MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạ lãi suất: Cần thêm thời gian để kiểm chứng tác động

18-07-2017 - 08:31 AM | Tài chính - ngân hàng

Rất nhiều ngân hàng vẫn đang nặng gánh với nợ xấu, vì thế bất kỳ sự nôn nóng nào trong tăng trưởng tín dụng dẫn đến sự suy giảm trong chất lượng tài sản cũng cần được NHNN theo dõi chặt và kiểm soát kịp thời.

Ngay sau thông báo của NHNN về việc giảm lãi suất điều hành thêm 0,25% và yêu cầu các ngân hàng giảm 0,5% lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực, đối tượng, các ngân hàng đã nhanh chóng nhập cuộc.

Điển hình ở khối NHTM cổ phần là SHB, VPBank, LienVietPostBank... Ngay sau đó, các NHTM gốc quốc doanh như Vietcombank, BIDV, Vietinbank cũng ra thông báo sẽ điều chỉnh giảm 0,5% lãi suất, tối đa chỉ còn 6,5% đối với 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp - nông thôn; công nghiệp hỗ trợ; kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cụ thể, SHB giảm lãi suất của các khoản vay ngắn hạn Việt Nam đồng về mức tối đa 6,5%/năm đối với các khách hàng đang hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên. VPBank công bố áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các doanh nghiệp giảm từ 0,5% đến 1%, tùy lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp. LienVietPostBank giảm 0,25% lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành nghề ưu tiên tối đa là 6%/năm. Sacombank triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 6,5%/năm trong suốt thời hạn vay.

Các ngân hàng lớn là Vietcombank, Vietinbank, Agribank cũng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND về mức tối đa 6,5%/năm đối với nhu cầu vốn thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), dù việc giảm lãi suất mới chỉ đang giới hạn ở các lĩnh vực ưu tiên, chưa lan ra trên diện rộng nhưng đây vẫn là tín hiệu tích cực cần ghi nhận. Việc các ngân hàng chủ động giảm lãi suất còn giúp chính các ngân hàng khơi thông dòng vốn tín dụng tốt hơn, tiếp đó là góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Quyết định giảm các loại lãi suất điều hành của NHNN ngày 7/7/2017 vừa qua được đánh giá là sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng GDP. Trong hai quý đầu năm, mặt bằng lãi suất huy động khá ổn định: kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến ở mức 4,8%-5,4%/năm; kỳ hạn 6-12 tháng phổ biến từ 5,6%- 7%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 7%-7,6%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến khoảng 6%-9%/năm, trung và dài hạn từ 9%-11%/năm. Riêng đối với khách hàng có xếp hạng tín dụng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn thậm chí chỉ từ 4%-5%/năm. Sau khi NHNN hạ các loại lãi suất điều hành, các NHTM có thể sẽ tiếp cận được nguồn vốn với chi phí đầu vào rẻ hơn, đặc biệt liên quan đến các hồ sơ xin tái cấp vốn từ NHNN có đảm bảo bằng trái phiếu VAMC của các NHTM.

Về lý thuyết, nếu nguồn cung vốn được truyền dẫn tốt sẽ có tác động hỗ trợ giúp giảm mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường. BVSC cho rằng dù mức độ giảm các mức lãi suất như trên còn khiêm tốn, và hiệu ứng thực tế đối với thị trường cần thêm thời gian để kiểm chứng, nhưng thông điệp của nhà điều hành về nới lỏng thêm chính sách tiền tệ nhằm giảm lãi suất cho vay là khá rõ nét qua quyết định trên.

Qua việc giảm đồng loạt các loại lãi suất điều hành ngày 7/7/2017 vừa qua, thông điệp của NHNN về nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất cho vay là khá rõ nét.

Tuy vậy, BVSC cho rằng mọi sự nới lỏng luôn cần phải đi kèm với sự thận trọng. Cả hệ thống mới chỉ đang hồi phục bước đầu, rất nhiều ngân hàng vẫn đang nặng gánh với nợ xấu. Vì thế, bất kỳ sự nôn nóng nào trong tăng trưởng tín dụng dẫn đến sự suy giảm trong chất lượng tài sản cũng cần được NHNN theo dõi chặt và kiểm soát kịp thời.

Theo Ngân Giang

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên