Hà Nội chính thức mở rộng không gian đi bộ trong phố cổ
Tối 25/12, lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tiến hành rào chắn một số tuyến phố, thiết lập không gian đi bộ mở rộng hơn so với trước.
Như thông tin đã đưa, quận Hoàn Kiếm quyết định thực hiện mở rộng không gian phố đi bộ từ tối 25/12. Phạm vi mở rộng gồm các tuyến phố Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, Hàng Bạc, Đào Duy Từ (đoạn từ Chợ Gạo đến Ô Quan Chưởng), Ô Quan Chưởng (gồm phố Ô Quan Chưởng và khu vực ngã tư Hàng Chiếu – Thanh Hà), ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên, ngõ Phất Lộc.
Thời gian hoạt động như tuyến phố đi bộ khu phố cổ Hà Nội. Cụ thể, hoạt động 3 tối cuối tuần (thứ Sáu, thứ Bẩy, Chủ nhật). Mùa hè từ 19h đến 24h. Mùa đông từ 18h đến 24h. Thời điểm triển khai từ tháng 12/2020.
Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng 19h hôm nay (25/12), lực lượng chức năng tiến hành rào chắn nhiều tuyến phố, ngăn xe cộ đi vào để thiết lập không gian đi bộ. Cụ thể, tại đầu phố Hàng Mắm nối với phố Hàng Bạc, lực lượng chức năng dựng rào chắn ngay khu vực giao với phố Nguyễn Hữu Huân. Nhiều phương tiện được hướng dẫn đi theo đường khác để vào nhà nằm trong khu vực phố cổ.
Trong khi đó, tại các phố Hàng Bạc, Cầu Gỗ, Đinh Liệt, Gia Ngư, lực lượng chức năng cũng tiến hành phân luồng, điều tiết giao thông, chặn một số khu vực để thiết lập không gian đi bộ. Đến khoảng 20h, về cơ bản, các tuyến phố diện mở rộng không gian đi bộ không còn các phương tiện đi lại.
Theo quan sát, một số hộ dân sống trong khu vực phố cổ chưa quen với việc rào chắn tuyến phố họ vẫn hay qua lại. Nhiều người khá bất ngờ khi bị dừng xe, yêu cầu đi theo đường khác. Một số hộ buôn bán bày tỏ lo lắng, khi việc rào chắn các tuyến phố có thể khiến họ gặp khó khăn trong kinh doanh.
Tuy nhiên, một số hộ dân khác lại khá hào hứng, cho rằng đây là cơ hội để phát triển kinh tế, kích cầu du lịch, tiêu dùng…
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, việc mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ Hà Nội kết nối với phía Bắc không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận tạo thành một chỉnh thể để bổ trợ chức năng hoàn chỉnh, cộng hưởng giá trị, tạo ra sự gắn kết giữa 2 không gian đi bộ sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách đến thăm quan, thưởng ngoạn, du lịch văn hóa và mua sắm, ẩm thực, qua đó phát huy hết tiềm năng, giá trị văn hóa lịch sử của khu phố cổ Hà Nội, khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; phù hợp với lộ trình từng bước mở rộng không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm theo chủ trương của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội.
Tiền Phong