MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội: Mạnh tay xử lý các dự án "rùa bò"

11-09-2020 - 09:47 AM | Bất động sản

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý về phản ánh có tới 300 dự án "treo", bỏ hoang ở nhiều quận, huyện của TP Hà Nội khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là gây lãng phí tài nguyên đất.

Ngoài việc đất bị bỏ hoang, tại một số dự án cũng xuất hiện tình trạng chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, dẫn đến nhiều tranh chấp, chiếm dụng, gia tăng vấn đề mất trật tự, văn minh đô thị.

Dự án hàng chục năm vẫn "bất động"

Thực hiện chỉ đạo này, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp mạnh tay đối với các dự án "ôm" đất nhưng không triển khai. Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội vừa ban hành quyết định chấm dứt hoạt động của dự án khu nhà ở để bán tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. Dự án này được UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Việt Nam từ tháng 6-2008. Lý do chấm dứt hoạt động của dự án là do chủ đầu tư "treo" dự án quá thời gian quy định.

Cũng "ôm" đất rồi để đó, dự án đầu tư tại ô đất D2-CT1, khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm (quận Bắc Từ Liêm) do Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà làm chủ đầu tư cũng bị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội ra quyết định chấm dứt hoạt động.

Hà Nội: Mạnh tay xử lý các dự án rùa bò - Ảnh 1.

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt triển khai 15 năm nhưng hiện chỉ là 1 bãi đất hoang

Sở TN-MT TP Hà Nội cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát 379 dự án. Qua đó, sở này kiến nghị thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư đối với 28 dự án với tổng diện tích 1.844,3 ha. Có 25 dự án với tổng diện tích 39 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng. Với các dự án này, Sở TN-MT kiến nghị quy định về việc gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp tiền cho nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.

Hiện ở Hà Nội vẫn còn nhiều dự án được giao đất nhưng "án binh bất động", chủ đầu tư quây kín tôn bỏ hoang nhiều năm. Điển hình là dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) do Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng - Licogi làm chủ đầu tư. Dự án được giao đất từ năm 2004 nhưng tới nay vẫn chưa triển khai. Tương tự, tại dự án Khu nhà ở để bán cho cán bộ chiến sĩ Binh đoàn 12 (quận Thanh Trì) do Công ty CP Đầu tư Bất động sản Thuận Thành làm chủ đầu tư, đến nay vẫn là bãi đất trống.

Xử phạt các đơn vị chây ì

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, trên thực tế, sau thời gian 24 tháng, không ít chủ đầu tư vẫn "ôm" đất nhiều năm tiếp theo dù không triển khai bất cứ hạng mục nào. Để ngăn chặn tình trạng này, ông Võ cho rằng bên cạnh việc kiên quyết thu hồi, cần có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chây ì.

Luật sư Bùi Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng các khâu trong quá trình triển khai dự án cần được thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là lựa chọn nhà đầu tư. Sau đó, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi tiến độ của dự án để kịp thời nắm bắt hiện trạng, nếu có dấu hiệu chây ì thì áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Yếu kém vẫn lách vào được

Nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ cho rằng dự án nhiều năm không triển khai có nhiều nguyên nhân nhưng đầu tiên phải nhắc đến việc lựa chọn nhà đầu tư không bảo đảm yêu cầu. Theo ông, có tình trạng chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nhưng cố "lách" vào để có đất, sau đó không triển khai dự án mà chuyển nhượng lại. "Căn bệnh thân hữu cũng là nguyên nhân gây ra việc giao đất cho chủ đầu tư không đủ năng lực" - GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.


Theo Minh Chiến

Người Lao Động

Trở lên trên