MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gửi con lên chùa để sửa tính nhút nhát, 3 tháng sau, ông bố phải xấu hổ vì phản ứng của mình khi xem con thi đấu karate

02-09-2020 - 11:50 AM | Sống

Đó là một trận đấu không cân sức, thế nhưng, cái mà người đàn ông nhìn thấy chỉ là kết quả cuối cùng.

1. Câu chuyện về cậu bé bị quật ngã vô số lần

Có một người đàn ông nọ tới chùa bái kiến một vị Thiền sư, mong Thiền sư có thể giúp ông huấn luyện đứa con trai nhút nhát của mình.

Vị Thiền sư nghe vậy bèn nói với ông: "Anh hãy đưa thằng bé tới đây, chỉ cần 3 tháng, ta sẽ đào tạo thằng bé trở thành một chàng trai thực thụ".

Đúng ba tháng sau, người đàn ông tới đón con mình về. Thiền sư cũng đã chuẩn bị xong cuộc đấu karate để người cha thấy được kết quả sau 3 tháng huấn luyện.

Đối thủ của cậu trong phần thi đấu này chính là huấn luyện viên karate của cậu. Huấn luyện viên vừa phát ra một đòn, cậu liền ngã xoài ra đất. Nhưng vừa ngã xuống, cậu liền lập tức bật dậy tiếp tục nghênh chiến. Cứ ngã xuống rồi lại đứng lên, liên tục lặp lại như vậy tổng cộng 6 lần.

Người cha thấy vậy lớn giọng nói: "Con quả thật vô cùng xấu hổ, không ngờ đưa thằng bé đến đây huấn luyện 3 tháng nhưng kết quả lại chỉ thấy thằng bé vẫn không chịu nổi một đòn, còn bị người ta đánh cho ngã lên ngã xuống".

 Gửi con lên chùa để sửa tính nhút nhát, 3 tháng sau, ông bố phải xấu hổ vì phản ứng của mình khi xem con thi đấu karate  - Ảnh 1.

Thiền sư đáp lời ông: "Thật tiếc vì anh chỉ nhìn vào chuyện thắng thua. Chẳng lẽ anh không thấy được lòng dũng cảm và nghị lực kiên cường của con trai anh khi bị quật ngã mà vẫn không bỏ cuộc, mạnh mẽ đứng lên ứng đấu tiếp hay sao?

Đây mới chính là tố chất mà một người đàn ông chân chính nên có và thành công hay không chính là nằm ở điểm này".

Người cha chỉ biết cúi đầu, xấu hổ vì phản ứng khi nãy của mình.

Lời bình

Định nghĩa về sự thành công đơn giản như vậy đấy. Không có vấp ngã thì đâu có đứng lên. Cũng như không gieo hạt thì sao có được niềm hân hoan trong ngày thu hoạch. Giống như khi nằm xuống bạn sẽ cảm thấy người lùn cũng là một người khổng lồ.

Chỉ khi bạn dám đứng dậy, dũng cảm tiến lên thì bạn mới phát hiện được rằng "đứng trên đỉnh núi cao nhất sẽ nhìn thấy những núi khác đều nhỏ". Có nhiều khi, khó khăn và hi vọng lại xuất hiện trong cùng một khoảnh khắc.

Giống như khi trẻ tập đi, những người lớn tuổi có kinh nghiệm thường nhắc nhở cha mẹ bọn trẻ đừng có đỡ con, dẫu có ngã xước da cũng cứ để cho trẻ tự mình chập chững bước tiếp.

Theo phân tích của các nhà tâm lí học, việc cổ vũ trẻ để trẻ tự biết đứng lên, có thể giúp rút ngắn thời gian học đi của trẻ, đồng thời cũng bồi dưỡng cho trẻ lòng quyết tâm và nghị lực kiên cường.

Chúng ta không thể đi trên con đường bằng phẳng rộng rãi mãi được, cũng không thể mãi đi trên con đường chật hẹp lầy lội. Quan trọng là khi đang khoan khoái vui vẻ, dẫu nguy hiểm ập tới như thác đổ hay rơi vào trong mưa bão bùn lầy cũng phải đứng vững đôi chân của mình.

Trên đời này, ngọn núi có cao bao nhiêu cũng không cao bằng ý chí con người, và cũng chẳng có con đường nào dài hơn dấu chân con người ta đã bước qua.

Cái gọi là thành công chính là dù có vấp ngã cũng không ngừng nỗ lực bật dậy và nỗ lực trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân.

Có một thanh niên trẻ đi bộ dưới trời mưa, mặt đường hết sức lầy lội, không may anh trượt chân ngã nhào xuống vũng bùn.

Anh bò dậy và tiếp tục đi tiếp, nhưng chẳng bao lâu sau anh lại té ngã thêm lần nữa.

Sau vài lần như vậy, cuối cùng anh dứt khoát nằm sấp trên mặt đất, chẳng buồn đứng dậy, tự nói với mình rằng: "Dù sao đứng dậy cũng sẽ lại té ngã tiếp thôi, chi bằng nằm luôn xuống cho xong".

Đời người không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Nếu như cứ vấp ngã là nằm ì ở đó, ngã một cái liền không muốn gượng dậy thì bạn vĩnh viễn chỉ nằm một chỗ, chẳng bao giờ có thể đặt được chân đến đỉnh cao của thắng lợi.

Chỉ có người biết kiên trì vươn lên sau những cú ngã mới có hi vọng chạm tới thành công.

 Gửi con lên chùa để sửa tính nhút nhát, 3 tháng sau, ông bố phải xấu hổ vì phản ứng của mình khi xem con thi đấu karate  - Ảnh 2.

2. Vô số thất bại của Abraham Lincoln

Chúng ta cùng xem lại lý lịch của một người nhé:

Năm 1818 (9 tuổi): Mẹ ruột qua đời.

Năm 1831 (22 tuổi): Làm ăn thua lỗ.

Năm 1832 (23 tuổi): Tranh cử nghị viên bang thất bại.

Cũng năm đó (23 tuổi): Thất nghiệp, muốn học trường luật, nhưng không đủ tiêu chuẩn nhập học.

Năm 1833 (24 tuổi): Vay tiền bạn bè để làm ăn.

Cuối năm đó (24 tuổi): Phá sản lần nữa, sau đó phải mất đến 16 năm mới trả hết khoản nợ.

Năm 1834 (25 tuổi): Tiếp tục tranh cử nghị viên bang, lần này ông đắc cử.

Năm 1835 (26 tuổi): Sau khi đính hôn, đến khi chuẩn bị kết hôn thì vợ sắp cưới qua đời.

Năm 1836 (27 tuổi): Tinh thần hoàn toàn suy sụp, nằm trên giường bệnh suốt sáu tháng trời.

Năm 1838 (29 tuổi): Thất bại khi tham gia bầu cử thống đốc bang.

Năm 1840 (31 tuổi): Thất bại khi tham gia bầu cử thống đốc bang lần 2.

Năm 1843 (34 tuổi): Tham gia bầu cử nghị sĩ Quốc hội và tiếp tục thất bại.

Năm 1846 (37 tuổi): Tiếp tục tham gia cuộc bầu cử Quốc hội, lần này ông đắc cử.

Năm 1849 (39 tuổi): Thất bại khi tranh cử nghị sĩ quốc hội khoá tiếp theo.

Năm 1854 (45 tuổi): Tranh cử vào Thượng nghị viện Hoa Kỳ nhưng không thành.

Năm 1856 (47 tuổi): Thất bại khi tranh cử phó Tổng thống.

Năm 1860 (51 tuổi): Được bầu làm Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ. Đồng thời, là một trong những Tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử.

Người này chính là Abraham Lincoln.

 Gửi con lên chùa để sửa tính nhút nhát, 3 tháng sau, ông bố phải xấu hổ vì phản ứng của mình khi xem con thi đấu karate  - Ảnh 3.

Ông sinh ra với 2 bàn tay trắng và trong suốt cả một đời, ông đã phải nếm trải không biết bao nhiêu cay đắng, cũng từng tuyệt vọng, nhưng lần nào ông cũng không chịu khuất phục mà tiếp tục đứng lên bước tiếp.

Lincoln sau lần tranh cử vào Thượng nghị viện thất bại đã từng nói một câu thế này: "Con đường này vô cùng gian nan và lầy lội, một chân của tôi trượt xuống thì chân còn lại cũng không thể đứng vững được.

Nhưng tôi chỉ nghỉ ngơi một chút rồi tự nhủ với bản thân mình rằng, đây chẳng qua cũng chỉ là trượt chân té một cái thôi, cũng đâu phải chết đi đâu mà không thể vực dậy được".

Lời bình

Cuộc sống của đa số chúng ta đều sẽ không suôn sẻ thuận lợi, cũng khó tránh khỏi những thất bại và những điều bất hạnh.

Tuy nhiên, sự khác biệt vô cùng quan trọng giữa người thành công và kẻ thất bại đó là: Kẻ thất bại thì luôn coi những trở ngại vấp ngã là sự thất bại của mình, vì vậy mà mỗi trắc trở đều có thể hạ gục dũng khí của anh ta, ngăn anh ta theo đuổi sự vinh quang.

Còn người thành công trước những lần vấp ngã sẽ tự nhủ với mình rằng: Vấp ngã ở đâu thì hãy đứng lên ở đó.

 Gửi con lên chùa để sửa tính nhút nhát, 3 tháng sau, ông bố phải xấu hổ vì phản ứng của mình khi xem con thi đấu karate  - Ảnh 4.

Một người nhất thời thất bại, nếu biết nỗ lực phấn đấu và lên kế hoạch giành lại chiến thắng thì thất bại ngày hôm nay cũng chưa hẳn là thất bại thực sự. Ngược lại, nếu anh ta mất đi dũng khí chiến đấu lần nữa, đó mới thật sự là kẻ thua cuộc hoàn toàn!

Để gặt hái được thành công, người thành công phải bỏ ra sự cố gắng nhiều hơn tất cả những người thất bại, thậm chí nhiều đến mức người thất bại chẳng bao giờ có thể tưởng tượng ra. Vì thế, đừng chỉ nhìn vào thành tích của người khác mà nói rằng anh ta may mắn, thuận lợi.

Con người chúng ta thường hay thất bại không phải vì chưa cố gắng, mà chỉ là chưa cố gắng đến cùng, kiên trì đến cùng mà thôi.

Thiếu sự kiên trì đến cùng, đầu hàng trước khó khăn trên đường tiến bước là cách mà chúng ta từ bỏ thành tựu trước mắt và lẽ tất nhiên, chúng ta chẳng thể gặt hái được trái ngọt trong đời.

Nhà yêu nước Phan Bội Châu từng nói rằng: "Ví như đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt nào có ai…"

Chính khó khăn là yếu tố thử thách lòng người. Người đầu hàng ngay từ điểm xuất phát hoặc người bỏ cuộc giữa chừng mãi mãi sẽ là những kẻ thua cuộc mà thôi.

Thực tế đã chứng minh rằng, người thành công không bao giờ bỏ cuộc, kẻ bỏ cuộc không bao giờ thành công.

Khánh An

Pháp luật bạn đọc

Theo Khánh An

Pháp luật và bạn đọc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên