MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Thu hút FDI gặp thách thức lớn khi Fed tăng lãi suất

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh: Trọng Hiếu.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh: Trọng Hiếu.

GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE nhấn mạnh, cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong bối cảnh dịch chuyển dòng vốn đầu tư là có nhưng thách thức cũng rất lớn. Việt Nam không nhanh chóng nắm bắt, tìm ra lợi thế, tăng tính kết nối với doanh nghiệp FDI, khó có thể biến cơ hội thành hiện thực.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 21/9 đã quyết định nâng lãi suất lần thứ 3 liên tiếp ở mức 0,75%, và là lần tăng thứ 5 liên tiếp từ đầu năm.

Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 3% - 3,25%, là mức cao nhất kể từ tháng khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Fed cũng dự báo lãi suất tham chiếu trung bình tại Mỹ được điều chỉnh lên 4,4% năm nay và 4,6% năm tới, trước khi giảm về 2,9% năm 2025.

Phản ứng trước dự báo này của Fed, các thị trường chứng khoán lớn đều giảm điểm khá mạnh. Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, lãi suất đồng USD, giá trị đồng USD tăng, nhiều nền kinh tế trong khu vực có thể sẽ phải cân nhắc tăng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ. Đồng USD tăng giá cũng sẽ tạo ra áp lực cho những nền kinh tế xuất khẩu nhiều sang các quốc gia khác. Qua đó làm suy yếu nhu cầu thương mại toàn cầu. Những doanh nghiệp cần vốn để lớn mạnh, họ cũng sẽ chịu ảnh hưởng, có thể thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn khỏi một số cổ phiếu mới nổi ở châu Á.

Sau khi Fed tăng lãi suất, các tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng của thế giới năm 2023. Nhiều chuyên gia lo ngại dòng vốn đầu tư toàn cầu sẽ chảy về các nước phát triển, cố quốc, rút dần khỏi các thị trường mới nổi. Để làm rõ hơn những tác động của việc Fed tăng lãi suất lên dòng vốn đầu tư toàn cầu, cơ hội và thách thức với Việt Nam, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Xin ông cho biết những đánh giá về tác động của việc Fed tăng lãi suất lên dòng vốn toàn cầu? Đây là cơ hội hay thách thức với Việt Nam?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Tình trạng lạm phát cao dẫn tới suy giảm kinh tế đang diễn ra ở nhiều nước, không chỉ Mỹ, châu Âu mà cả Nhật Bản, Hàn Quốc... Theo đánh giá của các nhà kinh tế, việc Fed tăng lãi suất mới đây chưa phải là lần cuối cùng, có thể từ nay tới cuối năm Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên tới đỉnh điểm gần 4%.

Đây là mức lãi suất cao với đồng USD trong khi trước đây có thời gian dài Mỹ chỉ duy trì lãi suất ở mức 0% rồi 0,25%. Động thái này của Fed không chỉ ảnh hưởng trước tình hình kinh tế thế giới năm nay mà của cả những năm tiếp theo, năm 2023 và có thể tới cả năm 2024. Một số tổ chức quốc tế đều điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023.

Fed tăng lãi suất không chỉ ảnh hưởng tới nước có nền kinh tế phát triển mà là tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Diễn biến tức sau khi Fed tăng lãi suất thêm 0,75%, thị trường chứng khoán lớn đều giảm điểm, VN-Index lay động. Nếu trước đây, chúng ta hy vọng VN-Index có thể sớm quay trở lại mốc 1.500 điểm thì nay đã rơi xuống 1.200 điểm và có dự báo xuống dưới 1.200 điểm. Không ai biết khả năng phục hồi của VN-Index.

Fed tăng lãi suất cũng ảnh hưởng tới giá cả đồng Việt Nam. Do USD tăng giá nên liên tục 2 tuần gần đây, cả giá cả đồng tiền Việt Nam do NHNN định giá, tỷ giá hối đoái chính thức đều tăng. Dự báo lạc quan nhất cũng cho rằng, từ nay tới cuối năm VND có thể mất giá khoảng 3% so với USD. VND giảm giá vừa có lợi, vừa có hại.

Lợi là cho xuất khẩu khi thu về đồng USD đổi được nhiều tiền đồng hơn, giá hàng hoá trong nước rẻ hơn khi so với USD. Bất lợi là nhập nguyên liệu đầu vào phần lớn bằng USD (kể cả từ Trung Quốc) sẽ đắt hơn, nếu không có điều chỉnh nhanh chóng để thực hiện các hợp đồng đã ký kết thì càng xuất càng lỗ.

Ngày 22/9, Thủ tướng Chính phủ đã họp và yêu cầu tăng lãi suất điều hành. Ngay sau đó, NHNN đã công bố tăng một loạt các lãi suất điều hành, các NHTM sau đó cũng tăng lãi suất tiết kiệm.

Điều này chắc chắn ảnh hưởng tới nguồn tín dụng cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Tác động khá tiêu cực, trong khi doanh nghiệp đang có đà tăng trưởng, xuất khẩu 9 tháng khá tốt và Bộ Công Thương dự báo năm nay tăng trưởng xuất nhập khẩu có thể tăng 15-16%, đạt con số 800 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhìn chung so với các nước trong khu vực, tiền đồng vẫn mất giá ít hơn nhiều do điều chỉnh kịp thời của chính sách tiền tệ, tín dụng và tài khoá của Việt Nam. Về cơ bản các đánh giá đều cho rằng, kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, lạm phát cao nhất 4%, trong biên độ kiểm soát được, tốc độ tăng trưởng kinh tế ít nhất 6,5%, thậm chí 7% - gần cao nhất trong khu vực và thế giới. Trước bối cảnh trên cộng với cán cân thanh toán quốc tế là dương sẽ tạo tiền đề tốt cho chúng ta bước sang năm 2023.

Tín hiệu tích cực để thu hút FDI thời điểm này ở Việt Nam là gì, thưa ông?

GS-TSKH. Nguyễn Mại: Có một tín hiệu tích cực, theo khảo sát, 60-70% doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài dự tính mở rộng sản xuất, tăng thêm vốn đầu tư. Các tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là tập đoàn hàng đầu về công nghệ, dịch vụ có xu hướng tăng vốn đầu tư vào Việt Nam như Intel, Samsung hay LG. Một số tập đoàn đầu tư khiêm tốn cũng mở rộng đầu tư nhanh như Microsoft, Apple...

Điều này cho thấy không chỉ có nhà đầu tư đã đầu tư đánh giá tích cực về môi trường đầu tư Việt Nam mà cả các nhà đầu tư tiềm năng cũng đánh giá cao tính ổn định của chúng ta. Việt Nam sắp tới không chỉ thu hút vốn đầu tư vào các ngành truyền thống mà còn thu hút những ngành hot trên thế giới như sản xuất chip công nghệ, mở ra cơ hội mới để chúng ta có thể tham gia vào sản xuất công nghệ hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, theo khẳng định của một số nhà cung ứng dịch vụ cho các tập đoàn FDI lớn, tỷ lệ nội địa hoá trong sản phẩm của Việt Nam ngày càng được cải thiện đáng kể và sẽ tăng trong thời gian tới khi tham gia cung ứng cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Điều đó có nghĩa là chúng ta đang đứng trước cơ hội lớn với đầu tư nước ngoài và quá trình dịch chuyển dòng vốn đầu tư?

GS-TSKH Nguyễn Mại: Cơ hội là có nhưng thách thức cũng rất lớn. Dù muốn hay không thì tiềm năng của chúng ta cũng có hạn, không thể so sánh với các cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... được. Hơn nữa trong quá trình cạnh tranh, các nước cũng tìm mọi các để gia tăng doanh nghiệp sản xuất tại chỗ trong nước, thậm chí Mỹ còn tìm mọi cách thu hút đầu tư nước ngoài như Samsung đã công bố đầu tư 5 tỷ USD để sản xuất công nghệ bán dẫn tại Mỹ.

Vì vậy, phải đánh giá đúng tiềm năng của Việt Nam, chọn lọc sản phẩm chúng ta cần và doanh nghiệp có thể đầu tư. Một số tập đoàn của Việt Nam, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong công nghệ cao có thể tham gia làm công nghiệp hỗ trợ, tiến tới dần tự sản xuất.

Đây có thể coi là vấn đề đại sự quốc gia, cần định hướng cho doanh nghiệp Việt Nam; cần khắc phục được điểm yếu trong chính sách kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, thúc đẩy bằng chính sách yêu cầu các tập đoàn lớn chuyển giao công nghệ khi tham gia chuỗi cung ứng và không chỉ làm ở các ngành truyền thống mà phải ở cả các ngành công nghệ cao.

Để tranh thủ cơ hội khi các nhà đầu tư đánh giá Việt Nam như điểm đến đầy hứa hẹn thì phải đáp ứng được những đòi hỏi mà các nhà đầu tư lớn mong đợi. Điều này cũng đã được cụ thể hoá tại Nghị định 50 của Bộ Chính trị là phải thu hút các tập đoàn lớn di dời đại bản doanh sang Việt Nam, khi đó nguồn vốn đầu tư sẽ lớn hơn nhiều hiện nay. Cần đẩy nhanh tiến độ để thu hút được đầu tư nước ngoài nếu không, đến khoảng đầu 2024 chúng ta sẽ không còn cơ hội.

Một số ví dụ để cho thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm như cách đây vài tháng đã bàn tới Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu và dấy lên thông tin sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt nghiên cứu tác động của Quy tắc này nhưng đến nay vẫn chưa thấy có. Điều này sẽ tác động rất lớn đến môi trường đầu tư thế giới và Việt Nam. Đến năm 2024 khi các nước đã áp dụng, Việt Nam vẫn chưa thay đổi gì có thể sẽ đánh mất số thuế lớn và cũng làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư.

Tiếp đó là các cam kết của Việt Nam tại COP26, các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết (14 hiệp định FTA). Tất cả những điều này đều đòi hỏi chúng ta phải có chính sách mới để thích ứng, liên quan tới Quota Cacbon, trách nhiệm xã hội, sản phẩm xuất khẩu... Biến thách thức thành cơ hội không chỉ làm cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam thoả mãn yêu cầu của các cam kết mà còn tăng thêm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện có trách nhệm với các nguy cơ toàn cầu.

Xin cảm ơn giáo sư!


Theo Đình Vũ

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên