MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội đẩy mạnh giải ngân hơn 40.000 tỷ đồng

14-04-2020 - 15:17 PM | Bất động sản

Theo kế hoạch, năm 2020, thành phố Hà Nội sẽ thực hiện 207 dự án đầu tư công với nguồn đầu tư khoảng 44.900 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân hiện rất thấp.

Xác định giải ngân đầu tư công là động lực phát triển kinh tế, thành phố Hà Nội quyết không cắt giảm đầu tư công, đồng thời cho rà soát các dự án trọng điểm để tập trung vốn hỗ trợ nền kinh tế dài hạn. Theo các chuyên gia, mỗi đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ thu hút thêm 5 đồng vốn từ xã hội.

3 tháng chưa đạt 10%

Trong 3 tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công ở Hà Nội mới chỉ đạt 9,8% kế hoạch vốn. Lãnh đạo quận Hoàng Mai cho biết, hầu như chưa thể giải ngân đầu tư công của quận do tháng 1 tập trung giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 còn lại, phân bổ kế hoạch chi cho các dự án được bố trí kế hoạch, sau đó tháng 2 nghỉ Tết, ảnh hưởng của dịch bệnh… Ở một số quận, huyện khác, ngoài điểm nghẽn chính là giải phóng mặt bằng, còn một số vướng mắc liên quan tính giá nhân công. Vướng mắc này chỉ được gỡ khi mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 68/2019 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn liên quan đến đơn giá nhân công, chia thành các nhóm công nhân xây dựng theo các bậc.

UBND thành phố Hà Nội có Quyết định 820 về việc công bố giá nhân công xây dựng trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, quyết định này vẫn đang căn cứ theo cách tính cũ. Do đó, Sở Xây dựng đang tham mưu về đơn giá theo nghị định mới. Đó mới là cơ sở để phê duyệt dự toán, rồi tổ chức đấu thầu. Hiện tại, các dự án chưa giải ngân vì chưa đấu thầu được. Đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư, phê duyệt của một số dự án còn chậm, một số nhà thầu thi công không đúng tiến độ cam kết, một số dự án đầu tư công phải điều chỉnh nhiều lần, vốn cho các dự án ODA không được bố trí đúng tiến độ.

Hà Nội đã họp 5 ban quản lý dự án trọng điểm, yêu cầu các ban rà soát các dự án trọng điểm cần ưu tiên. Từ đó thành phố sẽ tổng hợp đề xuất các giải pháp lên Thủ tướng Chính phủ nhằm có giải pháp đặc thù đẩy nhanh tiến độ các dự án này. Các dự án đầu tư công được ưu tiên gồm xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại thành (như hệ thống trục đường hướng tâm, khép kín các đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5…), phát triển y tế, giáo dục, môi trường…

Tháo gỡ điểm nghẽn

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, dù ngân sách trên địa bàn có thể giảm 10.000-15.000 tỷ đồng do dịch bệnh, nhưng Hà Nội quyết không cắt giảm đầu tư công mà giảm 5% chi thường xuyên, sau khi đã giảm 10% so với dự toán trước đây. Theo ông Huệ, nếu giải ngân được gần 40.000 tỷ đồng đến cuối năm thì đây sẽ là nguồn lực lớn để giải quyết các công trình cấp bách về an sinh xã hội, công trình thiết yếu của Thủ đô. Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo thành lập ban chỉ đạo để rà soát, tháo gỡ điểm nghẽn nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.

“Nếu các sở, ngành, quận, huyện, các ban quản lý dự án chỉ cần tập trung xử lý công việc, xây dựng cơ chế báo cáo công việc và thông tin giải ngân bằng 1/3 cường độ, trách nhiệm như phòng, chống dịch thì cũng giúp thành phố giải ngân nhanh lắm rồi”, ông Huệ nói. Ông đề nghị Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND thành phố thành lập tổ công tác để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thường xuyên giao ban, phối hợp, xác định rõ trách nhiệm từng cơ quan, thống kê từng vướng mắc gắn với trách nhiệm cá nhân và thời hạn hoàn thành đối với các thủ tục giải phóng mặt bằng, lập đơn giá, thiết kế, thi công, thẩm định công trình.

Cùng với nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn thi công công trình trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài để đẩy nhanh tiến độ công trình. Về thể chế, chính sách, Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù về giải phóng mặt bằng như TPHCM đang thực hiện; chỉ đạo các bộ, ngành sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi Nghị định số 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội để có điều kiện đẩy nhanh phát triển kinh tế, nhất là kết cấu hạ tầng trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia kinh tế, tăng đầu tư công trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế suy giảm hoặc đầu tư tư nhân sụt giảm là cần thiết để duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Các dự án đầu tư công hiện nay phải hướng đến mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, nếu không sẽ gây ra lạm phát. Do đó, cần lựa chọn các dự án đầu tư công theo 3 tiêu chí: Tính lan tỏa, tạo cơ sở hạ tầng cho trung và dài hạn, tạo ra hiệu quả đầu tư về kinh tế-xã hội.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ điều tiết khoảng 2.000 tỷ đồng từ các dự án không hấp thụ hết, chậm tiến độ sang các dự án hiệu quả hơn. Lãnh đạo thành phố kiến nghị T.Ư xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết về ngân sách T.Ư của thành phố là 35%, cho phép Hà Nội được chỉ định thầu đối với các công trình trong tình huống cấp bách hiện nay và cho phép Hà Nội giải ngân theo tiến độ đối với các dự án ODA nhưng không làm tăng tổng mức đầu tư công.

Hà Nội đẩy mạnh giải ngân hơn 40.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Theo Hiểu Minh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên