MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội: Người dân vẫn thờ ơ với hầm đi bộ tiền tỷ

06-07-2017 - 10:30 AM | Xã hội

TP Hà Nội những năm qua đầu tư gần 30 hầm đi bộ với kinh phí hàng trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, phần lớn người đi bộ vẫn bất chấp nguy hiểm “len lỏi” qua dòng phương tiện để sang đường.

Hầm sạch sẽ, người đi bộ vẫn chê

Ngày 3/7, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại các hầm đi bộ trên đường Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Ngã Tư Sở... đều được đầu tư khá mới, hiện đại, không gian rộng rãi, có mái che, cầu thang đầy đủ. Tuy nhiên, đa phần người đi bộ tại khu vực này vẫn chọn cách băng qua đường, bất chấp nguy hiểm và gây cản trở các phương tiện lưu thông.

Đơn cử, hầm đi bộ H12 là một trong 17 hầm đi bộ được xây dựng trên đường vành đai 3, hai bên cửa hầm lên, xuống đều có đèn sáng. Bên trong hầm, không gian sạch sẽ, các bóng điện đều phát sáng và luôn có một người túc trực. Khác hẳn so với trước đây, hầm này bị phản ánh có các đối tượng nghiện ngập, tuy nhiên giờ không còn xuất hiện.

Từ năm 2007-2008, UBND TP đã đưa vào sử dụng 23 hầm đi bộ, trong đó, đường vành đai 3 có 17 hầm, nội thành có 2 hầm (Ngã Tư Sở và nút giao Giải Phóng - Đại Cồ Việt) và 4 hầm ở nút giao đường 32 với đường 70. Cùng với hầm đi bộ, Hà Nội cũng đã xây dựng hơn 18 cây cầu đi bộ trên các tuyến phố như: Trần Đại Nghĩa, Xuân Thủy, Nguyễn Chí Thanh, Giảng Võ…

Cô Nguyễn Thị Thư, trực tại hầm H12 chia sẻ: “Mỗi ngày chúng tôi được chia làm 3 ca trực tại hầm. Thông thường, chúng tôi sẽ trực tại hầm đến 24h, cô Thư nói và cho biết, hầm đi bộ giờ đã được nâng cấp, hàng ngày các ca vệ sinh, lau dọn thường xuyên. Tuy nhiên, không hiểu sao vẫn rất ít người đi xuống hầm để sang đường cho an toàn.

Tương tự, tại hầm H7, gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia, dù khá sạch sẽ, song PV phải chờ đến 30 phút mới có một người đi xuống hầm để sang đường. Trong khi cũng thời gian đó, trên đường có hàng chục lượt người rồng rắn băng sang đường. Bác Lợi, lái xe ôm nhiều năm ở đoạn đường này bộc bạch: “Tôi thấy hầm đi bộ giờ sạch sẽ hơn cả ở nhà... vậy mà người đi bộ vẫn chê. Điều này thật khó chấp nhận vì Nhà nước đã bỏ ra nhiều tỷ đồng để đầu tư”.

Trước cổng bến xe Mỹ Đình, các dòng xe khách, xe buýt nối đuôi nhau đông như mắc cửi nhưng người đi bộ vẫn không xuống hầm mà tìm đủ cách băng qua đường, phớt lờ công trình tốn nhiều tiền của và tâm huyết của những người xây dựng. Đang băng sang đường em Trần Bảo Linh, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Em cũng muốn xuống hầm để đi nhưng sợ xuống hầm ít người, gặp kẻ cắp hay kẻ xấu sẽ nguy hiểm. Chính vì sợ như vậy, em và nhiều bạn khác cố gắng giơ tay xin sang đường, dù biết có nguy cơ gặp TNGT”.

Còn tại hầm bộ hành Ngã Tư Sở thuộc quận (Thanh Xuân, Hà Nội), một trong những hầm bộ hành đẹp và hiện đại nhất cả nước, tình trạng có khả quan hơn. Quan sát của PV, bên trong hầm có lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, máy bơm nước phòng úng lụt cục bộ, camera quan sát an ninh. Chính sự tiện nghi và sạch sẽ này đã khiến hầm đường bộ Ngã Tư Sở được sử dụng nhiều nhất trong số các hầm trên địa bàn thành phố. Chị Nguyễn Thị Chi ở Thượng Đình cho biết: “Cứ vào buổi tối mình lại cùng ông xã và các con đi bộ trong hầm. Ở trong hầm luôn thấy không khí trong lành nhờ có cây xanh, cảm thấy thoải mái và an toàn vì có camera giám sát”.

Đề xuất lắp camera giám sát tại các hầm đi bộ

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó giám đốc Công ty CP Công trình giao thông 2 cho biết, để người đi bộ mặn mà hơn với hầm bộ hành, đơn vị đã thực hiện hàng loạt các giải pháp như: Tăng cường công tác bảo vệ trong hầm nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, không để người tụ tập trong, trước cửa hầm, nâng cấp hệ thống chiếu sáng, thông gió bảo đảm trong hầm thoáng, đủ ánh sáng bảo đảm an toàn, an ninh. Hiện, hầm đi bộ Ngã Tư Sở rất đông vì trong hầm được lắp camera giám sát.

“Chúng tôi đã đề xuất cho lắp đặt camera giám sát tại tất cả các hầm đi bộ để người dân yên tâm đi trong hầm. Khi trong hầm vừa đảm bảo ATGT vừa đảm bảo an ninh, không có lý do gì người dân lại không sử dụng mà băng qua đường như hiện nay”, ông Nhi nói.

Ông Lưu Xuân Bình, Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội cho biết, các vụ TNGT khiến người đi bộ tử vong thời gian qua rất lớn. Cụ thể, năm 2013, thành phố có 80 người. Con số này năm 2014 là 92 người. Từ năm 2015 đến nay, còn nhiều hơn, mỗi năm số người chết vì đi bộ lên đến hàng trăm người với nguyên nhân chính do người đi bộ không chấp hành các quy định về ATGT. “Sử dụng hầm đi bộ để sang đường chắc chắn sẽ giúp giảm bớt các tai nạn đáng tiếc”, ông Bình khẳng định.

Theo Lê Tươi

Báo Giao Thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên