MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội dự kiến tăng học phí: Thêm gánh nặng cho phụ huynh

31-05-2022 - 09:00 AM | Xã hội

Hà Nội dự kiến tăng học phí các cấp học kể từ năm học tới, trong đó, bậc THCS tăng gấp đôi so với năm học 2021-2022, tiến tới tăng gấp 4 lần.

Hà Nội phân loại vùng để áp mức học phí khác nhau, bao gồm: Trẻ mầm non, học sinh phổ thông các quận, phường trên địa bàn thị xã Sơn Tây (vùng 1); học sinh ở các thị trấn thuộc các huyện của thành phố (vùng 2); học sinh học công lập ở các xã thuộc thị xã Sơn Tây và các xã thuộc huyện của thành phố (vùng 3); học sinh học công lập ở các xã miền núi (vùng 4).

 Hà Nội dự kiến tăng học phí: Thêm gánh nặng cho phụ huynh  - Ảnh 1.

Hà Nội dự kiến năm học tới sẽ tăng gấp đôi học phí ở bậc THCS Ảnh: Quỳnh Anh

Đối với vùng 4, học sinh các xã miền núi được áp mức thu thấp nhất, năm học tới cũng dự kiến sẽ thu 50.000 đồng/tháng đối với THCS; 100.000 đồng/tháng đối với THPT. Đến năm 2025-2026, mức thu ở 2 bậc học này cũng tăng lên 170.000 đồng đối với THCS và 220.000 đồng đối với THPT. Như vậy, so với năm học 2021-2022, mức thu học phí của học sinh các cấp chỉ từ 19.000; 75.000 và 155.000 đồng tương ứng với các vùng thì mức thu trong năm học tới lên rất nhiều.Cụ thể, trong năm học 2022-2023 tới, nếu áp mức học phí mới, tại vùng 1, trẻ mầm non; học sinh tiểu học; học sinh THCS - THPT phải đóng 300.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, học sinh tiểu học hiện được miễn học phí, riêng bậc THCS, năm học tới mức thu này tăng gấp đôi so với năm học 2021-2022 (155.000 đồng/tháng/em). Đặc biệt, cũng theo dự thảo, mức thu này có lộ trình tăng dần theo từng năm, đến năm 2025-2026, học phí của bậc THCS - THPT vùng 1 tăng lên 650.000 đồng/tháng (gấp hơn 4 lần học phí năm học này).

Ngay khi có thông tin, nhiều phụ huynh đã lo lắng “kêu trời” nếu phải nộp theo mức thu mới.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hà (có 1 con học THPT, 1 con bước vào lớp 6 từ năm tới) nói: “Giáo dục công lập phải tiến tới miễn, giảm học phí, giảm gánh nặng cho người dân thì Hà Nội lại tính phương án tăng thêm”. Với mức học phí mới, mỗi học sinh sẽ phải đóng 2-3 triệu đồng/tháng chỉ bao gồm các khoản cơ bản như: Ăn bán trú; học 2 buổi/ngày, tiền nước. Chưa kể, nếu phụ huynh muốn cho con tham gia các hoạt động thể dục thể thao, tăng kỹ năng xã hội, học tiếng Anh liên kết trong nhà trường, học thêm… đều phải đóng rất nhiều khoản, không phải gia đình nào cũng có điều kiện, chị Hà nói.

Mức tăng quá cao

Bà Trần Thị Lệ Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Phú La, quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, nhà trường vừa tổ chức cuộc họp với ban đại diện cha mẹ học sinh các khối lớp để lấy ý kiến. Có hơn 80% ý kiến không đồng ý với việc tăng gấp đôi học phí trong năm học tới cũng như lộ trình tăng trong các năm tiếp theo. Với mức học phí 155.000 đồng/tháng như hiện nay nhà trường đã trầy trật thu đến cuối năm vẫn có em chưa nộp hết.

TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, sau đại dịch covid-19, hơn 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường kéo theo bao nhiêu người mất việc, lao đao trong cuộc sống. Trong khi đó, giá xăng tăng, giá sách giáo khoa tăng, học phí cũng tăng sẽ đẩy nhiều người dân vào khó khăn, bế tắc. Khi tính toán mức thu học phí phải tính tới nhiều yếu tố, trong đó có cả tình hình đời sống xã hội trong từng giai đoạn và từng nhóm người dân. “Mức học phí bậc THCS vùng 1 hiện nay 155.000 đồng/tháng tăng gấp đôi trong năm tới và gấp 4 trong những năm tiếp theo là mức tăng kinh hoàng, người dân khó chấp nhận được”, ông nói.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến nói rằng, Hà Nội xây dựng dự thảo quy định mức thu học phí các bậc học căn cứ Nghị quyết 81/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập, trong đó mức thu các bậc học đều đang ở mức sàn. Trong các năm tiếp theo, mức thu học phí dự kiến vẫn là mức thấp nhất.

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cũng có ý kiến, mức tăng học phí các cấp ở trường công lập như Hà Nội dự kiến là quá cao. Với mức thu như vậy, áp dụng thu trong các năm học tới, người dân có thu nhập thấp sẽ khó khăn rất nhiều trong việc cho con đến trường. “Hà Nội nên tính trung bình thu nhập người dân trong từng khu vực để có tính toán mức thu hợp lý. Tuy nhiên, đã là trường công phải được đầu tư bằng ngân sách nhà trường, phụ huynh chỉ chia sẻ một phần học phí nào đó chứ không phải tăng gấp nhiều lần như dự kiến”, ông Khuyến nói.

Theo Hà Linh

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên