Hà Nội còn 19 điểm ngập úng khi mưa lớn
Thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch đảm bảo thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành năm 2024. Thành phố Hà Nội yêu cầu các sở ngành, đơn vị có liên quan cần có giải pháp, kịch bản ứng phó cụ thể với các trận mưa lớn.
- 04-08-2023Những nguyên nhân chính nào khiến Lâm Đồng liên tục sạt lở, ngập úng nghiêm trọng?
- 23-06-2023Đón mưa lớn kéo dài, Hà Nội có thể ngập úng diện rộng
- 23-12-2022Miền Bắc rét hanh kéo dài, Nam Bộ nguy cơ ngập úng
Kế hoạch số 138/KH-UBND của UBND thành nêu rõ, với các trận mưa có lượng mưa dưới 50mm/h : địa bàn các quận nội thành không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố.
Với các trận mưa có lượng mưa từ 50 - 70mm/h: tồn tại 11 điểm úng ngập . Còn những trận mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn, lượng mưa đến 100mm/h trở lên gây quá tải cho hệ thống thoát nước ghi nhận thêm 19 điểm úng ngập cục bộ và một số điểm ứ đọng nước do mặt đường trũng, thấp.
Từ thực tế này, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở ngành có liên quan, trong đó Sở Xây dựng chủ trì có các giải pháp thực hiện bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành trong mùa mưa năm 2024. “Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị quản lý, duy trì hệ thống thoát nước thực hiện các giải pháp”, kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội nêu rõ.
Một số giải pháp được UBND thành phố Hà Nội yêu cầu chú trọng triển khai, gồm: Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, xây dựng kịch bản với các tình huống cụ thể, thực hiện duy trì thường xuyên hệ thống cống, rãnh thoát nước, mương, sông, hồ điều hoà; Phối hợp chặt chẽ với Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc bộ trong việc tiếp nhận các bản tin cảnh báo về thời tiết nguy hiểm trên địa bàn Thành phố; kịp thời cập nhật, theo dõi tình hình thời tiết trên các trang dự báo...
Ngoài ra, UBND thành phố yêu cầu kiểm soát, thường xuyên giữ mực nước đệm trên hệ thống mương, sông, hồ điều hòa thoát nước; Nghiên cứu xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý GIS và cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia (bao gồm lĩnh vực thoát nước); Từng bước chuyển đổi số trong quy trình, nghiệp vụ quản lý, duy tu, bảo dưỡng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn Thành phố nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Tiền Phong