MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gửi tiết kiệm, làm nhiều công việc từ năm nhất đại học: Cách người trẻ hướng đến độc lập tài chính

31-05-2023 - 11:06 AM | Lifestyle

Những cách hiệu quả giúp người trẻ có nền tảng tài chính vững mạnh ngay trong độ tuổi 20.

Hướng đến mục tiêu độc lập tài chính càng sớm càng tốt, một số bạn trẻ đã hình thành những thói quen tài chính tốt ngay từ khi chỉ vừa mới 18 tuổi. Chỉ với một số thay đổi trong tư duy, hiểu biết hơn trong khía cạnh tài chính cá nhân, bạn có thể bảo vệ bản thân mình trước những biến động khó lường trong nền kinh tế hiện tại cũng như giúp trở nên "giàu hơn" trong tương lai.

Sau 6 năm khoản tiết kiệm 40 triệu lên 57,6 triệu đồng

Vào tháng 2/2017, Hoàng Nga (sinh năm 1998, nhân viên văn phòng) lúc đó 19 tuổi đã mở sổ tiết kiệm đầu tiên. "Sau khi đậu đại học, mình được gia đình và họ hàng cho một số tiền. Đồng thời, trong học kỳ đầu mình có đi dạy gia sư, tích luỹ từ chi phí sinh hoạt bố mẹ cho cùng tiền mừng tuổi năm đó, mình đã tiết kiệm được 40 triệu đồng. Mình quyết định ra ngân hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, phương thức lãi nhập gốc, lãi suất khi ấy là 6,5%/ năm. Bây giờ mọi người thường gửi tiết kiệm online nhưng lúc ấy mình chỉ biết mở sổ tiết kiệm bằng giấy".

Theo Hoàng Nga, sau 6 năm đến bây giờ khoản tiền tiết kiệm của cô bạn đã tăng lên hơn 57,6 triệu đồng. Từ ngày gửi tiết kiệm năm 2017 cho đến bây giờ, Hoàng Nga chưa từng động đến số tiền này, thậm chí có đôi khi còn lãng quên luôn khoản tiết kiệm.

"Theo mình được biết khi gửi tiết kiệm lấy sổ bằng giấy, nếu muốn rút tiền thì mình sẽ phải ra ngân hàng. Thủ tục không lâu nhưng để canh chừng đúng ngày ra ngân hàng rút tiền khá khó khăn. Mình cũng không có nhu cầu phát sinh, cần dùng tiền gấp nên mình đã gửi tiết kiệm cho đến nay là hơn 6 năm. Vì mình chọn phương thức lãi nhập gốc, mỗi năm nếu không rút ra thì ngân hàng sẽ tự động cộng lãi vào gốc và tiếp tục gia tăng thời hạn tiết kiệm thêm 12 tháng".

Gửi tiết kiệm, làm nhiều công việc từ năm nhất đại học: Cách người trẻ hướng đến độc lập tài chính - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Pexels

Cô bạn chia sẻ rằng khoản lãi hàng năm tăng lên khá nhiều là nhờ lãi suất kép. Lãi kép là khoản tiền lợi nhuận của một khoản tiền gửi được tính dựa trên cả số tiền gốc ban đầu và lãi tích lũy từ những kỳ trước. Hay nói một cách đơn giản, lãi kép là tiền bạn kiếm được chính trên số lãi của mình. Sau 6 năm, khoản lãi là 17,6 triệu đồng, dù không nhiều nhưng cũng giúp Hoàng Nga có động lực tiết kiệm và cảm thấy an toàn hơn.

"Mình không phải là một người nhạy về đầu tư, khá sợ rủi ro nên đối với mình cách tiền đẻ ra tiền hiệu quả nhất chính là tiết kiệm. 17,6 triệu đồng không phải số tiền lớn nhưng cũng đủ để bản thân có thể chi trả cho một chuyến du lịch chưa kể đến vẫn giữ được khoản tiền gốc 40 triệu. Nếu mình không gửi tiết kiệm, chắc hẳn mình sẽ tiêu hết số tiền đó khá nhanh chóng. Mình nghĩ rằng với một người làm công ăn lương như mình, tích luỹ dần dần là cách tốt nhất để nhanh chóng đạt được tự do tài chính".

Được biết đến bây giờ, cô bạn đã có 3 sổ giấy tiết kiệm và 1 tài khoản tiết kiệm online, tổng trị giá khoảng 300 triệu đồng.

Làm nhiều công việc từ thời sinh viên

Nam Anh (24 tuổi, Hà Nội) đã bắt đầu đi làm thêm khi còn là sinh viên năm nhất trường kinh tế. Cậu bạn là học sinh chuyên Anh của 1 trường cấp 3 trọng điểm ở quê nhà nên đã nhận dạy thêm tiếng Anh. Khi đó, cậu bạn kiếm khoảng 120 nghìn đồng/2 tiếng nhờ dạy học, chủ yếu là dạy cho con của người quen bố mẹ. Sau đó, cậu bạn cũng làm thêm công việc dịch thuật. Dù thu nhập không cao, nhưng với một sinh viên không có nhu cầu chi tiêu, Nam Anh vẫn tiết kiệm được một khoản khá lớn.

Ba năm đầu học đại học, Nam Anh đã làm khá nhiều công việc nhờ vốn tiếng Anh của mình bao gồm dạy gia sư, viết content tiếng Anh, nhận việc theo dự án chẳng hạn như nghiên cứu thị trường nước ngoài,... Đến năm tư đại học, Nam Anh tập trung hoàn toàn vào việc phát triển tư duy về kiểm toán - ngành học cậu bạn theo đuổi.

Sau khi có công việc kiểm toán ổn định, Nam Anh có thêm nguồn thu nhập thụ động từ đầu tư. "Mình muốn nghỉ hưu sớm nên luôn hướng đến tự do tài chính ngay từ khi mới 18 tuổi. Nói theo cách người trẻ bây giờ chính là hòa mình vào vòng xoáy hối hả khi còn trẻ, kiếm tiền sau này ở tuổi trung niên thì tận hưởng cuộc sống. Bên cạnh đó, với mình đa dạng thu nhập cũng khiến mình cảm thấy an tâm hơn trong tài chính cá nhân. Mình hiếm khi bất an ngay cả trong thời điểm nền kinh tế biến động, thị trường lao động khó khăn như bây giờ".

Gửi tiết kiệm, làm nhiều công việc từ năm nhất đại học: Cách người trẻ hướng đến độc lập tài chính - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ - Pexels

Hiện tại, tổng thu nhập hàng tháng của Nam Anh rơi vào khoảng 24-28 triệu/tháng, đây là con số khá với một người trẻ mới 24 tuổi. Cậu bạn đặt mục tiêu sẽ đạt được mốc 35 triệu sau 2-3 năm, cũng như có nguồn thu nhập thụ động vững chắc hơn để không còn phụ thuộc quá nhiều vào công việc chính.

"Đó là mức thu nhập giúp mình sống khá thoải mái tại thời điểm hiện tại. Nhưng đổi lại, có những tháng mình không có thời gian nghỉ ngơi. Vì làm kiểm toán, có thời điểm mình còn phải thường xuyên di chuyển đi công tác. Nhận thêm 1 vài công việc ngoài cũng khiến quỹ thời gian rảnh của mình bị rút bớt đi khá nhiều".

Theo Nam Anh, hiện tại cậu bạn đang cố gắng học, phát triển kiến thức trong mảng đầu tư. Song với những bạn sợ rủi ro, có nguồn thu nhập thụ động từ tiền tiết kiệm cũng là một lựa chọn khá tốt. Ngoài công việc chính, có thêm 1 công việc phụ sẽ giúp bạn cảm thấy an tâm hơn trong tài chính.

Theo Tô Diệp

Trí thức trẻ

Trở lên trên