MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội phân vùng xe máy và thu phí ô tô vào nội đô như thế nào?

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết chỉ triển khai phân vùng xe máy và thu phí ô tô vào nội đô khi có đủ điều kiện.

Vận tải công cộng phải đáp ứng tối thiểu 60,5%

Ông Phạm Anh Tuấn, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, Hà Nội hiện có 12 quận, huyện. Đến năm 2030, khi đề án được thực hiện, Hà Nội sẽ có 17 quận. Do vậy, phạm vi địa giới hành chính thực hiện đề án sẽ rộng hơn. Trong đó, 5 quận mới chuyển từ các huyện ngoại thành: Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng.

"Từ thực tế này, việc xây dựng Đề án dừng hoạt động xe máy vào nội đô cũng phải tính cả địa giới hành chính 5 huyện hiện nay", ông Tuấn nói.

Với Đề án thứ 2 (xác định ranh giới để thu phí ô tô vào nội đô), ông Tuấn cho rằng, sẽ tính toán để xác định mốc phạm vi từ các đường vành đai trở vào. Trong đó, với hạ tầng và mặt cắt đường đủ rộng, các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, và Vành đai 3 đều được tính đến.

Tại hội nghị, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện nay có 6,6 triệu phương tiện giao thông trong đó có 5,9 triệu xe máy, 0,6 triệu ô tô, phương tiện trong giai đoạn 2011 - 2018 tăng trung bình 11% năm, trong đó xe máy là 6,75%/năm, ô tô là 11,5%/năm. Tốc độ tăng trưởng của đường bộ không theo kịp với sự phát triển của phương tiện dẫn đến quá tải cho hệ thống đường bộ, làm cho tình trạng ùn tắc ngày càng diễn ra phức tạp, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng lên.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT cho biết thêm, chỉ đề xuất, xem xét dừng hoạt động xe máy khi hệ thống VTHKCC và các phương tiện thay thế đáp ứng được tối thiểu 60,5% nhu cầu đi lại của người dân.

"Đề án hạn chế, tiến tới dừng hoạt động xe máy vào năm 2030, điều kiện bắt buộc là cần có phương tiện vận tải thay thế đến một mức độ nhất định thì thành phố mới giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy", ông Viện nói và cho biết, cơ sở hạ tầng giao thông, giao thông công cộng sẽ là điều kiện tiên quyết để thành phố quyết định giảm, dừng hoạt động xe máy.

Để đảm bảo yêu cầu này, đến năm 2030, theo ông Viện, Hà Nội cần đưa vào hoạt động 8 tuyến đường sắt đô thị, khoảng 200 tuyến xe buýt, 35.000 xe taxi, 50.000 - 55.000 xe hợp đồng, 15-20 tuyến minibus…

Thu phí tự động không gây ùn ứ phương tiện

Liên quan đến Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố”, đại diện Công ty CP Phát triển Đô thị bền vững cho biết, đây là giải pháp kinh tế nhằm hạn chế phương tiện giao thông đi vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng hình thức thu phí này.

Theo đơn vị này, phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là một loại phí mới, không trùng lặp với các loại phí khác. Thành phố sẽ áp dụng công nghệ thu phí hiện đại, đảm bảo tính kết nối với thiết bị thu phí không dừng trên toàn quốc hiện nay để tránh gây ùn tắc giao thông tại các điểm thu phí.

"Phạm vi thu phí được xác định theo đường vành đai khép kín trong địa bàn thành phố, song việc lựa chọn vành đai thu phí sẽ dựa trên các kết quả đánh giá tác động giao thông", đại diện Công ty CP Phát triển Đô thị bền vững.

Liên quan đến đề án này, ông Vũ Văn Viện cho biết, đây là hoạt động phi lợi nhuận, mức thu phí chung được tính toán dựa trên việc đáp ứng tổ chức quản lý hoạt động thu phí. Mức thu cụ thể được tính toán phân bố theo hướng tăng dần đối với các loại phương tiện giao thông cơ giới có nguy cơ cao gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, các loại phương tiện cá nhân và các loại phương tiện có mức xả khí thải nguy cơ ô nhiễm cao.

"Chúng tôi sẽ thu phí tự động khi kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo các điều kiện, mức thu phí sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi triển khai", ông Viện khẳng định.

Theo Lê Tươi

Báo giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên