GS Vũ Ngọc Tâm: Giấc mơ của tôi là xây dựng PayPal Mafia của người Việt
Chuyển phần lớn hoạt động của startup do mình sáng lập từ Mỹ về Việt Nam với khát vọng tạo ra những sản phẩm công nghệ có thể thay đổi thế giới, GS Vũ Ngọc Tâm (Đại học Oxford) cho rằng: “Người Việt chắc chắn có thể làm được”.
- 15-02-2021Streamer “sự nghiệp” ViruSs: Chơi game thích làm đội trưởng thì kinh doanh cũng phải làm chủ
- 12-02-2021Chuyện ít biết về vợ chồng doanh nhân đưa nhà máy in 3D sợi carbon lớn nhất thế giới về Việt Nam
Đầu năm 2021, một công ty tại TPHCM thông báo mời 200 người tham gia một dự án khá kỳ lạ. Tình nguyện viên chỉ cần gắn một thiết bị theo dõi giấc ngủ buổi trưa (1 tiếng) hoặc tối (từ 22h đến 6h) là được trả thù lao theo ngày… Đây là bước thử nghiệm một sản phẩm đột phá của startup công nghệ có tên Earable (trụ sở chính tại Mỹ) do một giáo sư người Việt sáng lập - GS.TS Vũ Ngọc Tâm – Đại học Oxford.
GS Vũ Ngọc Tâm là một trong những cái tên khá quen thuộc trong cộng đồng nghiên cứu khoa học tại Mỹ với 25 bằng sáng chế cùng hàng loạt các giải thưởng "khủng" đến từ chính phủ Mỹ, Google, và Sloan Research Fellowship 2020.
Hiện tại, Vũ Ngọc Tâm đang khởi nghiệp tại Việt Nam với dự án Earable - Tai nghe không dây thông minh giúp chăm sóc, chẩn đoán và hỗ trợ điều trị các vấn đề về não bộ (rối loạn giấc ngủ, stress, và sự tập trung)
Cuối năm 2020, Earable nhận được đầu tư vòng hạt giống (Pre-seed) đến từ Founders Fund. Đây là quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng ở Silicon Valley (Mỹ) do tỷ phú Peter Thiel sáng lập, từng đầu tư thành công vào 39 unicorn như Facebook, SpaceX, Airbnb, Spotify… Quỹ này thường không đầu tư vào các startup từ Pre-seed (khi công ty chưa có dữ liệu vững chắc, việc đầu tư chủ yếu căn cứ vào ý tưởng và khả năng của nhà sáng lập) và Earable của Vũ Ngọc Tâm là một ngoại lệ.
Trước khi nhận đầu tư từ Founders Fund, dù sản phẩm còn trong giai đoạn hoàn thiện để dự kiến ra mắt đầu tháng 05/2021, Earable đã nhận được đầu tư từ hàng loạt các nhà đầu tư mạo hiểm có tên tuổi như 500Startup, Smilegate Investment, VP of Logitech. Chuyển phần lớn hoạt động của Earable từ Mỹ về Việt Nam, Vũ Ngọc Tâm còn nhận được khoản tài trợ lớn từ Vingroup (cho không 10 tỷ đồng).
Vì sao anh lại muốn về Việt Nam khởi nghiệp trong khi sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Mỹ đang phát triển tốt?
Nhều người hỏi tôi câu này rồi (cười). Thực ra, khởi nguồn của tất cả những phát minh, công trình khoa học mà chúng tôi công bố trong suốt 10 năm qua chính là để giải quyết những vấn đề thực tế nhức nhối mà con người chưa có lời giải, như: rối loạn giấc ngủ, sa sút trí tuệ khi về già, thiếu tập trung khi làm việc, hỗ trợ chức năng cho người khuyết tật….
Vì vậy, với tôi việc khởi nghiệp không phải là một ngã rẽ hay sự thay đổi hoàn toàn trong sự nghiệp như nhiều người vẫn nghĩ. Khởi nghiệp chỉ là một trong những cách hiệu quả và thiết thực, một bước đi quan trọng cần thiết để tôi cùng các đồng sự hiện thực hoá mong ước mang những kết quả nghiên cứu khoa học này vào đời sống.
Một nhà khoa học đi làm startup như anh thì gặp những khó khăn gì?
Tôi vốn chỉ quen với phòng lab và các công việc nghiên cứu, học thuật, giờ chuyển sang làm startup thì cần rất nhiều những kỹ năng mới: từ việc build team thế nào, xây dựng văn hoá doanh nghiệp ra sao, cho đến việc nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm, đàm phán đối tác...
Tuy nhiên, tôi cũng có những thuận lợi nhất định. Đó là uy tín trong cộng đồng công nghệ ở cả Việt Nam và Mỹ, nên việc tạo dựng quan hệ và thuyết phục nhà đầu tư cũng như thu hút nhân tài cũng có phần thuận lợi hơn.
Thêm vào đó, tôi startup với chính các kết quả nghiên cứu khoa học (25 bằng phát minh) mà mình đã dày công thực hiện trong 10 năm qua, nên có công nghệ lõi của những sản phẩm sẽ sản xuất. Điều này cũng giúp chúng tôi tự chủ hơn trong việc phát triển công nghệ mới để tích hợp vào sản phẩm.
Trụ sở chính của công ty ở Mỹ nhưng anh lại về Việt Nam làm việc và thử nghiệm sản phẩm cũng ở đây. Vì sao vậy?
Trước đây, tôi chỉ mở chi nhánh ở Việt Nam nhưng giờ hoạt động chủ yếu được chuyển về đây rồi. Lúc đầu, khi có ý định chuyển về Việt Nam, tôi chỉ định làm phần mềm thôi. Nhưng khi may mắn được Vingroup tài trợ 10 tỷ đồng, tôi dần nhận ra là mình có khả năng làm cả phần cứng, dù rất khó. Việt Nam đang được lợi từ xu hướng các nhà máy chuyển về đây do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Nhờ đó, cả hệ sinh thái phần cứng đang đi lên.
Làm ra phần mềm dễ hơn phần cứng cực kỳ nhiều. Làm phần cứng không chỉ quy trình làm khó, mà còn mất rất nhiều thời gian, công sức để đưa sản phẩm đến được tay người dùng. Điển hình như việc bạn tải một cái app về rất nhanh, nhưng để thuyết phục người khác mua một phần cứng, cài đặt, sạc nó hàng ngày là một câu chuyện khác, và rất nhiều công ty đã thất bại.
Nhưng không vì thế mà tôi nản bởi tôi nghĩ rằng chúng tôi làm được.
Việt Nam thường được biết đến với thế mạnh về gia công công nghệ cho các thương hiệu lớn toàn cầu nhờ lợi thế nhân công giá rẻ. Chiến lược của anh là gì khi đặt cược vào việc xây dựng đội ngũ để triển khai các công nghệ lõi cả phần cứng và phần mềm tại Việt Nam?
Tôi cho rằng nhân lực về công nghệ hiện nay của Việt Nam có kỹ năng tốt và nỗ lực cao so với mặt bằng chung trên thế giới. Tuy nhiên, cái mà các kỹ sư trong nước thiếu thường là hoài bão lớn mang khát vọng đưa trí tuệ người Việt ra toàn cầu, hoặc thiếu các công nghệ lõi đột phá để hiện thực hoá điều đó
Vì thế, tôi mong muốn mang những thế mạnh về công nghệ đã có ở nước ngoài về Việt Nam để làm hạt giống; rồi từ đó xây nên những con người làm công nghệ với tư duy kiến tạo, dám nghĩ dám làm để cùng nhau tạo ra các sản phẩm đột phá ở tầm thế giới. Và chính những đội ngũ hạt nhân này sẽ quay lại, gieo những hạt giống mới như cách mà Paypal Mafia đang thực hiện ở Silicon Valley, đó là ước mơ lớn nhất của tôi: xây dựng một Earable Mafia bằng trí tuệ Việt Nam.
Sản phẩm của Earable có điểm gì đặc biệt khiến anh tin rằng sẽ chinh phục được thị trường thế giới?
Tôi tin sản phẩm của Earable sẽ làm được, vì một là thế giới cần nó (cười) và hai là chúng tôi có thể làm được sản phẩm đáp ứng được các nhu cầu bức thiết đó: ngủ ngon hơn để có sức khoẻ tốt hơn, tăng hiệu suất làm việc để làm việc hiệu quả hơn. Cả hai điều này cuối cùng đều giúp con người có thể làm tốt hơn những việc mà đã chiếm đến ⅔ cuộc đời mỗi người để đảm bảo một cuộc sống khoẻ mạnh, đầy đủ cho bản thân và cho gia đình.
Cụ thể thì, sản phẩm tai nghe thông minh của Earable là tai nghe không dây đầu tiên trên thế giới có khả năng vừa nghe nhạc vừa giúp chăm sóc não bộ, gồm: chế độ chăm sóc giấc ngủ vào ban đêm và chế độ tăng cường hiệu suất não bộ vào ban ngày. Với ban ngày, tai nghe này sẽ giúp người dùng nhanh chóng đạt được sự tập trung cao độ vào công việc, giảm stress và giảm sự phân tán tư tưởng khi làm việc xuống mức thấp nhất.
Hiện tại, Earable đang thử nghiệm sản phẩm này với chế độ ngủ trưa và ngủ tối với các tình nguyện viên. Vậy bao giờ sản phẩm sẽ ra mắt?
Sản phẩm đang đi vào giai đoạn hoàn thiện và dự kiến ra mắt tháng 5/2021.
Đại dịch Covid-19 đã khiến anh và hoạt động của công ty thay đổi ra sao?
Tôi nhận thấy công ty và bản thân mình nằm trong số ít người may mắn trong giai đoạn Covid-19.
Đầu tiên là lợi thế về cạnh tranh. Khi đại dịch Covid-19 không được kiểm soát tốt ở các nước, việc làm những sản phẩm về sức khỏe của công ty khác là rất khó khăn do không được phép kiểm định trên con người. Việt Nam là nước kiểm soát dịch rất tốt nên việc thử nghiệm trên con người của Earable (sản phẩm cải thiện chất lượng giấc ngủ) không gặp vấn đề như họ.
Lợi thế thứ hai là về tiền. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ Mỹ đưa ra các gói kích thích kinh tế và Earable cũng nhận được hỗ trợ cả trăm nghìn USD. Nguồn tiền này rất quan trọng khi mà phần cứng của sản phẩm chưa đủ tốt và phải thử nghiệm thêm, cần có thêm tiền mà chưa huy động kịp.
May mắn thứ 3 là việc gọi vốn. Trước đây thì rất dễ bởi Earable có tới 11 bằng sáng chế công nghệ lõi. Thế nhưng khi đại dịch xảy ra, các nhà đầu tư đều dè dặt vì lo sợ sự bất định.
Lúc ấy, chúng tôi quyết định đi tìm những nhà đầu tư "khó hơn", những người có rất nhiều tiền. Hóa ra, họ không hề "ngại" Covid-19, nhưng muốn tìm những công nghệ mạnh và có tiềm năng. Sau khi thảo luận với những nhà quỹ lớn từ tháng 3/2020. Cuối cùng, chúng tôi nhận được sự đồng ý Founders Fund vào tháng 11, với những điều kiện đầu tư rất rất ngặt nghèo.
Nói may ở đây bởi nếu không có Covid-19 thì tôi sẽ không dành nhiều thời gian như vậy để tìm một quỹ đầu tư lớn, nhưng đúng là "đánh bắt xa bờ" thì mới có "cá to".
Anh có thể bật mí bí quyết khiến Founders Fund phá lệ để đầu tư vòng Pre-seed vào Earable?
Tôi cho rằng, hãy trả lời câu làm thế nào để xây dựng team trước. Bởi sau khi có team thì sẽ có tiền.
GS Vũ Ngọc Tâm (bên trái), Sangtae Ha (người ở giữa), và Robin Deterding (bên phải)
Có 7 yếu tố chính để thu hút các quỹ lớn. Yếu tố quan trọng nhất là team, thứ hai là team, thứ ba là team, thứ tư là team, thứ năm cũng là team, đến thứ 6 là mô hình kinh doanh và thị trường tại thời điểm đó, và thứ 7 mới là công nghệ.
Mình phải có cái gì đó để cạnh tranh được, và người ta sẽ hỏi: Ai làm việc này, làm gì và làm như thế nào? Một khi team đã mạnh thì sẽ tìm được cách, dù công nghệ có giống nhau, hoặc có kém hơn một chút cũng được. Nhà đầu tư luôn tin rằng mình có thể thay đổi được, miễn là đủ giỏi.
Để xây dựng được team thì phải đưa được tầm nhìn và sứ mạng đúng. Khi đưa ra tầm nhìn và sứ mạng của công ty, phải rõ ràng và có ảnh hưởng, để những người giỏi, tốt nhất là giỏi hơn mình về góc độ nào đó sẽ cùng tham gia.
Tại Earable, đó là Sangtae Ha - người đã xây dựng nhiều startup thành công rồi, cũng là một giáo sư ở ĐH Colorado Boulder. Một startup đang hoạt động của anh ấy đang có 60 triệu người dùng, anh ấy mạnh về kinh doanh. Một co-founder khác là Robin Deterding là bác sĩ chuyên về thở nổi tiếng ở thế giới, chị có rất nhiều ý tưởng về các vấn đề sức khoẻ cần giải quyết bằng công nghệ mới…
Vấn đề là những người tham gia startup cần nhìn thấy các điểm mà mình hay những người khác sẽ đem lại cho họ. Ở đây, điểm mạnh của tôi là công nghệ.
Tuy nhiên, ở startup, mỗi giai đoạn phát triển sẽ cần những người đi cùng khác nhau, và điều đấy hoàn toàn bình thường. Điều quan trọng là mình công nhận những cống hiến của người ta và báo đáp phù hợp.
Anh cho rằng tầm nhìn là quan trọng khi xây dựng team, vậy tầm nhìn của Earable có gì đặc biệt?
Khi thành lập công ty, tầm nhìn của tôi là cải thiện trí lực của con người và tận dụng những tiềm năng não bộ. Trong nghiên cứu của mình, tôi muốn theo dõi được những tín hiệu của não bộ, và từ đó làm ra sản phẩm không chỉ giúp con người ngủ sâu hơn, lái xe an toàn hơn mà còn làm cho người ta nhớ nhanh hơn, học nhanh hơn, nhìn xa hơn, nghe tốt hơn, đồng thời trị được bệnh. Đó cũng là nghiên cứu giúp tôi được Chính phủ Mỹ tài trợ rất nhiều từ trước đến nay.
Để làm được như vậy, điều đầu tiên mình cần đưa tín hiệu gì đó vào trong não. Dạng đơn giản và an toàn nhất là sóng âm, tức là mình gửi sóng trắng, sóng hồng, chèn các câu nói chuyện như "hãy tập trung vào hơi thở"… Đó là một dạng tác động.
Dạng cao hơn và khó hơn là truyền dòng điện hoặc truyền sóng điện từ vào. Đây là nghiên cứu mà tôi đang làm trong lab, với hy vọng sẽ giúp người ta học nhanh hơn, tương tự như Neuralink vậy. Đối với Neuralink, họ cấy một con chip vào đầu, sau đó đọc sóng não ra hoặc bắn sóng não vào, tạo đường dẫn truyền thần kinh khi mình muốn nhớ điều gì đó.
Điều mà tôi đang làm là gửi sóng não vào từ tai. Cái khó ở đây là khi gửi sóng não vào thì phải đi qua vỏ não, nhưng nếu tôi làm ở trong tai thì sóng chạy qua vỏ não, bởi thế độ mạnh của sóng không cần nhiều như khi bắn từ ngoài vỏ não. Đấy là tầm nhìn của tôi đối với công ty.
Tuy nhiên, khi nói chuyện với một số thành viên trong công ty thì tôi cho rằng các bạn ấy vẫn chưa hiểu, hoặc là tầm nhìn đó đang xa quá nên các bạn ấy nghĩ là khó. Có lẽ, tôi chưa thành công ở việc định nghĩa rõ được sản phẩm mình, chưa chỉ rõ cho mọi người rằng nếu họ cố gắng thì sẽ đi được đến đâu.
Thực tế, tôi là người của giáo dục, "nửa mùa đi vào kinh doanh" và tôi luôn cởi mở với chuyện đấy. Sau một năm rưỡi làm Earable, cũng có những thăng trầm, nhưng tôi đã học được rất nhiều. Và quan trọng là tôi vẫn tiếp tục theo đuổi niềm tin và tầm nhìn của mình.
Ngoài Founders Fund, còn có những người có sức ảnh hưởng nào bày tỏ niềm tin mạnh mẽ vào tầm nhìn của Earable dù công ty vẫn chưa thực sự chứng minh được bằng các con số?
Thực ra, ngoài Founders Fund thì chúng tôi cũng từ chối nhiều quỹ khác nhưng không tiện công bố. Một trường hợp đặc biệt khác là cựu CTO (Chief Technology Officer) của Samsung - thời điểm đó là Phó Chủ tịch của Google (Injong Rhee) đề nghị muốn gia nhập Earable, đầu tư 5 triệu USD và làm CEO. Injong Rhee là một người rất giỏi. Ông ấy có một bằng sáng chế mà hiện nay được dùng trong hàng tỷ chiếc điện thoại.
Ông ấy có 2 điều kiện mà một trong số đó là đưa công ty về Thung lũng Silicon. Mặc dù điều này đi ngược với một trong những mong muốn của tôi là xây dựng Earable ở Việt Nam, nhưng vì công ty nên tôi không thể lấy lý do cá nhân như thế được.
Vì vậy, tôi gửi đề nghị đó tới ban giám đốc để hỏi ý kiến, và nói rằng đây là một cơ hội tốt. Tuy nhiên, ban giám đốc trong công ty bày tỏ lo ngại về việc văn hoá của tập đoàn sẽ khác với startup… và việc này không thành.
Tôi kể chuyện này để thấy rằng công ty có rất nhiều tiềm năng, và rất tự tin là nếu mọi người làm việc điên cuồng với tầm nhìn này thì sẽ thành công thôi.
Những người làm startup thường mơ sẽ trở thành kỳ lân hoặc về kế hoạch IPO để trở nên giàu có, còn anh thì sao?
Câu trả lời ngắn là có, tôi rất quan tâm.
Tuy nhiên, IPO không phải là mục đích, unicorn cũng vậy, mục đích của tôi là giải quyết các vấn đề về sức khỏe cũng như tăng cường trí lực của nhiều tỷ người trên trái đất.
Nếu công ty làm được như vậy thì sẽ trở thành rất nhiều tỷ đô rồi, và đấy là điều đương nhiên. Còn IPO hay hay không thì tôi nghĩ không quan trọng lắm. Một công ty có thể hoạt động bằng vốn chủ sở hữu tư nhân (private equity) thì tốt hơn, mình sẽ có nhiều quyền kiểm soát hơn.
Làm startup công nghệ thì cơ hội thành công thường thấp, phải chăng chỉ nên làm khi còn trẻ mà thôi?
Tôi không bao giờ nghĩ vì mình còn trẻ nên làm startup đâu. Bạn chỉ nên làm startup khi nào có đủ kinh nghiệm, đủ giá trị và tìm ra một vấn đề mà nếu mình không xử lý, không làm thì không ai làm cả.
Thực tế, làm startup không phải như nhiều người nghĩ, kiểu để cho nó ngầu hay gì đó. Trước khi làm Earable, cuộc sống của tôi rất vui vẻ và thoải mái, giờ thì mệt và vất vả hơn nhiều rồi (cười). Nhưng vì muốn để lại một cái gì đấy thì tôi sẽ cố, và tôi nghĩ là nó đáng để cố.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Thế hệ 4.0
Xem tất cả >>- Maggie Vo: Hành trình khó tin của nữ ca sĩ tuổi teen Việt Nam trở thành lãnh đạo quỹ đầu tư hàng trăm triệu USD ở Mỹ
- Founder OhmniLabs - Thức Vũ: Tôi muốn làm bùng nổ việc sử dụng robot vận hành bằng trí tuệ nhân tạo trên toàn thế giới
- Founder Hùng Đinh: Từ khởi nghiệp “ngược đời”, vụ mất tiền triệu đô chưa từng kể, đến giấc mơ làn sóng tỷ phú mới với Blockchain và CryptoCurrency
- Founder Got It Hùng Trần: Mình hy vọng sau 10-15 năm sẽ tạo ra một thế hệ có thể lập hàng nghìn công ty như Got It, thậm chí xịn hơn nhiều!
- Hùng Trần Got It: Từ cậu sinh viên nói tiếng Anh không ai hiểu trên đất Mỹ đến founder startup có triển vọng kỳ lân ở Silicon Valley