MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tháng 8, khởi công xây dựng 8 dự án cao tốc Bắc – Nam đang xin chuyển sang hình thức đầu tư công

04-04-2020 - 09:19 AM | Bất động sản

Thông tin tại buổi họp của Bộ GTVT ngày 3/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thông tin Chính phủ đã chỉ đạo chuyển đổi từ hình thức PPP (họp tác công tư) sang đầu tư công để khởi công 8 dự án cao tốc Bắc-Nam trong tháng 8/2020, và đưa ra mục tiêu khởi công 2 dự án nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn của sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong tháng 6/2020.

Được biết, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2021 được chia làm 11 dự án thành phần, tổng mức đầu tư khoảng 118.700 tỷ đồng. Theo nghị quyết trước đó của Quốc hội, trong các đoạn dự án này có 3 đoạn đầu tư công, hiện đã khởi công gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2.

8 đoạn còn lại kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, sau khi hủy chào thầu quốc tế, Bộ GTVT đang thực hiện sơ tuyển tìm nhà đầu tư trong nước, gồm: Đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Diễn Châu - Bãi Vọt; Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây.

Trong đó, Dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây: Đây là tuyến cao tốc quan trọng kết nối Tp.HCM với Đồng Nai – Phan Thiết (Bình Thuận). Tuyến cao tốc có chiều dài 99km, phần đi qua Đồng Nai 51,5km kết nối TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại huyện Thống Nhất, Cẩm Mỹ và T.p Long Khánh (Đồng Nai) với Phan Thiết của Bình Thuận. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng cho dự án này đã cơ bản hoàn tất tại một số địa phương.

Mới đây, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã họp và thống nhất về tiến độ giải phóng mặt bằng cho tuyến đường cao tốc này đoạn qua Đồng Nai, Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng cũng đã yêu cầu trong quý I-2020 phải hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng thông tin sẽ khởi công cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ trong tháng 10/2020.

Được biết, tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ chia thành 4 dự án thành phần gồm: TP.HCM - Trung Lương (đang vận hành, khai thác); Trung Lương - Mỹ Thuận (đang triển khai thi công); cầu Mỹ Thuận 2 (đang lựa chọn nhà đầu tư) và dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ (chưa lựa chọn nhà đầu tư). Mới đây, lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận xác nhận với Tuổi trẻ, đơn vị vừa có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất giải pháp bổ sung đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ vào dự án Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ rút ngắn thời gian triển khai, đảm bảo thông toàn tuyến từ TP.HCM đến Cần Thơ trong năm 2021, hoàn thành năm 2022.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện Chính phủ đang trình Quốc hội để xin ý kiến. Vì thế, ban, bộ ngành liên quan phải có hành động kịp thời, không để chậm trễ. Vụ Hợp tác công tư chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch Đầu tư và cơ quan chức năng trong quá trình tham mưu các văn bản chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 8 dự án cao tốc Bắc-Nam và cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các Ban Quản lý dự án quy trình chuyển đổi hình thức đầu tư. Trước mắt, các ban quản lý dự án phải làm ngay việc xác định số lượng gói thầu và đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng, hệ thống đường công vụ...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong khi chờ ý kiến của cơ quan thẩm quyền về việc chuyển đổi hình thức đầu tư, 8 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đang triển khai theo hình thức PPP vẫn phải tuân thủ đúng các chỉ đạo trước đây.

Tháng 8, khởi công xây dựng 8 dự án cao tốc Bắc – Nam đang xin chuyển sang hình thức đầu tư công - Ảnh 1.

Bình An

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên