Hà Nội đã thực sự bị ô nhiễm không khí hay chưa?
VTV.vn - Theo GS-TS Hoàng Xuân Cơ, việc khẳng định chất lượng không khí ở một khu vực cụ thể nào đó không hề đơn giản.
- 03-09-2016Thủ tướng chỉ đạo TP.HCM làm rõ nguyên nhân ô nhiễm không khí
- 21-03-2016Báo nước ngoài lý giải vì sao Hà Nội ô nhiễm không khí kỉ lục
- 04-03-2016Ô nhiễm không khí ở Hà Nội lên mức nguy hại
Không khí ở Hà Nội có ô nhiễm không và đang ở ô nhiễm ở mức độ nào tiếp tục là chủ đề được đông đảo người dân quan tâm, đặc biệt trong những ngày qua có thông tin cho rằng, Hà Nội thuộc diện ô nhiễm nhất nhì thế giới.
Đưa ra nhận định về vấn đề này, GS-TS Hoàng Xuân Cơ, Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, người có rất nhiều năm nghiên cứu về môi trường cho rằng, việc đánh giá chất lượng không khí (CLKK) không phải dễ dàng, phải có cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học mới khẳng định được mức ô nhiễm không khí cho một khu vực cụ thể.
Hà Nội đã bị ô nhiễm không khí hay chưa?
Theo GS-TS Hoàng Xuân Cơ, nếu hỏi Hà Nội đã bị ô nhiễm không khí chưa thì đa số người được hỏi sẽ trả lời khẳng định Hà Nội đã bị ô nhiễm không khí (ÔNKK), thậm chí là ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, những nhà quản lý liên quan, những nhà khoa học chuyên ngành thì có vẻ thận trọng hơn vì phải dựa trên những quy định của luật pháp và phải có số liệu quan trắc đủ độ tin cậy, được xử lý khoa học mới đưa ra kết luận về thực trạng CLKK, ÔNKK. Có lẽ chính vì vậy mà chưa có nhiều tài liệu công bố của các cơ quan quản lý, các nhà khoa học về lĩnh vực này thỏa mãn nhu cầu của nhân dân.
Theo đánh giá của "Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 - 2015" của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố ngày 29/9/2016: "Các đô thị lớn như Hà Nội hay đô thị có có hoạt động công nghiệp mạnh như Việt Trì (Phú Thọ), ô nhiễm bụi có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt là các khu vực gần đường giao thông" và "Ô nhiễm và sự cố môi trường tiếp tục gia tăng, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm".
"Hà Nội là thành phố lớn thứ hai của Việt Nam, là khu vực thuộc diện được đề cập trong báo cáo. Như vậy, chắc rằng chúng ta vẫn phải sống chung với tình trạng này trong thời gian khá dài nữa. Đây quả là thông tin không vui chút nào đối với cư dân Thủ đô. Tuy nhiên, vẫn có đôi chút hy vọng tình hình không bi quan đến như vậy vì số liệu dùng để đánh giá còn thiếu và chưa được kiểm định tốt", GS-TS Hoàng Xuân Cơ cho .biết
Nhiều người không biết đến sự tồn tại của các trạm đo chất lượng không khí ở Hà Nội
Theo GS Cơ, hệ thống trạm đo CLKK tự động Hà Nội có lúc lên đến 6 trạm nhưng số liệu chưa được sử dụng nên ít người được biết về sự tồn tại của hệ thống này. Gần đây, các nhà khoa học và cơ quan quản lý sử dụng số liệu của 2 trạm chính là trạm Láng và trạm Nguyễn Văn Cừ.
Trạm Láng được đặt gần trạm khí tượng, có độ thông thoáng tốt, xa các nguồn thải nên phần nào đặc trưng được cho CLKK của Hà Nội. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người ta tiến hành xây tòa nhà cao tầng rất gần trạm nên chắc chắn số liệu đo được không còn đại diện cho Hà Nội nữa. Trạm Nguyễn Văn Cừ là trạm đặt ngay cạnh đường, đo tác động của hoạt động giao thông nên chỉ đặc trưng cho khu vực "gần đường giao thông", không thể đặc trưng cho toàn Hà Nội.
Mấy ngày đầu tháng 10/2016 nhiều báo đưa tin ô nhiễm không khí Hà Nội ở mức nhất nhì thế giới thông qua chỉ số CLKK (AQI) do Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội công bố. Một số báo khác đăng liên tục giá trị AQI của nhiều điểm đo trên Thế giới nên người xem có thể so sánh CLKK Hà Nội và những địa điểm khác.
Số liệu Thủ đô ô nhiễm nhất nhì thế giới chỉ mang tính chất tham khảo
GS-TS Hoàng Xuân Cơ nhấn mạnh, đây là số liệu mang tính tham khảo vì AQI do Đại sứ quán Mỹ cung cấp chỉ tính cho một chất ô nhiễm đó là bụi PM2,5, loại bụi có kích thước động học không vượt quá 2,5µm (micro mét). Giá trị này được hiển thị từng giờ nên có những lúc có giá trị cao cũng không có gì lạ vì ở Hà Nội có nhiều nguồn thải tác động một cách ngẫu nhiên rất có thể gây nên giá trị AQI cao tại một thời điểm nào đó nhưng lúc sau giá trị này lại rất thấp.
Giá trị này cũng chỉ đại diện cho khu vực đặt Đại sứ quán Mỹ, không đại diện cho toàn Hà Nội. Ngay cả trang mạng của Đại sứ quán Mỹ cũng đăng dòng chú thích này. Như vậy thông tin này có thể giúp mọi người tìm cách tránh tới gần khu vực Đại sứ quán Mỹ vào những lúc cảnh báo ô nhiễm.
"Trong nghiên cứu của chúng tôi cho giai đoạn 2004 - 2008 sử dụng số liệu trạm đo CLKK tự động Láng cho thấy chất lượng không khí có chiều hướng suy giảm, mức CLKK "rất tốt" giảm nhưng mức "tốt" lại tăng lên và đã xuất hiện những ngày ô nhiễm nhẹ nhưng tần suất thấp (chỉ trong khoảng 10%). Điều đó đồng nghĩa với nhận định: ô nhiễm không khí đã xuất hiện. Trong 3 chất được xét (PM10, SO2, NO2) thì bụi PM10 là chất gây ô nhiễm cho thành phố.
Như vậy, theo chúng tôi, chúng ta cần tiếp tục quan trắc để có thêm số liệu đủ độ tin cậy và thông qua xử lý số liệu có thể đánh giá chính xác hơn CLKK Hà Nội, cung cấp được cho cộng đồng những thông tin tốt hơn", GS Cơ cho biết thêm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online !
VTV