Hà Nội mưa lớn kéo dài, dân văn phòng mệt mỏi vì thời tiết, khốn đốn vì combo giá xăng - xe ôm - ship - đồ ăn tăng cao
Giá cả "leo thang" nhất là khi trời mưa khiến những người có thu nhập thấp như dân công sở… méo mặt vì phát sinh chi tiêu.
- 09-06-2022Hành trình của cụ ông 83 tuổi người Nhật Bản một mình vượt Thái Bình Dương trong 2 tháng: ''Đừng để ước mơ của bạn chỉ là ước mơ''
- 07-06-2022Cậu bé học dưới tán cây, đi bộ 4 km đến trường và hành trình trở thành tỷ phú giàu nhất nhì Ấn Độ: ''Thành công đến vì tôi ít chấp niệm về tiền bạc''
- 06-06-2022Cậu bé chăn cừu, đói ăn khi đặt chân đến Pháp nay đã trở thành tỷ phú, sở hữu 150 công ty ở 120 quốc gia: "Tôi không chấp nhận số phận ban đầu của mình"
Từ hồi tháng 5 cho đến nay, thời tiết Hà Nội liên tục mưa nắng thất thường. Vòng quanh quẩn sáng sớm mưa lớn, buổi trưa nắng to, giờ tan tầm ngập lụt cứ thế theo vòng xoay mỗi ngày khiến sức khỏe cũng như tinh thần của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là dân công sở.
Sức khỏe "đình công" vì thời tiết
Anh Nguyễn Hữu Sinh (37 tuổi), nhà ở Mai Dịch (quận Cầu Giấy) còn cơ quan tận Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân). Mỗi ngày, anh Sinh mất khoảng 30 phút để đến nơi làm việc nhưng dạo gần đây, trời hay đổ mưa vào giờ đi làm nên thời gian đi đường kéo dài cả tiếng. Thậm chí có những ngày, anh bất lực đứng dầm mưa cả nửa tiếng vì dòng xe kẹt cứng.
"Hầu như vào ngày mưa là tôi đều đi làm muộn không kịp chấm công, quần áo thì ướt nhẹp sau đó lại ngồi dưới điều hòa nên bị cảm lạnh. Rất nhiều lần tôi đã chán nản đến mức chỉ muốn quay về nhà hoặc chỉ ước sếp cho làm online", anh Sinh cho hay.
Cùng chung cảm nhận như anh Sinh, chị Hải Yến (25 tuổi) cho biết, dù quãng đường từ nhà đến chỗ làm không quá xa nhưng thời tiết sớm nắng chiều mưa của Hà Nội khiến sức khỏe của chị bị giảm sút.
Trời mưa vào giờ cao điểm khiến đường phố tắc cứng. Ảnh: Dân Trí
"Sau hai lần mắc Covid-19 đã khiến sức khỏe của tôi bị ảnh hưởng rõ rệt. Vì vậy, cứ mỗi khi trời mưa rồi lại nắng to là tôi rất dễ bị đau đầu, trên bàn làm việc lúc nào cũng đủ thứ thuốc. Từ thuốc bổ máu, bổ não đến giảm đau...Nếu tình trạng này cứ kéo dài thì chắc chắn tôi sẽ kiệt sức", chị Yến mệt mỏi chia sẻ.
Khốn đốn vì chi phí tăng cao
Tưởng chừng nắng mưa chỉ là chuyện của ông trời, vậy mà thời tiết lại mang đến không ít hệ quả về mặt kinh tế cho dân văn phòng.
Anh Xuân Đoàn (35 tuổi) đang làm việc cho một cơ quan nhà nước tại khu vực trung tâm Hà Nội, còn vợ làm giáo viên ở gần nhà tại quận Hà Đông. Cách đây 4 năm, gia đình anh đã quyết tâm "tậu" một chiếc xe 7 chỗ cũ cho tiện đi lại.
Phải nói rằng, việc sở hữu ô tô thực sự đã đem lại rất nhiều giá trị cho gia đình, từ phục vụ con nhỏ đến bố mẹ già; rồi về quê ngày lễ tết,... Đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 ròng rã hơn 2 năm vừa qua, chiếc xe giúp cho quãng đường từ nhà đến cơ quan khoảng gần 10km trở nên an toàn hơn so với xe máy.
Giá xăng tăng khiến dân công sở đi ô tô "cháy túi"
Ở thời điểm năm 2020, khi giá xăng có lúc chỉ còn mức loanh quanh 13.000 đồng/lít, dịch dã đường xá vắng vẻ nên trung bình mỗi tháng anh Đoàn chỉ chi trên dưới 1 triệu đồng cho tiền xăng.
Đến nay, khi xã hội đã bình thường trở lại, trục đường Nguyễn Trãi - Tây Sơn mà anh Đoàn thường di chuyển trở nên cực kỳ đông đúc, có lúc đến nghẹt thở, nhất là những ngày mưa hay có va chạm.
Đi chậm, hay rà phanh càng khiến chiếc xe ngốn nhiều xăng hơn, có lúc đồng hồ báo mức tiêu thụ nhiên liệu đến 30 lít/100km. Nếu tính ra trung bình khi sử dụng trong phố cũng hết 14-15 lít/100km. Trong khi đó, giá xăng không ngừng tăng cao mà đỉnh điểm ở mức 31.500 đồng/lít như hiện nay khiến chi phí cho riêng xăng xe đã lên đến hơn 4 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với cách đây 2 năm.
Giá xăng tăng cao còn kéo theo rất nhiều chi phí khác cũng tăng theo như phí ship, xe ôm công nghệ hay đồ ăn, gây nên áp lực lớn cho người dùng khi mức lương vẫn "đứng yên".
Như trường hợp của chị Phương Loan (32 tuổi), do một lần đi xe giữa cơn mưa trơn trượt bị ngã, dẫn đến gãy tay nên bây giờ cứ mỗi khi trời đổ mưa là chị phải gọi xe ôm công nghệ. Thế nhưng, chi phí cho khoản này khá cao, nếu trước đây chị đi mất 30.000 đồng/lượt thì bây giờ tăng lên 40.000 đồng/lượt, cả đi cả về cũng mất tới 80.000 đồng.
Nhiều người không dám gọi ship đồ ăn trưa vì bão giá
Một ngày thì chị cũng cố chiều bản thân nhưng Hà Nội cơn mưa không dứt, cứ ngày này nối tiếp ngày khác khiến ngân sách trong tháng bị mất đi một khoản không nhỏ.
Chưa hết, giá đồ ăn và phí giao hàng cũng theo đó mà tăng cao. Một bát phở trộn thịt bò có giá 55.000 đồng, cộng thêm phí ship 20.000 đồng khi trời quang mây tạnh, còn trời mưa cũng đội giá lên. Trong khi đó, tiền lương vẫn "đứng yên" một chỗ suốt nhiều năm khiến dân công sở như chị Loan đã nghèo thì nay lại càng nghèo hơn.
Để tiết kiệm trước mắt, chị cùng mọi người cùng cơ quan chỉ còn cách tự chuẩn bị đồ ăn trưa từ nhà rồi mang lên văn phòng. Đến bữa thì cho vào lò vi sóng quay nóng ăn cho qua ngày.
"Tôi hy vọng công ty mình có quy định tăng lương hoặc hỗ trợ nhân viên trong tình hình giá cả tăng vọt thế này. Tôi được biết nhiều công ty đã tăng chế độ cơm trưa hoặc cộng thêm tiền đi lại, di chuyển vào cuối tháng. Người lao động như tôi khó lòng yên tâm làm việc khi lạm phát cứ tăng lên mà lương vẫn như cũ", chị Loan bày tỏ.
Trí thức trẻ