MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gửi tiết kiệm online: "Mốt", nhưng có an toàn?

18-09-2019 - 14:07 PM | Tài chính - ngân hàng

Tại Việt Nam, ngân hàng điện tử đang phát triển mạnh mẽ với nhiều sản phẩm được các tung ra thị trường, trong đó có sản phẩm tiết kiệm trực tuyến (online). Thay vì phải đến quầy giao dịch, khách hàng có thể thực hiện các thao tác từ mở sổ tiết kiệm, kiểm tra thông tin lãi suất, gửi tiền, tất toán,… trên các thiết bị điện tử có kết nối internet mọi lúc, mọi nơi.

Phổ biến, tiện lợi…

Dịch vụ tiết kiệm online đã được các ngân hàng triển khai từ năm 2009 nhằm phục vụ những cá nhân bận rộn. Với hình thức tiết kiệm trực tuyến này, người dùng chỉ cần thực hiện các thao tác đơn giản qua Internet banking, mobile banking của các ngân hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày để chuyển những khoản tiền nhàn rỗi, tích lũy từ tài khoản tiền gửi thanh toán sang tài khoản tiết kiệm. Khách hàng có thể tất toán sổ tiết kiệm bất cứ thời gian nào khi cần tiền mặt, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ.

Đồng thời khách hàng cũng có thể truy cập Internet banking, mobile banking để kiểm tra xem tài khoản tiết kiệm đã được ghi nhận vào hệ thống chưa, và kiểm tra số dư, tiền lãi bất cứ khi nào.

Gửi online sẽ giúp không chỉ khách hàng có nhiều tiện lợi mà còn giúp ngân hàng tiết giảm được thời gian, nhân sự trong ở phòng giao dịch. Vì vậy hầu hết các ngân hàng đều khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm online để mang lại lợi ích nhiều hơn cho cả hai bên.

…nhưng có an toàn?

Tuy nhiên, cũng còn khá nhiều người lo ngại về tính an toàn của hình thức gửi tiết kiệm này. Chẳng hạn như gửi tiết kiệm online thì không có sổ vật lý hay chứng từ làm "bằng chứng", làm sao biết được tiền gửi đang an toàn trong sổ tiết kiệm của mình...?

Về vấn đề này, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, gửi tiết kiệm trực tuyến thậm chí còn an toàn hơn cả gửi tiền tại quầy. Bởi lẽ lệnh giao dịch được thực hiện bởi chính khách hàng và nhân viên ngân hàng không thể can thiệp được. Hơn nữa, khi thực hiện giao dịch gửi tiền online, hệ thống của ngân hàng đã xác thực người dùng nhiều lớp và gửi thông tin xác thực cho khách hàng qua tin nhắn điện thoại, qua email, token hoặc nhận diện bằng vân tay, khuôn mặt... Thông tin xác thực này không thể giả mạo được và không hề có sự can thiệp của con người, mà tự sinh từ hệ thống và được lưu vết trên hệ thống.

Các chuyên gia cũng cho rằng, người dùng dịch vụ tiền gửi oline không cần lo lắng về tính pháp lý. Bởi những thông tin xác thực cho khách hàng qua tin nhắn điện thoại, qua email... được xem là những chứng từ điện tử hợp lệ và có giá trị pháp lý đối với hình thức gửi tiền trực tuyến.

Để người dùng thực sự tin tưởng, các ngân hàng đều có những giải pháp trong vấn đề bảo mật và an toàn đối với dịch vụ gửi tiết kiệm online. Khi có bất kì một biến động nào liên quan đến tài khoản gửi tiết kiệm, ngay lập tức hệ thống của các ngân hàng sẽ gửi tin nhắn thông báo về số điện thoại khách hàng đăng kí.

Chẳng hạn như giao dịch gửi tiền online tại Vietcombank, VIB, VPBank, Techcombank hiện nay, khách hàng sẽ được chứng thực bằng biên lai xác nhận giao dịch gửi tiền có kỳ hạn gửi vào hòm thư điện tử của khách hàng. Trên tài khoản, ngân hàng cũng có danh mục riêng cho các giao dịch online để khách hàng theo dõi xem tiền đã vào hệ thống hay chưa. Khi tất toán sổ tiết kiệm khách hàng cũng phải nhập mã OTP bằng tin nhắn hoặc mã sinh ra từ Smart OTP – là phương thức bảo mật an toàn cao hơn so với tin nhắn do được sinh ra duy nhất cho từng giao dịch.

Hay mới đây, SCB là ngân hàng tiên phong trong việc cho phép khách hàng gửi tiết kiệm online qua email khách hàng và tra cứu thông tin bằng cách quét mã QR trên sổ online. Ngân hàng cũng điều chỉnh giao diện màn hình eBanking, giúp khách hàng chủ động lựa chọn tính năng nhận sổ tiết kiệm online qua email bất kỳ lúc nào.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các ngân hàng, để tuyệt đối an toàn khi giao dịch trực tuyến thì khách hàng cần bảo quản điện thoại di động, email và các mật khẩu đăng nhập một cách chặt chẽ. Trường hợp thất lạc điện thoại hay bị rò rỉ thông tin..., cần thực hiện thay đổi hoặc báo ngân hàng khẩn cấp.

Mẹo gửi tiết kiệm để hưởng lãi cao nhất

Với những người thu nhập thấp, không sẵn khoản tiền lớn thì gửi góp trực tuyến là cách để tích cóp tiền khá phù hợp cho kế hoạch chi tiêu.

Đồng thời tiết kiệm online cũng đang là lựa chọn của nhiều bạn trẻ bởi rất phù hợp với những người không có sẵn khoản tiền tiết kiệm lớn nhưng lại có thu nhập ổn định hàng tháng. Đây là cách giúp người dùng dễ dàng tích cóp tiền hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm cho những kế hoạch chi tiêu như tiền học, tiền mua xe hay xây sửa nhà cửa...

Nắm bắt nhu cầu này, hiện nay, rất nhiều ngân hàng đã cung cấp khá đa dạng các hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến với mức lãi suất hấp dẫn, cao hơn hẳn so với gửi tiết kiệm tại quầy, phổ biến từ 0,1 – 0,3%, thậm chí có nơi lên 0,4 – 0,5%. Theo lý giải của các ngân hàng, việc điều chỉnh lãi suất online cao hơn do ngân hàng không phải mất chi phí vận hành ở quầy giao dịch.

Và với sự chênh lệch này, nhiều ngân hàng đã niêm yết lãi suất tiền gửi online lên tới 8%-8,7%/năm. Chẳng hạn như Eximbank niêm yết mức lãi suất là 8,5%/năm cho kỳ hạn 24-36 tháng; Nam Á Bank niêm yết mức lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 8,7% cho kỳ hạn 36 tháng; VIB có mức lãi suất dao động từ 7,5% đến 8%/năm cho kỳ hạn 18-36 tháng tùy theo số tiền gửi hay SCB có lãi suất bậc thang theo kỳ hạn và số tiền gửi với lãi suất là 8,76%/năm.

Phương Nam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên