MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp quản lý sử dụng tài sản, nhà đất công

Hà Nội lập Đề án quản lý, khai thác tài sản công đặc biệt là nhà đất công.

Hà Nội lập Đề án quản lý, khai thác tài sản công đặc biệt là nhà đất công.

Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội đã có nhiều giải pháp, đặc biệt là nhà đất công.

Trước thực trạng nhiều tài sản công bị lãng phí, hoặc bị chiếm dụng xảy ra thời gian qua, mới đây HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố, giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030. Theo đó đã có nhiều giải pháp quản lý, khai thác tài sản công đặc biệt là nhà đất công.

Một trong những giải pháp được nêu ra trong Đề án, đó là thực hiện rà soát, thống kê toàn bộ quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố đang giao đơn vị, DN kinh doanh nhà quản lý, khai thác, tổ chức phân loại làm cơ sở đề xuất kế hoạch, lộ trình xử lý, biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước.

TP Hà Nội cũng nêu rõ, kiên quyết thu hồi đối với phần diện tích nhà, đất phải bàn giao về thành phố quản lý (trong đó bao gồm cả các diện tích tầng 1 nhà chung cư thương mại, quỹ nhà tạm cư...), diện tích nhà, đất vi phạm, sử dụng chưa đúng mục đích để lập phương án giao quản lý, khai thác và xử lý theo quy định. Trường hợp vi phạm phức tạp, kéo dài nghiên cứu áp dụng biện pháp chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý.

Xây dựng Đề án khắc phục tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố giao các đơn vị, DN kinh doanh nhà quản lý, khai thác giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030. Từng bước áp dụng các hình "đấu giá cho thuê" thay cho hình thức "cho thuê chỉ định" nhằm đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch theo hướng thị trường.

Đề án nhận được sự đồng tình của các đại biểu HĐND thành phố.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức, tổ đại biểu quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, cơ chế quản lý cần phải được nâng cao, cần phải được giám sát để làm sao tài sản công không bị xuống cấp mà được phát huy và bảo tồn.

“Ví dụ như khu biệt thự, hoặc một số nhà công chưa sử dụng cần đưa vào đấu giá để thu phí. Hoặc nhà đất mang tính chất lịch sử, hoặc những nhà cũ, nhà cổ có thể cho thuê để bên thuê phải có trách nhiệm tôn tạo và bảo tồn”, đại biểu Nguyễn Minh Đức nói.

Thời gian tới, TP Hà Nội xây dựng Đề án khai thác các quỹ đất phụ cận các dự án giao thông trọng điểm, quỹ đất dự kiến đối ứng cho các Dự án BT nay không đủ điều kiện triển khai theo quy định của Luật Đầu tư, để tạo nguồn vốn tái đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Khẩn trương đôn đốc công tác di dời đối với những cơ sở nhà, đất gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch. Quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch theo quy định của Luật Thủ đô…

Theo Nguyên Nhung

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên