Hà Nội: Đề xuất mức hỗ trợ cho người dân bị phong tỏa vì COVID-19
UBND thành phố Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND thành phố về việc quy định một số cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội.
- 14-05-2020Vì sao nhiều người từ chối nhận tiền hỗ trợ từ gói 62 nghìn tỷ?
- 13-05-2020Thanh Hóa yêu cầu tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ khó khăn do Covid-19
- 12-05-2020Lý do hàng ngàn người dân Thanh Hóa không nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ
Theo tờ trình, UBND thành phố Hà Nội đề xuất chế độ cho các đối tượng là người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly do Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp ra quyết định với mức hỗ trợ 100.000 đồng/người/ngày.
Theo UBND thành phố Hà Nội, trong thời gian qua, một số khu vực trên địa bàn thành phố bị phong tỏa cách ly như phố Trúc Bạch (Ba Đình); thôn Hạ Lôi (Mê Linh); thôn Đông Cứu (Thường Tín)...
UBND thành phố Hà Nội thông tin, UBND quận Ba Đình đã thực hiện chi từ ngân sách để mua lương thực, thực phẩm cung cấp cho người dân trong khu phong tỏa, cách ly. Với thôn Hạ Lôi và thôn Đông Cứu, chính quyền đảm bảo lương thực, thực phẩm cung cấp cho người dân từ các nguồn huy động.
Vì thế, UBND các cấp cần rà soát, thanh toán theo thực tế phát sinh đối với kinh phí đã chi từ ngân sách, đảm bảo không quá mức chi theo quy định.
Về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phòng, chống dịch, UBND thành phố Hà Nội đề xuất hỗ trợ các trường hợp trực tiếp tham gia thực hiện việc khoanh vùng, phong tỏa cách ly ở từng mức độ, tham gia trực y tế, bảo vệ khu cách ly, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và hỗ trợ người dân tại khu vực cách ly theo thời gian thực tế được phân công; cán bộ, người lao động thuộc bộ phận thu viện phí, phòng vật tư thiết bị y tế thực hiện vệ sinh trang thiết bị, máy móc, bơm tiêm điện; cán bộ phòng công nghệ thông tin trực chống dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
Cán bộ, người lao động thuộc các cơ sở y tế dự phòng tham gia phòng, chống dịch gồm khử khuẩn, xử lý môi trường, dược, vật tư y tế, truyền thông, bộ phận phân tích, tổng hợp số liệu; cán bộ, người lao động trực tiếp tham gia các hoạt động mai táng và hỏa táng đối với người chết do mắc COVID-19.
Với các đối tượng này, mức chi hỗ trợ bồi dưỡng 150.000 đồng/người/ngày.
Với lực lượng tham gia các chốt kiểm soát, giám sát việc cách ly xã hội tại các cửa ngõ ra, vào Thủ đô; các tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, địa bàn, khu vực giáp ranh, được bồi dưỡng 150.000 đồng/người/ngày.
Về chế độ hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia phòng, chống dịch, UBND thành phố đề xuất, với người bảo vệ địa điểm cách ly tại các địa bàn dân cư theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; lực lượng tham gia các chốt kiểm soát, giám sát việc cách ly xã hội tại các cửa ngõ ra, vào Thủ đô; các tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, địa bàn, khu vực giáp danh, mức chi hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày.
Dự kiến kinh phí thực hiện bồi dưỡng cho các đối tượng trên khoảng 59,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp thành phố là hơn 39,7 tỷ đồng; ngân sách quận huyện, thị xã là hơn 19,8 tỷ đồng.
UBND thành phố Hà Nội cũng đề xuất về nội dung, mức hỗ trợ tiền thuê nhà đối với sinh viên, công nhân, các hộ gia đình, cá nhân thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ 50% tiền thuê nhà cho sinh viên đang thuê nhà tại các Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp; Khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình II; công nhân đang thuê nhà, bao gồm các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp ký hợp đồng thuê nhà và các doanh nghiệp đại diện cho công nhân đứng tên ký hợp đồng thuê nhà cho công nhân ở tại Khu nhà ở công nhân xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội); các hộ gia đình, cá nhân đang thuê nhà tại quỹ nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố. Thời gian hỗ trợ trong 3 tháng từ 1/4/2020 – 1/6/2020. Tổng kinh phí dự kiến khoảng hơn 8,1 tỷ đồng.
UBND thành phố Hà Nội cũng đề xuất quy định hỗ trợ giáo viên của thành phố Hà Nội do Sở GD&ĐT triệu tập tham gia dạy học trên truyền hình trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.
Cụ thể, đối với giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục công lập, mức hỗ trợ bằng số kinh phí thanh toán cho số giờ dạy thêm theo quy định hiện hành. Đối với giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục ngoài công lập, giáo viên dạy 160.000 đồng/giờ dạy; trợ giảng 140.000 đồng/giờ dạy. Số giờ dạy này phải được quy đổi từ tiết dạy học trên truyền hình thành số giờ dạy.
Dự kiến kinh phí thực hiện dạy học trên truyền hình năm học 2019 – 2020 khoảng hơn 4,6 tỷ đồng và trong khả năng cân đối của ngân sách cấp thành phố.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng đề xuất quy định chính sách hỗ trợ trả kết quả cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, dự kiến kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng.
UBND thành phố Hà Nội đề xuất quy định cơ chế đặc thù hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên bị suy giảm nguồn thu, không đảm bảo tự chủ chi thường xuyên do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mức hỗ trợ bằng số chênh lệch thu – chi hoạt động thường xuyên của đơn vị thực hiện năm 2020, dự kiến khoảng 332 tỷ đồng.
Tiền phong