Hà Nội chi 29 tỷ đồng để nạo vét, cải tạo hồ Hoàn Kiếm
Việc nạo vét cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm thực hiện từ 1/2/2017 đến 7/2/2018, tổng kinh phí dự kiến 29 tỷ đồng.
- 25-11-2017Ảnh: Công nhân ngâm mình trong nước lạnh dồn cá trước khi nạo vét Hồ Gươm
- 21-11-2017Hà Nội chi 30 tỷ đồng làm sạch Hồ Gươm
- 18-09-2017Phố đi bộ Hồ Gươm sôi động trong 2 ngày cuối tuần với lễ hội Carnival lần đầu tiên
Chiều 28/11, tại cuộc giao ban thông tin báo chí Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội), ông Võ Tiến Hùng - Chủ tịch - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội, cho biết phương án nạo vét cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm hoàn thành trước Tết Mậu Tuất, từ 1/2/2017 đến 7/2/2018. Tổng kinh phí dự kiến 29 tỷ đồng.
Hồ Hoàn Kiếm - viên ngọc xanh giữa trung tâm Thủ đô.
Theo ông Hùng trước khi thi công nao vét, Tiểu đoàn 554 Bộ Tư lệnh Thủ đô tiến hành rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh dưới lòng hồ, thời gian xử lý 20 ngày.
Hệ sinh thái thuỷ vực hồ Hoàn Kiếm có 59 loài vi tảo, vi khuẩn lam chiếm ưu thế với 23 loài. Không thấy loài vi tảo đặc hữu hay quý hiếm. Các loài cá tự nhiên không còn tồn tại. Các loài động vật đáy sống tập trung ở chân kè đền Ngọc Sơn. Trong hồ hiện chỉ có các loài cá nhỏ, cá do người dân phóng sinh chủ yếu.
Chỉ số đa dạng cho thấy đa dạng sinh học của hệ sinh thái của hồ Hoàn Kiếm thuộc loại nghèo.
Đánh giá chung, hiện không gặp những loài sinh vật đặc hữu, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trong sách đỏ. Đối với hệ vi tảo, tiến hành thu mẫu và thực hiện công tác định loại. Bên cạnh việc xác định theo hình thái lựa chọn, cần xác định ADN một số tảo lục đặc hữu (tảo lục) nếu có xác định được và tiến hành lưu trữ nguồn gen. Sau khi cải tạo sẽ thiết lập môi trường thuỷ hoá phù hợp với các loài tảo lục đơn bào sẽ giúp loài tảo này phát triển, trả lại màu xanh của nước hồ Hoàn Kiếm.
Phương án hạn chế ảnh hưởng đến hệ sinh thái là phân vùng nạo vét. Thực hiện biện pháp khoanh vùng nhỏ trong quá trình vét bùn đáy. Dùng lưới quây dồn hệ thuỷ sinh vào vị trí riêng xa khu vực thi công. Lưới để dồn hệ thuỷ sinh bao gồm lưới quây và lưới kéo. Quá trình thi công, chia lòng hồ thành 3 vùng thi công, căng lưới, dồn thuỷ sinh để bảo tồn hệ thuỷ sinh trong hồ.
Theo phương án thi công, tiến hành khoan giếng, sâu 70m, công suất 360m3/ngày/đêm để bổ cập nước cho hồ, tại khu vực phố Hàng Khay. Nước ngầm sẽ được xử lý theo công nghê của Đức. Bể ngầm được xây thiết kế thông thuỷ, trong bể lắp đặt giếng khoan, hệ thống lọc, thu gom nước. Bề mặt trồng cỏ, vị trí lỗ thông khí được bố trí chậu hoa, tạo cảnh quan.
Dự kiến, thực hiện nạo vét khối lượng khoảng 57.400m3. Nạo vét toàn bộ lòng hồ đến cao độ + 5,6m để tránh sạt lở kè quanh hồ, kè Tháp Rùa, kè Đền Ngọc Sơn. Phạm vi nạo vét cách mép chân kè các công trình trên 7m. Thanh thải phế thải trong phạm vi từ mép chân kè ra ngoài 7m, thanh thải toàn bộ rác, các loại phế thải.
Ông Hùng cho biết, quá trình thi công dự án từ 21h tối đến 5h sáng hôm sau (riêng thứ sáu đến chủ nhật từ 24h), việc thi công đảm bảo không ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng của người dân và du khách, vào buổi sáng sau khi thi công sẽ dọn vệ sinh công nghiệp. “Biện pháp thi công bằng máy xúc bùn lên phễu chứa máy bơm bùn, công suất khoảng 60m3/h để bơm bùn lên xe téc bùn qua hệ thống ống dẫn bùn. Sử dụng 2 dây chuyền, thi công song song từ hướng Nam lên hướng Bắc”.
Về câu hỏi nạo vét, bổ sung nước hồ Hoàn Kiếm có giữ được màu xanh nguyên thủy của hồ hay không, lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội, cho biết, hiện nay hồ Hoàn Kiếm có thể lội đi được có chỗ chỉ sâu 50cm-60cm. Màu xanh lục của hồ không còn nữa mà chuyển sang màu nâu và đục. Mẫu nước kiểm tra cho thấy nước trong hồ vượt ngưỡng chỉ tiêu cho phép, đặc biệt môi trường a xít pH lớn hơn 10 lần.
Phân tích cho thấy hồ ô nhiễm tảo độc chiếm 95%, tảo lục chỉ còn 5%, do môi trường ô nhiễm độ pH cao đã ảnh hưởng đến việc phát triển của loài tảo này.
Ông Hùng cho biết, các nhà khoa học tham gia đánh giá tác động môi trường hồ Hoàn Kiếm là những chuyên gia hàng đầu như Giáo sư Dương Đức Tiến (chuyên gia đầu ngành về tảo), Giáo sư Mai Thùy Liên (chuyên gia về thủy sinh vật - Đại học quốc gia Hà Nội), Giáo sư Hà Đình Đức (chuyên gia nghiên cứu về hồ Hoàn Kiếm), Giáo sư Đào Kim Chi (Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) Nguyễn Thị Lý (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường Hà Nội)…
Ông Hùng nhấn mạnh, phương án thi công được Hà Nội làm thận trọng và chặt chẽ, lấy ý kiến của các nhà khoa học và người dân xung quanh.
Theo ông Hùng việc bổ cập nước cho hồ là cần thiết để trao đổi nước và phải làm từ từ để không ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Nguồn nước vào hồ thiếu, vào 6 tháng mùa khô hồ mất nước do bốc hơi khoảng gần 50 cm nước.
Chế phẩm xử lý nước hồ là Redoxy 3C được thử nghiệm 14 tháng, đánh giá tốt, không có mùi, không làm ảnh hưởng sinh thái hồ. Chế phẩm này đã thử nghiệm 85 hồ nội thành, 37 hồ ngoại thành, được người dân quanh hồ đánh giá chất lượng nước hồ cải thiện rõ rệt. Mục đích đặt ra với hồ Hoàn Kiếm sau khi xử lý sẽ giữ được màu xanh trong của nước hồ và tảo đặc hữu trong hồ.
“Hồ Ba Mẫu trước đây nhiều nhà không chịu nổi mùi hôi ô nhiễm phải bán nhà đi nay quay lại thấy hồ không còn ô nhiễm thấy tiếc nuối nhiều. Bằng trình độ hiểu biết cũng như việc kết hợp mời các chuyên gia đầu ngành tham gia bảo tồn tảo lục trong hồ Hoàn Kiếm để cố gắng hết sức giữ được nước hồ xanh trong”, ông Hùng cam kết./.
VOV