MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội: 10 ngày 5 bệnh nhân mắc bệnh "sốt lạ" có thể biến chứng nguy hiểm cho gan

13-10-2018 - 16:25 PM | Sống

Theo bác sĩ Hách trong 10 ngày gần đây, khoa Khám bệnh chuyên ngành đã tiếp nhận 5 ca bệnh bị sốt rét tới điều trị. Cả 5 bệnh nhân này đều mắc sốt rét ngoại lai (mắc từ vùng khác).

Sốt cao khi nóng khi lạnh cảnh giác với sốt rét

Bệnh nhân Đ.V.Ph (Ân Thi, Hưng Yên) cách đây nửa tháng có vào Đắk Lắk chơi ở nhà một người quen. Tại đây, ông Ph có đi rừng chơi, ngày hôm sau thấy người mệt và sốt. Ban đầu ông Ph chỉ nghĩ bị cảm lạnh, được người nhà đánh gió nhưng không đỡ.

Tới ngày thứ 5, ông Ph cảm thấy mắt tối sầm, da chuyển sang màu vàng, rét run và sốt cao. Sau đó, ông Ph có uống thuốc cảm cúm và về ngoài Bắc.

Khi về Hưng Yên bệnh nhân vẫn tiếp tục bị sốt, đã điều trị tại bệnh viện tỉnh 10 ngày không đỡ. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Viện sốt rét ký sinh trùng để điều trị. Bệnh nhân Ph vào viện trong tình trạng suy kiệt, hồng cầu xuống thấp.

Hà Nội: 10 ngày 5 bệnh nhân mắc bệnh sốt lạ có thể biến chứng nguy hiểm cho gan - Ảnh 1.

Anh C. sau khi đi Cameroon về 10 ngày bị sốt cao.

Còn trường hợp bệnh nhân N.V.C (An Dương, Hải Phòng) cũng vào khoa khám bệnh chuyên ngành trong tình trạng sốt khi nóng khi lạnh. Trước đó, bệnh nhân đã đi lao động tại Cameroon (Châu Phi) về 10 ngày sau bị sốt.

Bác sĩ Phùng Xuân Hách, khoa Điều trị chuyên ngành, Viện sốt rét ký sinh trùng Trung ương cho biết kết quả khám của cả hai bệnh nhân Ph và C đều dương tính với sốt rét. Riêng bệnh nhân Ph hồng cầu xuống rất thấp bệnh nhân nếu không được điều trị kịp thời có thể tử vong.

Theo bác sĩ Hách trong 10 ngày gần đây, khoa Khám bệnh chuyên ngành đã tiếp nhận 5 ca bệnh bị sốt rét tới điều trị. Cả 5 bệnh nhân này đều mắc sốt rét ngoại lai (mắc từ vùng khác).

Do bệnh nhân mắc bệnh ngoại lai nên nguy cơ lây lan bệnh là không có vì không có véc tơ (muỗi) truyền bệnh. Nhưng bệnh nhân có thể là nguồn lây bệnh khi đi chơi hoặc tới các vùng có muỗi sốt rét sinh sống (vùng núi).

Biến chứng nguy hiểm cho gan và lá lách

Th.BS Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Điều trị chuyên ngành (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho hay những trường hợp bị sốt rét nhập điều trị tại khoa gần đây đều đã từng đi tới vùng có bệnh sốt rét lưu hành.

Trong đó, có bệnh nhân đi chơi, đi xuất khẩu lao động và đi du lịch. Bệnh nhân bị sốt rét được điều trị khi kết quả âm tính sẽ được cho xuất viện. Tuy nhiên, có một số bệnh nhân điều trị khỏi sau đó lại bị tái sốt vì đã bị nhiễm 2 chủng sốt rét cùng một lúc.

Triệu chứng điển hình khi mắc sốt rét bệnh nhân sẽ qua 3 giai đoạn (rét run, sốt, vã mồ hôi. Một số trường hợp triệu chứng không điển hình sốt không thành cơn, hay ớn lạnh, rét nổi da gà.

"Biến chứng sốt rét thường xảy ra ở gan, lá lách và một số cơ quan khác. Khi bị sốt rét sẽ gây phá hủy hồng cầu, bệnh nhân có sẽ biểu hiệu thiếu máu. Có những trường hợp bệnh nhân sốt đi sốt lại nhiều lần có hiện tượng tăng sinh bạch cầu gan và lá lách to ra", bác sĩ Thọ nói.

Bệnh nhân sốt rét có thể gặp biến chứng viêm gan mãn tính khi mà thành phần protid toàn phần trong máu giảm, albumin huyết thanh giảm, globulin tăng, cholesterol giảm…

Sốt rét lây truyền qua vật trung gian là muỗi, muỗi mang mầm bệnh đốt người lành. Một số trường hợp hiếm gặp mẹ truyền sang con qua nhau thai bị tổn thương. Ngoài ra, bệnh có thể lây qua đường máu dùng chung bơm tim tiêm hoặc truyền máu có nhiễm ký sinh trùng sốt rét.

Chuyên gia khuyến cao để phòng bệnh sốt rét khi đi tới những vùng núi, rừng cần phải mặc áo dài tay, đi ngủ bỏ màn, thoa kem chống muỗi. Sau khi, đi tới các vùng núi về nếu có triệu chứng sốt cao đột ngộ cần phải đi khám.

Theo Ngọc Minh

Trí thức trẻ

Trở lên trên