GS-TSKH. Nguyễn Mại: 'Thuế tối thiểu toàn cầu là cơ hội cực lớn cho Việt Nam'
Theo Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng, các doanh nghiệp có doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên sẽ chịu mức thuế suất tối thiểu 15%. Nhiều nước OECD tuyên bố sẽ thực hiện quy tắc thuế mới này từ đầu năm 2024.
- 03-02-2023Thuế tối thiểu toàn cầu: Khẩn trương theo kịp nhịp đập của thế giới
- 15-06-2022Thuế tối thiểu toàn cầu thay đổi chiến lược thu hút đầu tư của Việt Nam
- 11-06-2022Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Cơ hội và thách thức với Việt Nam?
GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), chia sẻ cùng Nhadautu.vn lý do vì sao Việt Nam cần sớm thực hiện quy tắc thuế mới này và những cơ hội mới đến với Việt Nam trong bối cảnh mới.
GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE).
Tháng 8 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ ra q uyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu. Hiện chưa biết khi nào Việt Nam áp dụng quy tắc thuế mới này, trong khi nhiều nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tuyên bố sẽ thực hiện từ đầu năm 2024, t heo GS, Việt Nam đang triển khai thực hiện đạo luật này như thế nào ?
GS-TSKH. Nguyễn Mại : Theo OECD, có nước đang áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 27-28%, Việt Nam mức 20%, có nước thấp hơn.
Chúng ta không hạn chế đối với doanh nghiệp FDI, chúng ta khuyến khích họ phát triển, nhưng khối doanh nghiệp trong nước phải phát triển với tốc độ cao hơn để đạt được mục tiêu mà chúng ta mong muốn là FDI góp phần chứ không phải là chủ lực cho phát triển kinh tế đất nước tự chủ, tự cường, hội nhập quốc tế.
GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE
Việt Nam đang có chính sách tạo môi trường đầu tư thuận lợi, được các nhà đầu tư đánh giá rất cao. Cần lựa chọn các phương thức vừa bảo đảm lợi ích của Việt Nam - nước nhận đầu tư, vừa đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của nước đi đầu tư theo phương châm của Chính phủ là cùng chia sẻ lợi ích, cùng chia sẻ rủi ro.
Mới đây, trao đổi với tôi, tổng giám đốc một tập đoàn toàn cầu nói ông sốt ruột vì phản ứng của Việt Nam hơi chậm. Tôi đã giải thích rằng ở Việt Nam, quy tắc thuế này mới và có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Ví dụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn cố gắng khuyến khích đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, trong khi Bộ Tài chính đồng tình nhưng họ phải đảm bảo cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) không làm thiệt hại ngân sách. Các chuyên gia cũng vậy, người đứng về phía này, người đứng phía kia.
Thực tế, năm 2022, khi tình hình dịch bệnh ổn định, Chính phủ đã bắt đầu cho nghiên cứu về quy tắc thuế mới này. Tháng 6, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã tổ chức hội thảo đầu tiên và trình Thủ tướng đề xuất các giải pháp thực hiện thuế TTTC tại Việt Nam. Ngay sau đó, Thủ tướng đã thành lập tổ công tác để tư vấn cho Chính phủ. Tổ công tác gồm các chuyên gia đầu tư, chuyên gia kinh tế, chuyên gia tài chính, chuyên gia thuế, và có sự tham gia của các công ty kiểm toán "Big 4".
Chúng ta đang làm một cách thận trọng. Hơn thế, việc này liên quan đến các nhà đầu tư lớn. Chính phủ muốn tham vấn ý kiến của họ, cũng như ý kiến của những nước/lãnh thổ đầu tư nhiều vào Việt Nam như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan.
Nếu Chính phủ có thể trình Quốc hội sửa các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế vào tháng 10 này thì 2024 có thể thực hiện được. Nếu không kịp, Quốc hội có thể ra nghị quyết cho Chính phủ ban hành các quy định dưới luật để thực hiện.
Nếu một tập đoàn của Hàn Quốc đang nộp thuế TNDN 7% tại Việt Nam, khi thuế TTTC được áp dụng ở Hàn Quốc năm 2024 mà chưa áp dụng ở Việt Nam, tập đoàn đó sẽ phải nộp ít nhất 8% thuế chênh lệch cho Hàn Quốc , nước đặt trụ sở chính . Rõ ràng tập đoàn này sẽ muốn hai nước thực hiện cùng một lúc để Việt Nam sớm có các ưu đãi khác bù đắp cho họ , xin ý kiến bình luận của GS về việc này ?
GS-TSKH. Nguyễn Mại : Trong trường hợp Việt Nam thực hiện chậm, có hai cái hại. Một là Việt Nam không thu được phần chênh lệch 8%. Tôi tính có khoảng hơn 100 doanh nghiệp phải nộp thuế TTTC tại Việt Nam. Như vậy, ngân sách chúng ta sẽ mất vài tỷ USD/1 năm, trong khi tổng thu ngân sách hàng năm chỉ khoảng 100 tỷ USD.
Vì sao doanh nghiệp đó muốn Việt Nam thực hiện thuế TTTC càng sớm càng tốt. Vì bất kỳ nước nào thực hiện thuế TTTC trong điều kiện đang áp dụng ưu đãi cho các tập đoàn xuyên quốc gia sẽ phải đàm phán với các tập đoàn này để thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích, và như vậy doanh nghiệp đó có lợi khi Việt Nam và Hàn Quốc thực hiện cùng một thời điểm.
Doanh nghiệp có lo lắng, Việt Nam cũng có lo lắng. Ngoài chuyện thu ngân sách, nếu Việt Nam thực hiện chậm, cái hại thứ hai là môi trường đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu đầu tư vào Việt Nam bất lợi vì chưa có thuế TTTC, các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng đầu tư sang Indonesia hay Ấn Độ, nơi đã có cơ chế chia sẻ lợi ích liên quan đến quy tắc thuế mới này.
OECD có khuyến nghị một số cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi thuế TTTC được áp dụng. GS thấy có cơ chế nào phù hợp để thực hiện ở Việt Nam ?
GS-TSKH. Nguyễn Mại : Chúng ta cần kinh nghiệm từ rất nhiều nước. Ví dụ, Indonesia có cơ chế khuyến khích dự án xanh, đầu tư theo mô hình tuần hoàn. Chính phủ bán quota carbon cho những nước phát thải khí nhà kính quá tiêu chuẩn, và cho những doanh nghiệp như ví dụ trên hưởng.
Trong môi trường toàn cầu hiện nay có rất nhiều sáng kiến có thể áp dụng. Nếu các bên cùng tham khảo kinh nghiệm quốc tế, không chỉ từ châu Âu mà cả các nước trong khu vực như Indonedia, Malaysia hay Thái Lan, chắc chắn cơ chế của chúng ta sẽ được nhiều nhà đầu tư hưởng ứng nhất.
Nhà máy Intel ở Khu công nghệ cao Sài Gòn, TP.HCM. Ảnh: AP.
Ngoài khuyến khích liên quan đến phát thải , ông có gợi ý nào khác về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp ?
GS-TSKH. Nguyễn Mại : Tôi cho rằng chính sách của nhiều nước, trong đó có nước ta, đã quá coi trọng ưu đãi thuế. Thuế là ưu đãi cần thiết, nhưng không phải lúc nào cũng quan trọng nhất.
Chúng ta đã trao cho một doanh nghiệp ưu đãi tài chính trị giá 80 triệu USD, tương đương 8% tổng vốn đầu tư của họ vào Việt Nam (1 tỷ USD). Nhưng chúng ta đã thỏa thuận một cơ chế không bằng tiền mặt, mà bằng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.
Ngày đó, tôi ở trong tổ công tác đặc biệt tư vấn cho Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó Thủ Tướng Phạm Gia Khiêm. Chúng tôi đã bàn với doanh nghiệp đó rằng trong điều kiện Việt Nam, rõ ràng nếu anh đi làm hợp đồng đào tạo với nhiều trường đại học, sẽ không chỉ gặp khó khăn do mất thời gian mà còn không thích hợp trong điều kiện ở Việt Nam.
Chúng tôi thỏa thuận sẽ cung cấp đủ 3.200 kỹ sư, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp đó. Doanh nghiệp đó sẽ nhận được 3.200 kỹ sư và sau đó bồi dưỡng họ một vài tháng là được. Các trường đại học được chỉ đạo đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp đó về cơ cấu ngành nghề, về chất lượng, về trình độ công nghệ. Có trường phụ trách phần cứng, có trường phụ trách phần mềm.
Tôi nghe thông tin năm nay TP.HCM có thể sẽ thu hút được thêm 4 tỷ USD từ doanh nghiệp đó. Về nguồn nhân lực, doanh nghiệp đó không lo nữa vì họ đã có các hợp tác đào tạo, nghiên cứu. Có thông tin họ chọn Việt Nam làm một nhà máy chip đầu nguồn mà trên thế giới hiện chỉ có ở hai nơi là Scotland và Israel - hai nơi rất thích hợp với Mỹ do trình độ công nghệ và nguồn nhân lực rất cao.
Các hiệp hội doanh nghiệp như A m C ham , EuroCham, KorCham hay các tập đoàn lớn như Intel , L G , Samsung... nên làm gì để Quy tắc thuế TTTC được thực thi nhanh hơn ở Việt Nam, tối đa hóa lợi ích cho họ cũng như lợi ích cho Việt Nam ?
GS-TSKH. Nguyễn Mại : Tất cả đang đánh giá rất cao nỗ lực hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ Việt Nam. Các cấp từ Thủ tướng đến các bộ trưởng, các chủ tịch tỉnh, thành phố luôn sẵn sàng tiếp các nhà đầu tư. Vì vây, tôi nghĩ họ không lo lắng gì về việc tham gia với Chính phủ Việt Nam giải quyết vấn đề thuế TTTC.
Trong 100 nhà đầu tư Nhật Bản, có tới 65 nói sẵn sàng mở rộng sản xuất ở Việt Nam. Khảo sát của AmCham cho thấy các nhà đầu tư nếu có dịch chuyển sản xuất thì chỉ dịch chuyển trong lãnh thổ Việt Nam, rất ít nhà đầu tư chuyển từ Việt Nam sang nước khác. Họ cho rằng, ngoài Ấn Độ, Indonesia thì Việt Nam là nơi tốt để tiếp nhận đầu tư chuyển từ Trung Quốc, và trên thực tế chúng ta đã nhận thêm các nhà đầu tư dạng này.
Trong buổi trao đổi về thuế TTTC mới đây với tổng giám đốc một tập đoàn, GS khuyên doanh nghiệp này nên có văn bản trình lên Chính phủ Việt Nam, nêu nguyện vọng , khuyến nghị cụ thể . Đây có phải lời khuyên cho các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp khác không ?
GS-TSKH. Nguyễn Mại : Tôi biết có tập đoàn lớn đã lập một tổ công tác, nhưng theo tôi biết thì không phải nơi nào cũng làm như vậy. Cái mới bao giờ cũng thế, ông thì lo, ông thì buồn, ông thì lại rất vui, cho nên không nên nghĩ tất cả sẽ như nhau.
Tôi chỉ khuyên nếu doanh nghiệp cần gì thì tốt nhất nên đóng góp cho quá trình xây dựng luật. Vì một khi Quốc hội thông qua rồi, sửa luật rất khó. Nên tham gia để Chính phủ lắng nghe ý kiến đa chiều. Nếu những điểm đưa vào luật lại trúng cái doanh nghiệp muốn thì rõ ràng khi thực thi, doanh nghiệp sẽ sướng vô cùng.
T huế TTTC là thách thức rất lớn , n hưng trong bối cảnh đó, có cơ hội gì mới cho Việt Nam ?
GS-TSKH. Nguyễn Mại : Thách thức mới vì là mới, nhưng tôi cho rằng đây cũng là một cơ hội cực kỳ lớn. Một trong những điểm yếu của chúng ta là chưa xử lý được vấn đề chuyển giá trốn thuế. OECD nói khoảng 220 tỷ USD tiền thuế sẽ trở về những nước nhận đầu tư. Có lúc Việt Nam đứng thứ 18 trên thế giới về nhận đầu tư, tôi tin năm nay thứ bậc sẽ cao hơn vì chúng ta đang có các dự án lớn từ Mỹ, châu Âu về năng lượng tái tạo, công nghệ số, LNG...
Nếu có cơ chế thuế TTTC, chúng ta yên tâm là không mất đi những cái mà chúng ta trước đây không nhận được. Hơn nữa, nếu có một cơ chế thuế TTTC tốt nhất trên cơ sở học hỏi từ các nước, cộng với những lợi thế mà hiện nay các nhà đầu tư cho rằng chỉ Việt Nam mới có như ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát tốt, thị trường 100 triệu dân với 25-30 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, thì rõ ràng đó lại là một cơ hội lớn. Chúng ta có một thị trường thế giới rất tốt nhờ 15 hiệp định thương mại tự do đã ký và những hiệp định đang chuẩn bị thương lượng và ký. Tất cả các yếu tố thuộc về lợi thế của Việt Nam sẽ được nhân lên.
Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị cũng đã quyết định không chỉ thu hút vốn đầu tư mà còn nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn đầu tư bằng cách thu hút nhiều công ty đa quốc gia trong Top 500 để thực hiện các dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại, nghiên cứu và phát triển đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe con người, thiết lập các "đại bản doanh" ở Việt Nam...
GS dự báo thế nào về xu hướng đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam thực hiện Quy tắc thuế TTTC , có thể vào năm 2024 hoặc 2025?
GS-TSKH. Nguyễn Mại : Tôi rất lạc quan vì chúng ta đang có nhiều dự án năng lượng tái tạo, dự án tăng trưởng xanh, các dự án công nghệ tương lai như AI, Big data đang trong quá trình đàm phán, và TP.HCM có thể có dự án tới 4 tỷ USD từ Intel chẳng hạn. Tôi tin sẽ có một làn sóng FDI mới vào Việt Nam.
Cái tôi lo nhất không phải là chúng ta không có các nhà đầu tư lớn, mà là hiện người ta quan tâm nhiều hơn đến vấn đề thủ tục hành chính, tham nhũng vặt, công chức sách nhiễu, và bất kỳ một khâu nào cũng phải có tiền lót tay. Các nhà đầu tư nói chung không đồng tình. Chính Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng đã biết những chuyện như vậy và cũng đã nói thẳng là không thể cải cách mà "trên nóng dưới lạnh".
Lo lắng thứ hai là thực thi pháp luật không nghiêm. Năm vừa qua, Bộ Tư pháp đã kiểm tra, buộc cơ quan chính quyền các tỉnh, thành phố loại bỏ hàng trăm quy định, hay những thứ như ưu đãi đầu tư quá mức, tiền thuê đất quá thấp, hay bắt buộc các nhà đầu tư thực hiện cái mà trong luật không bắt buộc. Những cái đó đáng lo nhất.
Vấn đề nữa là chúng ta có rất nhiều nhà đầu tư lớn, nhưng chúng ta không biết lựa chọn các nhà đầu tư cho các dự án mà chúng ta cần. Họ có thể đến với chúng ta, nhưng không phải cái gì họ muốn chúng ta cũng cần, không phải cái gì chúng ta cần họ cũng muốn.
Các công ty đa quốc gia bao giờ cũng có chiến lược đầu tư toàn cầu, và bình thường 5-7 năm họ mới thay đổi một lần. Tuy nhiên, trong thời kỳ khủng hoảng như hiện nay, họ có thể sẽ điều chỉnh luôn. Nhưng các cơ quan xúc tiến đầu tư của chúng ta không tiếp cận được những thay đổi chiến lược ấy để hiểu họ cần Việt Nam hay không.
Chúng ta tiếp cận tràn lan bằng cách tổ chức các cuộc hội thảo mất thì giờ, tốn tiền ngân sách và không đem lại lợi ích gì. Nếu chúng ta không cải cách cơ bản từ xúc tiến đầu tư đến thủ tục hành chính, giúp đỡ các nhà đầu tư khi họ thực hiện dự án, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội lớn.
Hiện chúng ta có nền kinh tế tư nhân phát triển rất nhanh, có nhiều tập đoàn lớn, nhiều công ty vừa và nhỏ cũng đã có năng lực. Chúng ta cần quan tâm đến FDI ở khía cạnh thúc đẩy họ vừa để giúp đất nước phát triển, vừa để giúp doanh nghiệp trong nước phát triển.
Chúng ta không hạn chế đối với doanh nghiệp FDI, chúng ta khuyến khích họ phát triển, nhưng khối doanh nghiệp trong nước phải phát triển với tốc độ cao hơn để đạt được mục tiêu mà chúng ta mong muốn là FDI góp phần chứ không phải là chủ lực cho phát triển kinh tế đất nước tự chủ, tự cường, hội nhập quốc tế.
Xin cảm ơn giáo sư!
Tiếp nối thành công Hội thảo Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 14/6/2022, ngày 24/2/2023, Tạp chí Nhà đầu tư sẽ tiếp tục tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Giải pháp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư trong bối cảnh thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu". Hội thảo sẽ cập nhật tiến độ thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu ở các nước, tập trung đánh giá tác động của quy tắc Trụ cột II và giải pháp ứng phó của các nước tiếp nhận đầu tư, trên cơ sở đó đề xuất chính sách và giải pháp đối với Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của các cơ quan hữu quan, các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, các chuyên gia kinh tế.
Nhà đầu tư