Hà Nội khoanh vùng nơi tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng
Ông Nguyễn Thế Toàn, Phó Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội cho biết đang cụ thể hóa chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải về việc các cơ quan của thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch đánh giá nguy cơ tiềm ẩn về tham nhũng tại cơ quan và phải nắm được nguy cơ để có biện pháp phòng ngừa.
- 27-02-2018Gia Lai: Điều tra 3 cán bộ phòng giáo dục tham nhũng hàng tỷ đồng
- 08-02-2018Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tham nhũng khó chống hơn giặc ngoại xâm
- 24-01-2018Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp
- 22-01-2018Tổng Bí thư: Kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ hư hỏng, tham nhũng
Thưa ông, việc cụ thể hóa chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội tại phiên họp ngày 6/3 vừa qua với Ban Nội chính Thành uỷ sẽ được thực hiện như thế nào?
Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội là cơ quan thường trực nên đang được lãnh đạo Thành ủy, thành phố giao thực hiện, đề nghị các quận, huyện, các sở, ngành đánh giá lại theo kết luận của Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Tất cả các ngành phải xác định lại về chuyên môn, các bộ phận của mình, các khâu, các quá trình triển khai công việc ở từng vị trí việc làm một, chỗ nào tiềm ẩn các nguy cơ có dấu hiệu tham nhũng thì phải có giải pháp khắc phục, phòng ngừa. Ví dụ như những nơi tiếp cận với người dân, với doanh nghiệp nhiều hoặc những nơi thực hiện các công việc thủ công, cấp phép, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đầu tư…hay thủ tục chứng thực để tránh gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt.
Thưa ông, yêu cầu này dừng lại ở cấp quận huyện, sở ngành hay xuống tận phường, xã?
Yêu cầu đặt ra đối với tất cả các cấp từ phường xã trở lên. Chúng tôi không thể xuống tận từng xã, phường để chỉ cho họ chỗ này, khâu này dễ tham nhũng, phải có giải pháp phòng ngừa mà đây là sự chủ động của từng cơ quan.
Bí thư Thành ủy cũng nói rõ rồi, phải chỉ ra chỗ đó dễ tham nhũng để lãnh đạo các đơn vị từ quận, huyện, các sở, ngành có giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn. Phải điều chỉnh quy định, cải cách thủ tục hành chính, hoặc lựa chọn con người, có các biện pháp giám sát. Đơn giản như những chỗ nhạy cảm thì không thể bố trí một người làm việc đơn độc được, phải có hai người trở lên.
Trong thời gian tới, chủ trương này sẽ được triển khai cụ thể thế nào, thưa ông?
Sau kết luận của Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thành ủy sẽ ra một văn bản thông báo kết luận, từ đó tất cả các ngành phải vào cuộc. Ban Nội chính Thành ủy là cơ quan tham mưu phải xây dựng kế hoạch hướng dẫn các đơn vị thực hiện đồng thời là đơn vị thường trực theo dõi, đôn đốc, giúp việc cho Thành ủy về việc này.
Trong quá trình đi làm việc ở cơ sở, giải quyết công việc theo chuyên môn, cũng phải kiểm tra, xem xét có thực hiện kết luận của Bí thư Thành ủy Hà Nội không, thực hiện như thế nào? Có tình trạng cấp dưới chưa chuyển động hay không... Tôi cho rằng, nếu cả hệ thống thực hiện một cách nghiêm túc và đồng bộ chỉ đạo này thì chắc chắn có chuyển biến, góp phần hiệu quả ngăn chặn tham nhũng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đặc biệt nhấn mạnh các cơ quan, đơn vị của Thành phố phải nhận diện nguy cơ tiềm ẩn tham nhũng, xây dựng kế hoạch cụ thể đối với các lĩnh vực, vị trí có thể phát sinh tham nhũng, lãng phí. Ban Nội chính Thành ủy đôn đốc các đơn vị tập trung đánh giá, chỉ ra các nguy cơ tiềm ẩn tham nhũng của các cơ quan, đơn vị mình; xây dựng kế hoạch khắc phục ngay những yếu kém, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí.
Tiền Phong