MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội loại khỏi danh sách trên 400 dự án chậm triển khai

Thực hiện Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, đến hết tháng 6 năm nay, UBND thành phố đã chỉ đạo xử lý lũy kế là 705 dự án (chiếm 99% trên tổng số 712 dự án), với tổng diện tích hơn 11.300 ha.

Trong số 712 dự án đã được chỉ đạo xử lý có 410 dự án (với tổng diện tích gần 9.100 ha đất) được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai và tiếp tục được giám sát theo quy định của pháp luật. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm 2024, số dự án được đưa ra khỏi danh sách tăng 80% so với cuối năm 2023 (330 dự án).

Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: "Quy hoạch là gốc, là nền tảng, nên cái gì còn phù hợp với quy hoạch thì chúng ta cho tồn tại, cái gì không phù hợp nữa thì thu hồi chủ trương, điều chỉnh chủ trương".

Hà Nội loại khỏi danh sách trên 400 dự án chậm triển khai- Ảnh 1.

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội bỏ hoang nhiều năm nay

Theo ngành chức năng thành phố Hà Nội, việc chậm xử lý các “dự án treo” một phần do phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Nhiều dự án có sự thay đổi, kéo dài thời gian triển khai do liên quan tới chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng. Một số dự án có vướng mắc về pháp lý, nhưng đang trong quá trình điều tra, phải chờ kết luận thanh tra mới có cơ sở đề xuất. Mặt khác, công tác phối hợp giữa các cơ quan, nhất là rà soát số liệu theo chuyên ngành vẫn gặp nhiều khó khăn.

Việc các dự án ôm đất rồi treo từ năm này qua năm khác không chỉ gây lãng phí, thiệt hại lớn về mặt kinh tế mà còn để lại rất nhiều lệ luỵ về mỹ quan đô thị, đời sống của người dân. Ông Phạm Thành Công, người dân sống gần dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt bức xúc, sau 20 năm triển khai, khu đô thị này vẫn nằm im trên giấy.

"Dự án để hoang nhiều năm rất nhếch nhác, rác thải, cỏ mọc um tùm ảnh hưởng rất lớn đến vệ sinh môi trường", ông Công nói.

Nhằm giải quyết thực trạng này, UBND thành phố Hà Nội giao các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã rà soát, tập trung xây dựng kế hoạch, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm liên ngành và kết luận đối với từng dự án. Đồng thời, tiếp tục rà soát các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, có vi phạm mới để đề xuất, tiếp tục kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Huy Nam

Báo điện tử VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên