Hà Nội: Lượng giao dịch chung cư chào bán mới giảm gần 30 lần so với cách đây 2 năm
Nếu trong quý 11/2018 lượng giao dịch căn hộ chung cư mở bán mới là 5.091 thì trong quý 1/2020 con số này chỉ ở mức 181.
Theo số liệu vừa công bố của Hội môi giới BĐS Việt Nam, tại TPHCM quý I/2020 có 8.421 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường, giao dịch 1.409 sản phẩm. Trong đó có 4.664 sản phẩm mới chào bán, giao dịch 815/4.664 sản phẩm, còn lại là cung và giao dịch từ hàng tồn từ năm 2019).
Nếu so với cách đây 2 năm (quý 1/2018) thì lượng giao dịch căn hộ chung cư trên thị trường TPHCM chứng kiến sự tụt giảm mạnh về căn hộ chào bán mới. Cụ thể, quý 1/2018, toàn thị trường có 10.431 căn được mở bán gấp hơn 2 lần so với 4.664 căn được mở bán cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, lượng giao dịch trên thị trường quý 1/2018 là 8.964 gấp 10 lần con số 815 căn cùng kỳ năm 2020
Về lượng sản phẩm đủ điều kiện bán hàng, quý I/2020 tại TP.HCM có 10 dự án được phê duyệt có sản phẩm đủ điều kiện với 2.816 sản phẩm (trong đó có 2.736 căn hộ chung cư và 80 thấp tầng), bằng 78% so với cùng kỳ năm 2019.
Còn tại Hà Nội, quý I/2020 có 8.963 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường, giao dịch 1.307 sản phẩm. Trong đó có 1.167 sản phẩm mới chào bán, giao dịch 181/1.167 sản phẩm, còn lại là cung và giao dịch từ hàng tồn năm 2019.
Như vậy nếu so với cách đây 2 năm lượng giao dịch căn hộ chung cư chào bán mới trong quý 1/2020 đã giảm gần 30 lần. Cụ thể, quý 11/2018 lượng giao dịch 5091 trong tổng số 6148 căn mới, còn quý 1/2020 chỉ 181 căn hộ được giao dịch trong tổng số 1167 căn hộ chào bán mới.
Về lượng sản phẩm đủ điều kiện bán hàng, quý I/2020 tại Hà Nội có 15 dự án được phê duyệt có sản phẩm đủ điều kiện với 9.414 sản phẩm (trong đó có 8.878 căn hộ chung cư và 536 thấp tầng, căn hộ đủ điều kiện bán hàng chủ yếu từ 2 đại dự án của VinGroup) tăng 1,65 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Giải thích lý do giao dịch căn hộ chung cư trong quý 1 tại TPHCM và Hà Nội giảm sâu, Hội môi giới cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh các chủ đầu tư cũng như các sàn giao dịch buộc phải tạm hoãn các hoạt động mở bán dự án vì tâm lý tránh tụ tập đông người trong lúc dịch bệnh bùng phát.
Bên cạnh đó, các sàn giao dịch, cá nhân môi giới BĐS 100% chịu ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh; vừa thiếu nguồn hàng để bán, vừa không có được sự quan tâm từ khách hàng, nhà đầu tư vì phải lo chống dịch. Theo ghi nhận từ các khu vực, khoảng 50% số sàn giao dịch phải đóng cửa, có hiện tượng nhiều cá nhân môi giới BĐS thất nghiệp.
Trước tình hình trên, Hội môi giới đưa ra khuyến cáo các doanh nghiệp BĐS cần thiết phải nghiên cứu để tìm ra phương án tái cấu trúc lại bộ máy, nhân sự và các giải pháp kinh doanh theo hướng tinh gọn, công nghệ hóa và chuyên nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và giảm chi phí sản xuất, vừa tăng chất lượng vừa giảm giá sản phẩm
"Doanh nghiệp phát triển BĐS nên chú trọng nhiều hơn đến phân khúc nhà ở giá thấp và nhà ở xã hội. Đây là phân khúc luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhu cầu của khách hàng và chắc chắn luôn có tỷ lệ hấp thụ cao cho dù hậu quả của dịch bệnh làm cho tình hình kinh tế suy giảm", hội môi giới nhấn mạnh.