Hà Nội: Lấy ý kiến hơn 192.000 cử tri về thành lập quận Gia Lâm
Đến ngày 18/8, cơ bản các xã, thị trấn thực hiện xong mẫu phiếu lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập quận Gia Lâm. Tổng cộng, có 76.449 hộ, 192.574 cử tri tại 166 khu vực của huyện Gia Lâm sẽ được lấy ý kiến về đề án quan trọng này.
Đó là báo cáo UBND huyện Gia Lâm tại Hội nghị giao ban tổ chức lấy ý kiến cử tri và trình HĐND các cấp về nội dung Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận, tổ chức ngày 21/8.
Theo UBND huyện Gia Lâm, sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo, từ ngày 31/7 đến nay, Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn đã xây dựng, triển khai các hoạt động lấy phiếu xin ý kiến cử tri, tổ chức tuyên truyền về thành lập quận Gia Lâm và phường thuộc quận.
Tính đến ngày 18/8, cơ bản các xã, thị trấn thực hiện xong mẫu phiếu lấy ý kiến cử tri. Tổng cộng, có 76.449 hộ, 192.574 cử tri tại 166 khu vực được lấy ý kiến.
Từ nay đến ngày thực hiện lấy ý kiến cử tri (27/8), UBND huyện Gia Lâm yêu cầu các phòng, ban chuyên môn tiếp tục hướng dẫn các xã, thị trấn về việc cập nhật, bổ sung hồ sơ, tài liệu kịp thời báo cáo UBND huyện. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trong nhân dân, bảo đảm tình hình an ninh trật tự trong quá trình tổ chức lấy ý kiến cử tri, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.
Ông Trương Văn Học, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đề nghị các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung cử tri khi có biến động theo quy định. Đồng thời, thống nhất cách làm bảo đảm đúng quy trình, quy định. Bên cạnh đó, cần tổng hợp ý kiến đại biểu để giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Trước đó, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 28/7/2023 về việc Tổ chức lấy ý kiến cử tri và trình kỳ họp HĐND các cấp về nội dung Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm.
Theo kế hoạch, Gia Lâm sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri trên phạm vi các xã, thị trấn về nội dung đề án. Cụ thể: Thành lập quận Gia Lâm trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Gia Lâm hiện có. Thành lập 16 phường, trong đó 10 phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 10 xã, thị trấn; 6 phường trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 12 xã, thị trấn hiện có.
Đối tượng lấy ý kiến là cử tri đăng ký thường trú tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Sau khi có kết quả lấy ý kiến cử tri về nội dung đề án, nếu có trên 50% số cử tri trên địa bàn xã tán thành thì UBND cấp xã báo cáo Đảng ủy, Thường trực HĐND cùng cấp quyết định tổ chức kỳ họp HĐND theo quy định. HĐND xã tiến hành thảo luận, biểu quyết tán thành hoặc không tán thành đề án. Nghị quyết kỳ họp HĐND xã được gửi đến HĐND, UBND huyện theo quy định.
Sau khi có kết quả lấy ý kiến của cử tri về nội dung đề án có liên quan của cấp xã, nếu trên 50% số cử tri trên địa bàn huyện tán thành thì UBND huyện báo cáo Huyện ủy, Thường trực HĐND huyện tiến hành triệu tập kỳ họp HĐND huyện để tiến hành thảo luận, biểu quyết về việc tán thành hoặc không tán thành nội dung đề án.
Sau khi Nghị quyết HĐND huyện về việc thông qua đề án được ban hành, UBND huyện tổng hợp hồ sơ trình UBND TP. Hà Nội tổng hợp hồ sơ báo cáo, trình HĐND thành phố thông qua Đề án trong tháng 9/2023.
Tiền Phong