GS.TSKH Nguyễn Mại: 'Cần ưu tiên làm luật riêng về năng lượng tái tạo'
GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, nên tạm hoãn làm các luật khác chưa thật sự cần thiết để xây dựng một luật riêng về năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian tới.
- 13-10-2020Lễ khánh thành dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam giữa trời mưa tầm tã và lời xin lỗi của CEO Tập đoàn Trung Nam
- 13-10-2020Dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á tại Ninh Thuận "về đích"
Một trong các nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết số 140 vừa được Chính phủ ban hành ngày 2/10/2020 nhằm thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là yêu cầu nghiên cứu luật riêng về năng lượng tái tạo. Để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trong việc áp dụng và thực thi pháp luật về năng lượng tái tạo, việc luật hoá các quy định hiện hành là rất cần thiết và được giới đầu tư mong đợi.
Để làm rõ hơn vai trò của năng lượng tái tạo trong tương lai phát triển năng lượng quốc gia trong vòng 10-30 năm tới và tính cấp thiết của một luật riêng về năng lượng tái tạo, Nhadautu.vn có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài về vấn đề này.
Thời gian gần đây, khi việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như than đá và dầu khí đang dần cạn kiệt thì nguồn năng lượng tái tạo cho thấy rõ hơn vai trò trong tổng cung năng lượng. Xin GS cho biết xu hướng phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam trong trong 10-30 (giai đoạn từ 2030-2050) năm tới? Nguồn năng lượng nào sẽ chiếm ưu thế?
GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
GS.TSKH Nguyễn Mại: Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 140 của Chính phủ bao gồm nhiều mục tiêu như: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong sự phát triển của bất cứ quốc gia nào thì an ninh năng lượng luôn là quan trọng bậc nhất. Vì năng lượng không chỉ là phát triển mà còn đảm bảo cho quốc gia chủ động trong sử dụng năng lượng, với giá cả hợp lý và đảm bảo cả an ninh quốc phòng. Lịch sử phát triển cho thấy, lúc nào thiếu năng lượng thì kinh tế chậm phát triển. Và nếu không giảm thiểu việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu mua từ nước ngoài thì an ninh năng lượng bị đe doạ.
Nguồn năng lượng ở nước ta hiện dựa chủ yếu vào điện than và các nhà máy thuỷ điện lớn, với tỷ trọng từ 70-80% tổng lượng năng lượng sản xuất ra hàng năm.
Về điện than, hiện nay có 1 trung tâm khai thác than lớn ở Quảng ninh là TKV vừa khai thác than tạo ra nhiên liệu cho điện than vừa xuất khẩu nhưng những năm gần đây bắt đầu có khuynh hướng nhập khẩu than để sản xuất điện và xu hướng này đang tăng rất nhanh. Sơ đồ điện 7 dự tính, đến năm 2025 sẽ phải nhập trên 50 triệu tấn than đá và năm 2030 là 100 triệu tấn. Nguồn nhập than chính của Việt Nam là từ Indonesia, Úc, Nga.
Tuy nhiên bản thân những nước nằm trong kế hoạch cung cấp than cho Việt Nam cũng đang phát triển kinh tế theo hướng xanh nên rất hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là khoáng sản hữu cơ như dầu mỏ, than đá để giảm thiểu phát thải nhà kính. Vì vậy, chúng ta cũng không biết tới 2025-2030 có đủ nguồn than nhập khẩu cho Việt Nam không và giá than thế giới sẽ ra sao khi sản lượng than sụt giảm. Hai ẩn số trên làm cho bản thân chúng ta cũng không thể chắc chắn đảm bảo nguồn than cho phát triển điện than trong thời gian tới.
Ngay cả nếu đủ nguồn than nhập khẩu từ bên ngoài thì vấn đề cảng biển và bãi chứa cho 50-100 triệu tấn than cũng sẽ là những vấn đề rất nhức nhối. Đầu tiên yêu cầu về những cảng biển chuyên dụng để nhập khẩu than với diện tích lớn. Hiện chưa có cảng nào ở Việt Nam đáp ứng được yêu cầu này và cũng không thể tích hợp với các cảng sẵn có. Để xây dựng được cảng biển chuyên dụng đủ để nhập khẩu 50-100 triệu tấn than thì sẽ rất tốn kém và suất đầu tư lớn sẽ làm giá thành sản xuất điện than tăng lên.
Tiếp theo là vấn đề các bãi dự trữ than nhập khẩu cũng sẽ là vấn đề lớn khi tiêu tốn diện tích hàng trăm nghìn ha, chưa kể tới các tác động tiêu cực đến mỗi trường, ô nhiễm từ cảng biến tới bãi dự trữ.
Trong hội nghị quốc tế cách đây vài năm tổ chức tại Trung Quốc, các nước đã đặt vấn đề khai thác than và điện than của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng tới Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới cả thế giới, do ảnh hưởng của phát thải khí nhà kính khiến nhiệt độ trái đất tăng lên, nước biển dâng cao. Vì thế Trung Quốc đã phải cam kết với thế giới phải giảm khai thác than theo một lộ trình nhất định. Chúng ta cũng phải tính tới vấn đề này.
Còn về thuỷ điện, hiện nay về cơ bản các thuỷ điện lớn của Việt Nam ở các miền như Sơn La, Hoà Bình, Yaly đã khai thác hết, chỉ còn một vài thuỷ điện nhỏ. Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển thuỷ điện nhỏ, thu hút đầu tư tư nhân, cho thấy nhiều địa phương không thực hiện đúng quy hoạch gây ra nạn phát rừng, chặt cây, thậm chí là rừng phòng hộ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, lũ lụt, ảnh hưởng tới sinh kế của hàng vạn người dân.
Lường trước những vấn đề trên, Việt Nam cũng đã triển khai nghiên cứu làm 2 dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận để tạo năng lượng mới, sạch hơn. Chúng ta đã bỏ hàng nghìn tỷ đồng để nghiên cứu quy hoạch, giải toả mặt bằng, làm công tác thương thảo với 1 số nước như Nga, Nhật Bản, ký kết hợp đồng... Tuy nhiên, sau đó thông qua tham khảo ý kiến chyên gia, Bộ Chính trị đã quyết định không xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân nữa. Tôi cho rằng đây là quyết định sáng suốt, giảm bớt gánh nặng lâu dài cho dân tộc ở tương lai nếu một thảm hoạ hạt nhân nổ ra.
Mấy năm gần đây điện tái tạo gồm điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện mái nhà dần tăng trưởng, thay thế phần nào điện than và thuỷ điện. Theo các tổ chức nghiên cứu quốc tế, nước ta là nước nhiệt đới gió mùa nên có tiềm lực vô tận với điện mặt trời, điện gió, điện tái tạo hay còn gọi là điện sạch. Bờ biển dài, tốc độ gió lớn trong nhiều tháng của năm ở cả miền Bắc và miền Nam đã tạo ra những nhà máy năng lượng gió quy mô lớn tầm cỡ khu vực ở miền Nam.
Điện sinh khối từ rác thải có rất nhiều tiềm năng, 1 loạt nhà máy điện ở Quảng Bình đã làm được, vừa sản xuất được điện lại vừa làm được phân bón. Nếu công tác phân loại rác thải tốt sẽ có nguồn điện sạch, giá thành lại không cao. Đến thời điểm hiện tại Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa làm được nhà máy quy mô lớn là quá chậm, trong khi các đại đô thị hoàn toàn có hể nghĩ tới phát điện từ nguồn này, đảm bảo cung cấp ít nhất là 10% tổng lượng điện tiêu thụ.
Có thể thấy vai trò của năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là rất lớn trong thời gian tới. Điều này cũng đã được đưa ra rất cụ thể từ Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, đến Nghị quyết 140 của Chính phủ và sắp tới sẽ là Quy hoạch điện VIII.
Nghị quyết 140 có nêu những con số rất cụ thể, như tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm khoảng 15-20% tổng cung năng lượng sơ cấp vào năm 2030 và chiếm khoảng 25-30% vào năm 2045. Theo GS mục tiêu này có quá tham vọng?
GS.TSKH Nguyễn Mại: Dự báo mới nhất của Viện Năng lượng cho biết, ở kịch bản cơ sở, điện thương phẩm Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 sẽ tăng khoảng 8%/năm. Đến năm 2025 tổng công suất đạt khoảng 337,5 tỷ kWh, năm 2030 đạt khoảng 478,1 tỷ kWh. Tương đương bình quân đầu người đến năm 2025 đạt gần 3.500 kWh/người, năm 2030 là khoảng 4.500 kWh/người. Đây cũng chỉ là mức trung bình chứ không cao so với các nước bình quân đầu người 80.000-10.000 kWh/người ở các nước phát triển.
Mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030, trong đó năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 320 - 350 triệu TOE; tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỷ kWh. Trong đó tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045. Theo tôi, mục tiêu này còn khiêm tốn.
Chỉ sau khi có 2 quyết định quan trọng, một là Quyết định 11 năm 2017 của Chính phủ về năng lượng mặt trời bao gồm giá điện, hợp đồng mua điện được hưởng giá ưu đãi và Quyết định 59 năm 2018 quy định về phát triển điện gió đã tạo ra một cuộc "chạy đua" phát triển điện gió để hưởng ưu đãi. Theo nhận định của Trung tâm Điều độ Quốc gia, trong lịch sử 65 năm chưa khi nào xẩy ra hiện tượng nhận tới 100 nguồn điện hoà vào hệ thống chỉ trong thời gian rất ngắn như năm 2019.
Theo đó, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2019 (từ tháng 4 đến tháng 6) đã có tới 80 nhà máy điện mặt trời hoà lưới, tổng 6 tháng đầu năm 2019 là 90 nhà máy điện mặt trời đã hoà lưới điện.
Rõ ràng vấn đề không phải là tiềm năng mà là chính sách. Mục tiêu đưa ra tại Nghị quyết 140 chỉ là mức tối thiểu và chắc chắn sẽ phải điều chỉnh trong thời gian tới.
Khung pháp lý hiện tại về năng lượng tái tạo được cho là đã cơ bản, song chưa đủ hoàn chỉnh và ổn định về mặt dài hạn. Để đảm bảo tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trong việc áp dụng và thực thi pháp luật, đây có phải là thời điểm thích hợp để luật hoá các quy định hiện hành về năng lượng tái tạo, để ban hành một luật riêng về năng lượng tái tạo thưa GS?
GS.TSKH Nguyễn Mại: Rất nhiều người mong muốn có luật riêng về năng lượng tái tạo càng sớm càng tốt. Hiện nay, quy định về năng lượng tái tạo đang bị chi phối bởi một loạt các luật chuyên ngành khác nhau như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng... Trong khi đó Luật Đất đai không có 1 dòng nào về năng lượng gió, năng lượng tái tạo. Chúng ta không thể dùng đất lúa làm năng lượng điện gió mà phải khuyến khích xây dựng tại các địa bàn không trồng lúa như đồi, núi, mặt nước, mặt biển. Tuy nhiên, Luật Đất đai chưa có những quy định về vấn đề này. Hay Luật Xây dựng cũng chưa có điều chỉnh thích hợp. Ngay cả Luật Năng lượng cũng chỉ nói nhiều về thuỷ điện, điện than chứ chưa có nhiều quy định về năng lượng tái tạo.
Trước một tình huống mới, yêu cầu tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2015 phải cao hơn, bứt phá, thiết nghĩ nên hoãn lại một số luật chưa thật sự cần thiết mà làm nhanh luật riêng về năng lượng tái tạo để bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh.
Phát triển năng lượng tái tạo đứng trước 2 lựa chọn, một là sửa tất cả các luật liên quan, 2 là có một luật riêng về năng lượng tái tạo. Thực tế không quá khó khăn để làm một luật riêng về năng lượng tái tạo vì chúng ta đã có thực tiễn phát triển và có những nghị quyết dẫn đường trước đó.
Theo tôi cần có một luật riêng về năng lượng tái tạo và Chính phủ phải làm sao để năm 2021 có được luật này. Luật sẽ tạo khung pháp luật đủ công khai, minh bạch, đủ nghiêm túc, linh hoạt để khi cần thay đổi và quan trọng hơn cả là đảm bảo nguyên tắc không hồi tố.
Một luật riêng về năng lượng tái tạo, theo GS cần những nội dung then chốt gì?
GS.TSKH Nguyễn Mại: Bốn vấn đề lớn cần có trong Luật về năng lượng tái tạo mà đã được nói rất hay trong Nghị quyết 55.
Trước tiên đây phải là định hướng phát triển năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ cho tăng trưởng thời gian tới.
Hai là từ định hướng ấy để thay đổi cơ cấu năng lượng phù hợp với phát triển xanh, giảm thiểu khí thải.
Ba là áp dụng nhanh cơ chế thị trường, thị trường điện cạnh tranh. Dù đã có nhiều quyết định của Chính phủ, Nghị quyết của Đại hội là nhanh chóng đưa vào thị trường điện cạnh tranh, nhưng chúng ta vẫn chưa làm được. Không có thị trường điện thì không có nhà đầu tư tư nhân nào làm được. Vì sản xuất rồi bán cho ai? Điều này cũng dẫn tới tình trạng chúng ta vừa thừa điện nhưng cũng vừa thiếu điện.
Cuối cùng là quy định về tiết kiệm điện. Ở Việt Nam chỉ cần bớt đi 1% tiêu thụ điện là bớt đi việc phải xây dựng 1 nhà máy điện.
Ngoài ra, cũng cần có quy định về hệ thống truyền tài. Đầu tư vào điện không chỉ là đầu tư vào công suất mà còn đầu tư truyền tải, truyền tải không chỉ cao thế mà còn trung thế và hạ thế. Khi có quy định cụ thể sẽ không còn xảy ra tình trạng, một Khu công nghiệp phải "chạy" để ông truyền tải làm đường truyền từ trạm phát điện vào khu công nghiệp nữa.
Trân trọng cảm ơn GS!
Theo Nhà đầu tư