MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội: Lo nhà máy dời đi, cao ốc thế chỗ

11-08-2023 - 06:54 AM | Bất động sản

- Trong 9 cơ sở di dời đợt 1 vừa được UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định có nhiều cơ sở nằm trên khu đất rất rộng tại khu vực được coi là đắc địa của Thủ đô. Kế hoạch di dời các cơ sở này trong vòng 5 năm tới cũng gây lo ngại về việc có hay không nhà máy đi, cao ốc đua nhau mọc lên gây sức ép lên hạ tầng.

Ùn tắc thường xuyên tại khu vực Nhà máy Bia Hà Nội

Ông Lê Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, cho biết, đường Hoàng Hoa Thám nơi có Nhà máy Bia Hà Nội là tuyến đường nhỏ, dù chỉ cho ô tô đi một chiều nhưng vẫn thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm sáng và chiều.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, khu vực quanh Nhà máy Bia Hà Nội hiện trạng là khu vực dân cư đông đúc với nhiều ngõ ngách thông nhau. Quãng đường chỉ hơn 100 m đã có 3 tòa chung cư là: Five Star Westlake, Golden Westlake và Sun Grand Thụy Khuê. Theo lãnh đạo phường Ngọc Hà, Nhà máy Bia ở trong khu dân cư gây ra nhiều vấn đề phức tạp. “2 năm trước, người dân đã có kiến nghị về việc mùi khó chịu bốc ra từ khu sản xuất của nhà máy. Chưa kể nhiệt từ lò nấu bia cao khiến các nhà liền kề bị ảnh hưởng”, ông Minh nói.

Nhiều nhà cao tầng đã mọc lên tại các cơ sở trên đường Nguyễn Tuân đã di dời, gây quá tải cho đô thị. Ảnh: Như Ý.

Theo quyết định di dời, Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (HABECO) tại 183 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình có diện tích hơn 52.000 m2. Địa điểm này hiện vẫn hoạt động sản xuất và trưng bày giới thiệu sản phẩm. Theo quy hoạch phân khu đô thị H1-2 được UBND thành phố phê duyệt tháng 3/2021, khu đất này sẽ trở thành đất hỗn hợp, công cộng, xây trường THPT, nhà ở, bãi đỗ xe và trồng cây xanh.

Tại quận Long Biên, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, địa chỉ 551 Nguyễn Văn Cừ, diện tích hơn 20 ha cũng là một trong 9 địa điểm nằm trong kế hoạch di dời trong 5 năm tới. Đại diện UBND quận Long Biên chia sẻ, hiện khu đất vẫn thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Xe lửa Gia Lâm. Theo quy hoạch phân khu N10, khu đất thuộc ô A6/CCTP có chức năng đất công cộng của thành phố. Hiện chủ sở hữu ô đất chưa có đề xuất, quy hoạch chi tiết về khu vực này. Tuy nhiên, đề xuất dự án phải tuân theo chức năng của ô đất, đất công cộng được xây dựng các công trình phục vụ cuộc sống của người dân như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, trụ sở...

Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản gửi đến UBND, HĐND thành phố Hà Nội, kiến nghị xem xét về tính pháp lý và thực tiễn quản lý, sử dụng đất tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Đồng thời kiến nghị không di dời để phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lo ngại chuyển đổi sai mục đích

Nhà máy Bia Hà Nội trên đường Hoàng Hoa Thám. Ảnh: Trần Hoàng.

Chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành đã được Thành ủy, UBND TP Hà Nội đặt ra từ đầu những năm 2000, mục tiêu di dời các sở, ngành của thành phố và 26 cơ sở giáo dục ra khỏi nội đô. Tuy nhiên, việc di dời diễn ra chậm chạp, chưa kể nhiều khu đất sau di dời đều được các doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản thâu tóm để xây chung cư, nhà ở thương mại để bán.

Điển hình như khu đất Nhà máy Bánh kẹo Tràng An (số 1 Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy) rộng khoảng 2,6 ha là đất của Nhà máy Bánh kẹo Tràng An, nhưng đã được Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu - GP Invest hợp tác với chủ đất để di chuyển nhà máy bánh kẹo đến một khu đất ở Quốc Oai tiếp tục sản xuất. Còn khu đất tại số 1 Phùng Chí Kiên đã được chuyển đổi mục đích sử dụng mảnh đất sang làm dự án tổ hợp chung cư cao cấp, thương mại, văn phòng Tràng An Complex. Dự án gồm 2 tòa chung cư cao 23 - 29 tầng, 1 tòa thương mại 14 tầng, 11 căn biệt thự, 20 căn liền kề và khu trường học rộng 3.376 m2…

Tại quận Thanh Xuân, tuyến đường Nguyễn Tuân chỉ dài 1 km nhưng có đến 3 dự án chung cư được xây dựng trên đất sau di dời nhà máy. Đó là khu nhà ở 90 Nguyễn Tuân có diện tích 3,7 ha trước đó là khu đất của một xí nghiệp xe buýt; dự án Thống Nhất Complex rộng 18.000 m2 tại 82 Nguyễn Tuân vốn là đất công nghiệp của Công ty TNHH MTV Thống Nhất, tiền thân là Nhà máy Xe đạp Thống Nhất. Hay như khu đất rộng 2,2 ha của Công ty Cổ phần Dệt Mùa Đông tại 47 Nguyễn Tuân nay đã thành 4 tòa nhà với hơn 1.500 căn hộ...

Theo kết luận được Thanh tra Chính phủ công bố năm 2018 về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí đắc địa của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước tại thành phố Hà Nội giai đoạn 2003 - 2016, tính đến hết năm 2016, thành phố có 69 dự án với tổng diện tích 180 ha đất đã được chuyển đổi sang vị trí khác. Đây là những dự án vốn là đất của các cơ sở sản xuất trong nội thành. Sau khi thành phố có chủ trương di dời những nhà máy không còn phù hợp hoặc gây ô nhiễm ra ngoại thành, các khu đất này đều được chuyển mục đích sử dụng đất làm chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại... Kết luận cũng chỉ ra có 38 doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư mà tự thỏa thuận, nên thu được thấp. Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra 38 dự án chuyển mục đích sử dụng đất là gần 4.000 tỷ đồng.

Theo KTS Nguyễn Anh Tuấn (Công ty ATH Homes), chậm di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô gây áp lực về hạ tầng, dân cư, môi trường cho khu vực trung tâm. Một số vẫn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất gây lãng phí, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. KTS Tuấn đề nghị: “Hà Nội cần xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ doanh nghiệp phải di dời sau khi được bố trí quỹ đất mới. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần quyết liệt cưỡng chế lại quỹ đất”.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nhấn mạnh: “Quy hoạch là phải vì người dân, do đó cần công bố cho người dân biết để kiểm soát những quy hoạch đó. Đây là nội dung được quy hoạch ở trong luật”.

Ngày 8/8, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 3952 về việc ban hành Danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn (đợt 1).

Theo đó, 9 cơ sở nhà đất do các doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng không phù hợp quy hoạch phải di dời thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công gồm: Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng công ty CP Bia - Rượu- Nước giải khát Hà Nội (183 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình); Công ty TNHH MTV Thuốc lá Thăng Long (235 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân); Công ty TNHH MTV In và TM Thông tấn xã Việt Nam (70/342 Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân); Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội (551 Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên); Tổng kho xăng dầu Đức Giang (26 phố Đức Giang, phường Đức Giang, quận Long Biên); Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp (167/6 phố Phương Mai, phường Phương Mai, quận Đống Đa); Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm); Công ty In báo Nhân dân Hà Nội (15 Hàng Tre, Hoàn Kiếm); Công ty TNHH MTV In báo Hà Nội Mới (35 Nhà Chung, Hoàn Kiếm).

Theo Trần Hoàng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên