MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 141 triệu đồng/người

Hà Nội đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 141 triệu đồng/người

Về nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong năm 2022, Nghị quyết của HĐND thành phố dự kiến thông qua 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó GRDP tăng từ 7,0-7,5%.

Sáng 7/12, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã khai mạc kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI. 

Phát biểu tại buổi họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Hà Minh Hải cho biết, theo cập nhật mới nhất từ Tổng Cục thống kê, GRDP 6 tháng đầu năm của Hà Nội đạt 6,02%; 9 tháng đạt 1,44%. Do tác động của dịch bệnh, GRDP quý 3 tăng trưởng âm 6,89%, quý 4 tăng 6,69% và GRDP cả năm của thành phố là 2,92%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát và điều hành theo kế hoạch, dự kiến tăng khoảng 1,9-2,4%.  

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực phục hồi tốt sau thời kỳ giãn cách xã hội như sản xuất công nghiệp, xây dựng (trung bình 6 tháng đầu năm đạt 7,64%; quý 3 là - 6,79%; quý 4 đạt 8,04% và ước cả năm đạt 3,85%); dịch vụ (trung bình 6 tháng đầu năm đạt 5,87%; quý 3 là – 7,66%; quý 4 đạt 6,84% và ước cả năm đạt 2,71%); sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (đạt 3,46%),... 

"Cùng với công tác phòng, chống dịch, Thành phố luôn chú trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp", ông Hải cho biết.

Về nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong năm 2022, Nghị quyết của HĐND thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 chỉ rõ, mục tiêu tổng quát của Hà Nội sẽ là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Đáng chú ý, Nghị quyết của HĐND thành phố dự kiến thông qua 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó GRDP tăng từ 7,0-7,5%.

Ngoài ra, Hà Nội đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, thành phố sẽ ưu tiên công sức, thời gian và nguồn lực để kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư nâng cấp các trạm y tế cơ у sở. 

Hà Nội đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 141 triệu đồng/người - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi họp sáng 7/12.

Đồng thời, Hà Nội sẽ hình thành hệ thống kiểm soát dịch bệnh đồng bộ các cấp, đủ năng lực dự báo, giám sát, phát hiện sớm, khống chế kịp thời, hiệu quả dịch bệnh. Tiếp tục tiêm vaccine phòng Covid-19 để đạt miễn dịch cộng đồng, đồng thời mở rộng tiêm vaccine cho trẻ em từ đầu năm 2022.

Hà Nội cũng sẽ đảm bảo duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách. Triển khai thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách của Trung ương về tài chính, ngân sách; các gói kích cầu phục hồi phát triển kinh tế. 

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung thí điểm mô hình chính quyền đô thị, thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù trên địa bàn Thành phố theo nghị quyết của Quốc hội. Tăng cường kỷ luật tài chính, công tác quản lý thu, chống thất thu; điều hành ngân sách chủ động, tích cực, an toàn, đúng quy định.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; triển khai và quản lý tốt hóa đơn điện tử, phấn đấu đến hết quý 1/2022 có 100% doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh triển khai hóa đơn điện tử. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng m ắc về thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm…

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường quản lý và phát triển đô thị; khai thác hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường. Phát triển văn hóa, xã hội; thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; đảm bảo sức khỏe cộng đồng và an sinh, phúc lợi xã hội; giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững…

22 Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): 7,0- 7,5%.

2. GRDP bình quân đầu người: 139-141 triệu đồng.

3. Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển xã hội: 10%.

4. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu: 5,0%.

5. Chỉ số giá tiêu dùng: dưới 4%.

6. Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước: 0,1%.

7. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng so với năm trước: 0,1%.

8. Duy trì 100% xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

9. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế: 92,5%.

10. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động 40%; Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 1,5%.

11. Tỷ lệ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 37,5%.

12. Giảm số hộ nghèo theo chuẩn mới của Thành phố: 20%.

13. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị: dưới 4%.

14. Tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo: 72,2%.

15. Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm: 70 trường.

16. Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa": 88%.

17. Tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa": 63%.

18. Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa"

72, 5%.

19. Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch: khu vực đô thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt 85%.

20. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày: 100%.

21. Xử lý ô nhiễm môi trường: (i) Tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đã đi vào hoạt động) có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng: 95%. (ii) Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý: 100%. (iii) Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%. Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý: 28,8%.

22. Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao tăng thêm: 25 xã; Số xã nông thôn mới kiểu mẫu tăng thêm: 15 xã.

Giang Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên