MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội: Lật tẩy chiêu sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… “dởm”

27-08-2019 - 12:52 PM | Thị trường

Sản xuất, kinh doanh hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…, tại Việt Nam nhưng lại dán mác xuất xứ các nước như Mỹ, Canada, New Zealand… Đây là một trong những chiêu trò đánh lừa người tiêu dùng đã bị lực lượng chức năng trên địa bàn TP Hà Nội “lật tẩy”.

Vẫn hàng nội nhưng gắn mác ngoại

Trong tháng 1/2019, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, thu giữ lô hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc gồm 2.660 kg phụ gia, cùng hàng chục nghìn sản phẩm. Quá trình xác minh, lực lượng Quản lý thị trường kết luận, lô hàng trên là vô chủ. Ngay sau đó, Đội Quản lý thị trường số 27 đã tiến hành tiêu hủy lô hàng, trị giá trên 3,7 tỷ đồng.

Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền, lực lượng chức năng trên địa bàn TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 1.111 vụ, xử lý 1.031 vụ, khởi tố hình sự 1 vụ/1 đối tượng; xử lý vi phạm hành chính 10,4 tỷ đồng; tịch thu hàng vi phạm hơn 16 tỷ đồng.

Ở một vụ việc khác, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra tại số 70 Thái Hà, 53 Hoàng Cầu, 26 Hàng Đường thuộc Công ty TNHH Việt Hà Phát, 36 Giang Văn Minh, Cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm – Biển hiệu "Skin House" số 19 Nguyễn Phong Sắc, 22 Chùa Bộc, Cơ sở kinh doanh mỹ phẩm Skin house tại số 56 Trần Đại Nghĩa..., tạm giữ 2.028 sản phẩm mỹ phẩm các loại đều do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 149 triệu đồng.

Trong nhiều vụ vi phạm kinh doanh trong lĩnh vực này, các lực lượng chức năng phát hiện trên địa bàn TP Hà Nội, các đối tượng đã lợi dụng hình thức chuyển phát, giao hàng nhanh, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng ở trong và ngoài nước. Để đối phó lực lượng chức năng, nhóm đối tượng được tổ chức ngày càng tinh vi, cấu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, thậm chí còn sử dụng phương tiện kỹ thuật cao.

Mặt khác, tình trạng sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả mạo xuất xứ vẫn còn tiếp diễn. Cụ thể, việc sản xuất, kinh doanh hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…, kinh doanh tại Việt Nam nhưng lại dán mác xuất xứ các nước như Mỹ, Canada, New Zealand…

Đại diện Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đặc biệt là nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền vẫn diễn ra phức tạp.

Nguyên nhân là do lực lượng chức năng chưa nhận thức sâu sắc, đề cao trách nhiệm, chưa chủ động quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng, chống trong khi hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả đối với các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… lại ngày càng tinh vi. Hệ thống văn bản pháp luật chưa đồng bộ, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để quản lý chất lượng dược phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…

Ngoài ra, sự bùng nổ của các dịch vụ Internet khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp nhận thông tin và thực hiện mua bán các loại thực phẩm chức năng chăm sóc sức khỏe, kích thích sự gia tăng của nhu cầu sử dụng các sản phẩm này trên thị trường. Trong số này, có nhiều thông tin về công dụng của các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền không chính xác.

Kiểm soát chặt địa bàn trọng điểm

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng..., đại diện Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đề xuất, các lực lượng chức năng, chính quyền các cấp cần tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết số 41, Chỉ thị số 17…

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý địa bàn, thống kê, nắm bắt thông tin về các cá nhân, tổ chức kinh doanh các loại hàng hóa trên, qua đó lập kế hoạch kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm. Tránh gây khó khăn, phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, chú trọng kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… tại các địa bàn trọng điểm. Cụ thể, Trung tâm phân phối dược phẩm, trang thiết bị y tế Hapulico tại quận Thanh Xuân; chợ Đồng Xuân, chợ Hoàn Kiếm, phố Thuốc Bắc (quận Hoàn Kiếm); phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên), chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm)… và các kho tàng, bến bãi để phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Mặt khác, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm về sản xuất buôn bán hàng giả, vi phạm SHTT, hàng lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, đặc biệt là các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng, chính quyền các cấp, các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn trong kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn ngay từ cửa khẩu biên giới, hạn chế tối đa hàng nhập lậu vận chuyển về TP Hà Nội để nâng cao hiệu quả đấu tranh, điều tra, xử lý.

Theo Quang Hùng

Báo Hải Quan

Trở lên trên