Gửi những người cầm tiền lương chưa nóng tay đã bay đi hết: Muốn thay đổi vận mệnh, hãy ngưng tiêu pha và chăm chỉ tiết kiệm tiền
Cách quản lý tiền chính xác không phải là tiết kiệm số tiền còn lại sau khi bạn tiêu, mà là tiết kiệm một khoản cố định trước, sau đó mới tiêu số tiền còn lại. Hỡi những người vừa nhận lương đã hết sạch, hãy tiết kiệm tiền đi!
01
TED đã từng mời một cô gái tên Tôn Linh phát biểu với chủ đề "Làm thế nào tôi có thể trở thành một lập trình viên Google từ một nữ công nhân nhà máy".
Tôn Linh sinh ra trong một gia đình nông thôn ở Hồ Nam, Trung Quốc. Cô sinh ra trong một gia đình nghèo và chưa bao giờ được học đại học. Không cam chịu số phận cơ hàn mãi, cô rời quê hương sớm và đến nhà máy để tương lai dễ thở hơn một chút. Dù tuổi còn trẻ nhưng cô đã đến Thâm Quyến để thảo luận về cuộc sống của mình vào năm 2009. Cô gái có một tham vọng kiên cường.
Cô tiết kiệm tiền lương ít ỏi của mình, đầu tiên đã dành gần 100 triệu đồng để ghi danh một khóa học lập trình, sau đó cô làm mọi việc để có được tiền như phát tờ rơi trên đường phố, rửa bát trong nhà hàng. Cô làm việc điên cuồng nhưng lại tiết chế tối đa, tiền nhà và tiền ăn uống mỗi ngày không vượt quá 5 đô la, sau khi học xong ba khóa học lập trình, cô xin nghỉ việc ở nhà máy và tìm một công việc lập trình viên ở Thâm Quyến.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi trở thành lập trình viên, cảm thấy mình thiếu khả năng tiếng Anh, cô vừa học tiếng Anh vừa chủ động gặp gỡ nhiều người bạn nước ngoài để rèn luyện kĩ năng nói. Sau khi có kĩ năng giao tiếp ở trình độ nhất định và kỹ năng lập trình cơ bản, cô nộp đơn học thạc sĩ khoa học máy tính tại một trường đại học tại Hoa Kỳ và chuỗi ngày tiếp theo là một quá trình tiết kiệm tiền cực kì quyết tâm. Trong bảy tháng, cô đã tiết kiệm cho mình 100.000 tệ (khoảng 330 triệu đồng) tiền học phí. Năm 2017, cô đã đến Hoa Kỳ một cách thuận lợi để bắt đầu học tập.
Năm 2018, sau ba cuộc phỏng vấn nghiêm ngặt, cựu công nhân nhà máy này đã ngồi trong văn phòng của New York và trở thành lập trình viên của EPAM. Tôn Linh đã dành 10 năm để làm rạng danh gia đình, phố phường của cô.
Cô ấy thực sự chỉ làm hai việc: Tiết kiệm tiền và sau đó đầu tư vào chính mình.
Nếu Tôn Linh giống như nhiều người làm công ăn lương trẻ tuổi, làm ra bao nhiêu tiền đều đổ hết vào mua quần áo đẹp, điện thoại di động mẫu mới nhất, đến nhà hàng ăn những món ngon và xem những bộ phim đang hot ở rạp thì thử hỏi tiền ở đâu để cô đóng học phí hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng cho mỗi khóa lập trình? Và nếu như vậy thì làm gì có cô gái ấy ngày hôm nay?
Tại sao cô ấy đối xử với bản thân mình rất hà khắc như thế? Việc tiết chế có khác gì ngược đãi bản thân? Lí do là để tương lai có thể an nhàn mà hưởng thụ. Có câu: "Kiến tha lâu đầy tổ", ý nói mỗi ngày tích lũy một ít, những thay đổi lớn sẽ lặng lẽ xảy ra.
Cái gọi là đầu tư là tạm thời gác lại thói quen tiêu dùng hiện tại để ưu tiên cho việc quan trọng hơn đó là đầu tư kiến thức, làm cho bản thân có đủ lợi thế cạnh tranh để từ đó tạo ra tiền bạc.
Tất cả những câu chuyện như thế này không phải chuyện kể cho vui, nên nhớ rằng muốn tương lai tốt đẹp hơn, hãy bắt đầu từ việc tiết kiệm tiền. Nếu bạn đang khốn khó, xin hãy để dành dù là vài nghìn lẻ thôi cũng được, còn nếu bạn dư dả thì bạn càng phải tiết kiệm tiền. Bạn nhìn thấy món đồ trong phút chốc và muốn mua, có thể mất cả tháng lương nhưng bạn chẳng quan tâm vì một khi đã thích thì nhích thôi. Nhưng hãy suy nghĩ rộng ra một chút đi. Nếu một ngày nào đó, bạn gặp phải một biến cố lớn và cần tiền để giải quyết, hay con bạn đến kì nộp học phí, hay ba mẹ đến ngày khám sức khỏe định kỳ nhưng bạn không còn đồng nào trong túi thì dù bạn có bán đi cái túi mình thích cũng chưa chắc được nhiều tiền. Lúc đó bạn hối cũng chẳng có ích gì nữa rồi.
02. Tiết kiệm tiền là việc không phải ai cũng làm được
Buffett từng nói: Cách quản lý tiền chính xác không phải là tiết kiệm số tiền còn lại sau khi bạn tiêu, mà là tiết kiệm một khoản cố định trước, sau đó mới tiêu số tiền còn lại.
Nhiều người nghĩ rằng quản lý tài chính là một khái niệm liên quan đến kiếm tiền và đầu tư, nhưng theo Buffett, quản lý tài chính trước hết là một khái niệm về tiết kiệm. "Sai lầm lớn nhất của hầu hết mọi người trong quản lý tài chính là họ không học được thói quen tiết kiệm tốt."
Bạn nghĩ rằng mình cứ mặc sức phung phí, cùng lắm mình chỉ cần nhận thêm vài công việc nữa, rồi không tiêu tiền nữa, bạn nghĩ như vậy là có thể tiết kiệm tiền?
Accergy, công ty tư vấn quản lý lớn nhất thế giới và cựu cố vấn Hamaguchi Hato đã đề cập trong cuốn sách "Đạo luật quản lý tiền McKinsey" của mình, một thực tế tàn khốc đó là người lớn không thể tiết kiệm theo kế hoạch đã định.
Theo phân tích, có ba lý do chính:
Đầu tiên, không có mục đích rõ ràng, không thể hình thành các giá trị mục tiêu cụ thể.
Thứ hai, không có kế hoạch thực tế và khả thi cùng với việc thiếu ý chí.
Thứ ba, không xem xét các kết quả xuất hiện sau khi thực hiện kế hoạch, không có kế hoạch cải tiến nào để "chữa cháy" khi kế hoạch ban đầu có điểm bất hợp lí.
Có thể thấy rằng tiết kiệm tiền không phải là mù quáng, bỏ heo cho có, không thích thì đập ống heo tiết kiệm. Bạn phải giống như Tôn Linh, ít nhất bạn có một mong muốn cơ bản, ví dụ như đăng kí khóa học cho một ngoại ngữ nào đó hay học một kĩ năng nào đó khoảng ba tháng hoặc nửa năm. Khi đã đăng kí, bạn sẽ không dám nghỉ nhiều thậm chí không dám nghỉ học vì xót tiền đã đóng. Từ đó, bạn biết cách trân quý đồng tiền, không tiêu xài hoang phí.
Các bước trong kế hoạch tiết kiệm tiền:
- Bước 1: Bạn phải có một mục tiêu cụ thể
Nếu bạn thực sự không muốn tiêu xài, muốn tiết kiệm một khoản tiền, hãy cố gắng duy trì tiết kiệm ít nhất từ ba ngày đến sáu tháng chi phí sinh hoạt để phòng khi thất nghiệp hay dịch bệnh, khẩn cấp thì dùng đến.
- Thứ hai, bạn phải đảm bảo rằng kế hoạch của bạn là thực tế
Bạn phải phân tích tiền bạn có thể kiếm và thói quen tiêu dùng hiện tại của mình, bắt đầu bằng việc sử dụng sổ tay hoặc một số ứng dụng kế toán và bảng kế toán ghi chép lại bao gồm tổng thu nhập, tổng chi, tiết kiệm, tiêu dùng và cân đối.
- Liệt kê tất cả các mục chi tiêu và số tiền trong ngày mỗi ngày, sau đó xem liệu bạn có thể đạt được số dư đó hay không
Nếu bạn thấy rằng chi tiêu lớn hơn thu nhập, hãy tìm nguyên nhân của sự mất cân đối giữa thu nhập và chi tiêu, sau đó xem chi tiêu nào là "cần thiết" và "muốn", hãy nghĩ về những chi phí không cần thiết có thể được tiết kiệm. Phải thực tế, đặt mục tiêu tiết kiệm phù hợp.
Nếu bạn đã quen với việc mỗi ngày một li trà sữa, thì rõ ràng thực hiện một kế hoạch tiết kiệm 20 nghìn đồng mỗi ngày là không khả thi. Bắt đầu từ một thay đổi nhỏ, từ mỗi ngày một cốc trà sữa, hãy kiên nhẫn hai ngày một cốc. Từ từ nâng lên, đến mỗi tuần một cốc, bạn có thể tiết kiệm hàng ngàn đô la mỗi năm và tạo nền tảng tốt cho tương lai để có vốn để theo đuổi cuộc sống tốt hơn.
- Cuối cùng, nhiều người có xu hướng phá vỡ nội quy của mình lập ra và tự làm mình thất vọng, do đó kế hoạch tiết kiệm mà họ đã lập ra sẽ thất bại, nhưng thực tế là tiết kiệm tiền để đặt nền tảng tốt cho cuộc sống tốt hơn, chứ không phải làm cho mình trở nên tệ hơn. Tự tiết chế thói quen mua sắm vô tội vạ không đồng nghĩa với việc vừa tiết kiệm vừa mượn tiền người khác để tiêu xài rồi làm trả nợ. Và việc tiết kiệm này đã không phải việc đễ dàng ngày một ngày hai là được. Vì vậy trước khi bạn bắt đầu một kế hoạch tiết kiệm, bạn nên rèn luyện một tâm lý tốt, sẵn sàng ứng phó với tình hình thực tế và điều chỉnh kế hoạch tiết kiệm của bạn bất cứ lúc nào mà không làm thay đổi mục tiêu của bạn. Và nếu bạn thực sự có thể kiểm soát chính mình, bạn cũng có thể thiết lập một tài khoản tiết kiệm bên cạnh việc quản lý chi tiêu hàng ngày hoặc gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Bạn sẽ có khoản tiền hàng tháng để tiêu nhưng vẫn có thể tiết kiệm được.
Cách đơn giản và hiệu quả nhất để thay đổi số phận đó là tiết kiệm tiền và sau đó đầu tư vào bản thân.
Trong xã hội tiêu dùng này, một số người có thể cảm thấy nhục nhã khi đồng nghiệp của họ sống cuộc sống tốt hơn mình. Nên nhớ, thứ bạn nhìn thấy chỉ là bề nổi mà thôi, hãy cứ tiết kiệm trong âm thầm, rồi thời gian sẽ chứng tỏ bạn là ai. Phong độ chỉ là tức thời còn đẳng cấp mới là mãi mãi.
Báo Dân sinh