MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Hạ nhiệt” giá xăng, dầu: Có thể cân nhắc giảm thuế nhập khẩu

Bộ Tài chính đã có những giải thích xoay quanh việc giảm thuế để "hạ nhiệt" giá xăng, dầu - Ảnh minh họa

Bộ Tài chính đã có những giải thích xoay quanh việc giảm thuế để "hạ nhiệt" giá xăng, dầu - Ảnh minh họa

Bên cạnh thuế tiêu thụ đặc biệt được dư luận liên tục đề xuất thời gian qua, để “hạ nhiệt” giá xăng, dầu, chuyên gia cũng cho rằng, có thể cân nhắc giảm thuế nhập khẩu ở mức phù hợp…

Xoay quanh câu chuyện giá xăng, dầu , trước những đề xuất của dư luận và các chuyên gia về việc cân nhắc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế GTGT… song song với giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT), mới đây, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật thuế TTĐB thì chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng, không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.

Theo Bộ Tài chính, Luật thuế TTĐB không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Và tại Việt Nam, Luật thuế TTĐB đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1999. Quy định này là phù hợp với mục tiêu thu thuế TTĐB và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Mặt khác, hiện nay chỉ có mặt hàng xăng là chịu thuế TTĐB, do đó nếu thực hiện giảm thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng thì chưa thực sự hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu của việc giảm thuế là hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kiềm chế lạm phát vì dầu mới là mặt hàng chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cũng theo Bộ Tài chính, trường hợp điều chỉnh mức thuế TTĐB đối với xăng thì phải thực hiện điều chỉnh mức thuế TTĐB tương ứng đối với xăng E5 và xăng E10 cho phù hợp. Về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế TTĐB thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay, trong khi giá xăng dầu có những thời điểm biến động nhanh, thời gian ngắn, nên sẽ có độ trễ nhất định.

Từ những lý do nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị trước mắt không thực hiện điều chỉnh giảm thuế TTĐB đối với xăng. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu trên thế giới và sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội phương án giảm thuế TTĐB đối với xăng cho phù hợp, dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng, biến động khó lường, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu mà cần tiếp tục giảm thuế đối với mặt hàng xăng để góp phần kiềm chế lạm phát.

“Hạ nhiệt” giá xăng, dầu: Có thể cân nhắc giảm thuế nhập khẩu - Ảnh 1.

Chuyên gia cho rằng, có thể cân nhắc giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng, dầu - Ảnh minh họa

Đối với thuế GTGT, Bộ Tài chính đề nghị trước mắt không thực hiện điều chỉnh giảm thuế GTGT đối với xăng, dầu. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục theo dõi diễn biến giá xăng dầu trên thế giới và sẽ trình Chính phủ để trình Quốc hội phương án giảm thuế GTGT đối với xăng, dầu cho phù hợp, dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng, biến động khó lường, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu mà cần tiếp tục giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu để góp phần kiềm chế lạm phát.

Mặc dù Bộ Tài chính đã có những phản hồi kịp thời trước dư luận, tuy nhiên, việc giá xăng, dầu tăng liên tục thời gian qua không những khiến người dân, doanh nghiệp phải chịu thêm gánh nặng chi phí, mà bản thân các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng gặp không ít khó khăn.

Thông tin với báo chí, một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết, cách tính thuế trên giá xăng dầu hiện nay là “thuế chồng thuế” rất bất cập, làm cho giá càng tăng cao.

Cụ thể, vị này phân tích, giá xăng dầu nhập vào bị đánh thuế nhập khẩu 8%, thành tiền bao nhiêu lại tính thuế TTĐB thêm 10%. Thuế GTGT cũng được tính thêm 8 - 10% trên cơ sở tổng các loại thuế, phí của giá bán lẻ xăng, dầu. Dẫn tới việc lẽ ra mức thuế trên mỗi lít xăng sẽ phải chịu khoảng 28%, thì với cách tính như đã nêu, tỷ lệ thuế/giá xăng chiếm trên 30%.

Thực tế, trong cơ cấu tính giá xăng hiện đang có 4 loại thuế, trong đó thuế GTGT (VAT), thuế nhập khẩu, thuế TTĐB được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá đầu vào. Vì vậy, với cách tính thuế này, giá xăng, dầu càng tăng cao thì thuế thu được càng nhiều. Và minh chứng rõ nhất có thể thấy, thu ngân sách trong 5 tháng đầu năm rất ấn tượng, tăng tới 18,7% so với cùng kỳ và thặng dư lớn.

Trước vấn đề đã nêu, một số chuyên gia cho rằng, trong khi người dân, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ giá xăng, dầu, các cơ quan quản lý nên có sự đánh giá, rà soát lại kỹ lưỡng về các sắc thuế được tính trên giá xăng, dầu, cân đối cho phù hợp, để giảm “sốc” cho người dân, doanh nghiệp.

Góp ý dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn của Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ hơn phương án cắt giảm thuế nhập khẩu hoặc thuyết minh chi tiết hơn lý do không lựa chọn phương án này.

Bởi theo VCCI, Tờ trình có đề cập đến các cam kết của Việt Nam trong các FTA, tuy nhiên, theo rà soát, đây là các cam kết mức thuế nhập khẩu tối đa mà Việt Nam được phép áp dụng. Theo đó, các FTA này vẫn cho phép Việt Nam hạ thuế nhập khẩu thấp hơn và tăng trở lại mức cam kết khi cần thiết.

Không chỉ VCCI, mới đây, thông tin với báo chí, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, trong điều kiện đặc thù thì phải đánh đổi một chút. Để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chấp nhận giảm thuế là cần thiết.

Theo ông Lâm, với thuế BVMT, theo thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ được quyền quyết định giảm thêm 1.000 đồng/lít với xăng. Muốn hơn phải sửa luật, nên chỉ phát huy được phần nào vai trò bình ổn giá. Ông khuyến nghị, với thuế nhập khẩu xăng dầu, việc giảm thuế này thuộc thẩm quyền Chính phủ nên có thể cân nhắc, tính toán trên cơ sở các hiệp định quốc tế và thực tế để sửa ở mức phù hợp.

Theo Gia Nguyễn

Diễn đàn Doanh nghiệp

Trở lên trên