Hà Nội: Cần xử lý nghiêm tình trạng xây dựng trái phép
Vấn đề quản lý, sử dụng đất đai thời gian qua luôn là chủ đề nóng khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Người dân trên địa bàn TP. Hà Nội phản ánh nhiều về tình trạng vi phạm đất đai, xây dựng trên địa bàn một số quận, huyện.
Trong thời gian qua, tình trạng xây dựng trái phép ở quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) diễn ra tại nhiều nơi, với quy mô lớn đã làm ảnh hưởng đến quy hoạch và mục đích sử dụng đất nông nghiệp gây bức xúc trong dư luận. Điều này, đòi hỏi các cấp chính quyền quận Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội) phải xử lý nghiêm và có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Vẫn còn tình trạng xây dựng lấn chiếm, cơi nới không phép xảy ra ở một số quận, huyện trên địa bàn TP (Ảnh: PV)
Vấn đề quản lý, sử dụng đất đai thời gian qua luôn là chủ đề nóng khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Người dân trên địa bàn TP. Hà Nội phản ánh nhiều về tình trạng vi phạm đất đai, xây dựng trên địa bàn một số quận, huyện. Có những vi phạm kéo dài qua các thời kỳ và đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm, thậm chí còn phình to hơn. Cũng có trường hợp chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, khiến hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp, lâm nghiệp bị chuyển đổi, xây dựng trái phép và sử dụng sai mục đích tại một số địa phương như: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất…
Theo ghi nhận thực tế, nhiều trường hợp vi phạm mới về đất đai, xây dựng phát sinh, điều này đặt ra dấu hỏi về việc các địa phương chấp hành theo chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố. Khảo sát qua địa bàn một số quận, huyện không khó để ghi nhận tình trạng này tái diễn và chưa được xử lý dứt điểm.
Sử dụng trái phép mặt bằng, tiềm ần nguy cơ cháy nổ cao…
Đã từ lâu, dọc 2 bên tuyến đường Phạm Hùng, từ phía làng Đình Thôn sang đối diện dự án Công viên và Hồ điều hòa CV1, la liệt các kiot, nhà xưởng ngang nhiên lấn chiếm mặt bằng, sử dụng đất sai mục đích chưa được xử lý, tháo dỡ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quy hoạch của tuyến phố đô thị.
Không chỉ ngang nhiên xây dựng "lộ thiên" ngay mặt đường của tuyến đường chính Phạm Hùng, các nhà xưởng trái phép còn nằm san sát nhau, cạnh cổng làng Đình Thôn, trải dài về 2 phía, kinh doanh tự do đa dạng các ngành nghề như: salon, showroom ô tô, cửa hàng ăn uống, cửa hàng quần áo, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng…
Đã có văn bản thông báo của chính quyền địa phương mà việc khắc phục, triển khai trong thực tế vẫn chậm trễ (Ảnh: PV)
Đơn cử như, tại khu vực Vườn Cam chỉ nằm cách UBND phường Phú Đô chưa đầy 100m, nhưng hàng loạt nhà xưởng nằm san sát nhau, mọc lên trải dài hàng trăm mét mặt đường. Kèm theo đó là hệ thống phòng cháy chữa cháy không được đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ bất cứ lúc nào. Rồi tại đường Vũ Quỳnh, tiếp nối với đường Vườn Cam, một phần con đường này thuộc phường Phú Đô cũng bị băm nát, các nhà xưởng thu mua đồng nát cũng được dựng mới tại đây, nhiều nhà hàng và các gara ô tô được kiên cố bằng bê tông hoá khiến cho con đường này xuống cấp, ngày một nhếch nhác.
Có mặt tại khu vực đường Mễ Trì (P. Mễ Trì, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), phóng viên ghi nhận một số công trình mọc trái phép, nhấp nhô các khu kinh doanh mới tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Trong đó, người dân cho rằng bức xúc nhất là: Nhà hàng Ngân Sơn (do Công ty TNHH Ngân Dung quản lý), cửa hàng nội thất ôtô (do ông Hậu quản lý), cửa hàng Bún chả gia truyền Bình Minh (do ông Nguyễn Hữu Tiệp quản lý)... ngang nhiên xây dựng trái phép trên diện tích hàng ngàn mét vuông, kinh doanh “hốt bạc” trong sự bất bình của người dân.
Được biết, ngày 26/08/2019, UBND phường Mễ Trì đã ra thông báo số: 1378/TB-UBND về việc tháo dỡ, di chuyển tài sản trên đất nằm trong chỉ giới GPMB thực hiện dự án Nhà ở thương mại Mễ Trì. Theo thông báo này, các công trình phải di dời trước ngày 15/9/2019.
Dù đã được thông báo chi tiết nhưng suốt từ thời điểm 9/2019 đến nay, hơn 1.000 m2 đất nông nghiệp này vẫn bị người khác chiếm dụng tự ý sang tay, xây dựng nhà hàng kiên cố, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, khiến cho công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng dự án trở nên khó khăn. Sự việc trên đã được người dân phường Mễ Trì phản ánh nhiều lần đến Chính quyền địa phương nhưng không hề thay đổi được gì, dù khu vực này cách UBND phường Mễ Trì không xa.
Cần thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14 ngày 25/8/2022
UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng cần nhanh chóng vào cuộc xử lý dứt điểm thực trạng vi phạm trên địa bàn Nam Từ Liêm (Ảnh: PV)
Trước đó, ngày 25/8/2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 14 về việc tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã đưa vào hoạt động và các công trình xây dựng không phép, trái phép trên địa bàn.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã trong việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép (đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất) và các công trình có vi phạm về trật tự xây dựng chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn.
Nội dung Chỉ thị 14 cũng đã chỉ ra, một trong những nguyên nhân tồn tại vấn đề vi phạm đó là vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị chưa quyết liệt, thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu buông lỏng quản lý. Thực tế cho thấy, trong việc xử lý các vi phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn quận, huyện Hà Nội thời gian qua, nhiều vụ việc còn kéo dài, chưa dứt điểm nên không tạo được sức răn đe.
Theo các chuyên gia pháp lý, UBND Thành phố cần rà soát kỹ số vụ việc vi phạm, gắn trách nhiệm đối với từng cá nhân để xử lý kiên quyết, dứt điểm các vụ việc vi phạm, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, qua đó phát huy vai trò giám sát của người dân, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm ngay từ khi phát sinh để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.
Thực trạng trên đòi hỏi UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng nhanh chóng vào cuộc xử lý dứt điểm, nhất là với các điểm nóng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm./.
Đảng Cộng Sản