiệp quốc phòng trong nước và quốc tế tham gia triển lãm, Việt Nam vừa cho thấy ưu tiên mở rộng mạng lưới đối tác, vừa thể hiện được năng lực nổi bật của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa.
Để lãm rõ hơn những bước tiến của Việt Nam qua sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Carl Thayer - Giáo sư danh dự trường Đại học New South Wales (Australia).
Xác lập thành công ấn tượng của Việt Nam
Theo ông Thayer, triển lãm quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 mang ý nghĩa quan trọng vì 4 lý do.
Thứ nhất, sự kiện này chứng minh Quân đội nhân dân Việt Nam đang đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu "xây dựng quân đội tinh gọn, vững mạnh vào năm 2025" và "xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030" mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra vào tháng 2/2021.
Đây là triển lãm quốc phòng quốc tế thứ hai do Việt Nam đăng cai tổ chức kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đánh dấu một bước tiến lớn so với triển lãm đầu tiên tổ chức năm 2022. Năm nay, quân đội Việt Nam đã trưng bày 68 hệ thống và nền tảng vũ khí quân sự hiện đại.
Thứ hai, triển lãm năm nay chứng minh sự thành công của Việt Nam trong chính sách đối ngoại đa dạng hóa và đa phương hóa thông qua ngoại giao quân sự.
Ngoài 242 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đến từ 49 quốc gia tham dự triển lãm, Việt Nam còn tiếp đón Bộ trưởng Quốc phòng các nước Belarus, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Lào, Mông Cổ, Thái Lan, cùng các chỉ huy, lãnh đạo của Hải quân Hoàng gia Canada và Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Mỹ).
Thứ ba, triển lãm quốc phòng quốc tế mang tới cho Việt Nam cơ hội tăng cường hợp tác với các nước tiên tiến. Các hội thảo cấp cao đã được tổ chức trong khuôn khổ triển lãm để thảo luận về hợp tác công nghiệp quốc phòng, hệ thống không người lái và vũ khí tiên tiến.
Các doanh nghiệp quân sự Việt Nam đã có dịp gặp gỡ các doanh nghiệp quốc tế và đại diện quốc phòng tại 1.872 cuộc họp và tiếp xúc song phương để thảo luận về quan hệ đối tác trong nghiên cứu phát triển, cung cấp sản phẩm và chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực lao động và hợp tác công nghiệp quốc phòng.
Thứ tư, triển lãm quốc phòng năm nay thực sự rất đáng chú ý vì đã thể hiện được sự quan tâm và ủng hộ của công chúng Việt Nam đối với nền quốc phòng toàn dân. Công chúng được tự do tham dự triển lãm nếu đăng ký trước. Tính đến 12h00 ngày 22/12, triển lãm đã đón hơn 260.000 lượt tham quan của nhân dân và khách chuyên ngành.
Sự quan tâm của công chúng cao tới mức Bộ Quốc phòng Việt Nam đã quyết định kéo dài thời gian mở cửa triển lãm thêm 1 ngày.
Những sáng tạo đặc biệt khiến quốc tế ngạc nhiên
Giáo sư Thayer cho biết, triển lãm quốc phòng quốc tế 2024 đã khiến nhiều khách quốc tế ngạc nhiên khi trưng bày nhiều loại vũ khí, nền tảng quân sự và công nghệ do Bộ Quốc phòng, cùng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, các quân chủng (Phòng không - Không quân, Hải quân, Thiết giáp và Hóa học), các viện (Học viện Kỹ thuật Quân sự và Viện Khoa học Công nghệ Quân sự) và các doanh nghiệp quốc phòng nhà nước nghiên cứu chế tạo.
Theo ông, đáng chú ý nhất trong số đó là hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Trường Sơn, tên lửa chống hạm Sông Hồng. Bên cạnh đó là các loại máy bay không người lái đa năng, radar, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống C5ISR (Chỉ huy và Kiểm soát, Thông tin liên lạc, Máy tính, Phòng thủ mạng, Tình báo, Giám sát và Trinh sát), xe bọc thép, pháo binh, các loại đạn… Riêng Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã giới thiệu hơn 80 sản phẩm.
Kết thúc triển lãm, Việt Nam tuyên bố đã ký 16 hợp đồng với tổng giá trị lên tới 286,3 triệu USD, cũng như 17 thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa công nghiệp quốc phòng Việt Nam và doanh nghiệp của các nước có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Pháp, Bỉ, Ấn Độ.
"Việc Việt Nam trưng bày vũ khí sản xuất, cải tiến trong nước đã chứng minh năng lực hiện đại hóa các loại vũ khí mua từ Liên Xô/Nga, cũng như những sáng tạo đặc biệt trong công nghệ máy bay không người lái, tên lửa, radar, tác chiến điện tử" - Ông Thayer nói.
Nhìn chung, theo vị giáo sư, Triển lãm quốc phòng quốc tế 2024 đã mang tới cho Việt Nam cơ hội đa dạng hóa các nguồn vũ khí và công nghệ quân sự thông qua phương thức phát triển quan hệ đối tác với các nước tiên tiến, tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ để từ đó hỗ trợ mục tiêu xây dựng lực lượng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.
Đời sống & pháp luật