Hà Nội: Quỹ đất nhà ở xã hội “bốc hơi” do đâu?
Đất dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ đất để xây nhà ở xã hội (NƠXH), tuy nhiên, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm việc xây NƠXH như phần lớn các dự án được thành phố cho phép cơ chế nộp tiền.
- 25-11-2017Tùy tiện thay đổi công năng nhà ở xã hội
- 20-11-2017Người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội: Không dễ vay tiền
- 17-11-2017Thống đốc Ngân hàng nhà nước: Vốn cho nhà ở xã hội vẫn khó
Thậm chí, có trường hợp TP còn bỏ tiền ra mua lại số căn hộ thuộc 30% quỹ nhà mà chủ đầu tư phải có nghĩa vụ trích nộp. Để xảy ra hàng loạt sai phạm trong đầu tư xây dựng NƠXH, ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho rằng, lỗi lớn về chính quyền TP.Hà Nội và phải chịu trách nhiệm về để thất thoát quỹ đất lớn NƠXH như thực trạng hiện nay.
Hàng loạt sai phạm
Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra về việc thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý sử dụng đất, quỹ nhà ở để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị theo Quyết định số 123/2001/QĐ-UB ngày 6.12 của UBND TP.Hà Nội, giai đoạn 2002-2014.
Theo kết luận thanh tra, theo quy định của UBND TP, chủ đầu tư các dự án khu nhà ở, khu đô thị phải thực hiện nghĩa vụ nộp 20% quỹ đất ở hoặc 30% quỹ nhà ở để bổ sung vào quỹ nhà ở của thành phố. Nhưng trong quá trình thực hiện, phần lớn các dự án được thành phố cho phép cơ chế nộp tiền. Thậm chí, có trường hợp thành phố còn bỏ tiền ra mua lại số căn hộ thuộc 30% quỹ nhà mà chủ đầu tư phải có nghĩa vụ trích nộp.
Thực tế theo tìm hiểu của PV Lao Động, trong giai đoạn từ trước khi có Nghị định 100/2015/NĐ-CP năm 2015 quy định cho phép chủ đầu tư dự án quy mô dưới 10ha có thể nộp tiền thay vì buộc phải xây dựng NƠXH thì các chủ đầu tư xây dựng nhà thương mại phải dành quỹ đất để xây NƠXH. Đến nghị định gần nhất trước khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực là Nghị định 188 ban hành năm 2013, các chủ đầu tư phải dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tại bất kể dự án bất động sản nào nằm trong đô thị từ loại 3 trở lên.
Như vậy trong giai đoạn 2002 đến 2014 không có quy định cho phép chủ đầu tư nộp tiền thay vì phải sử dụng quỹ đất 20% để xây dựng NƠXH. Tuy nhiên, thực tế xây dựng trong giai đoạn này tại Hà Nội thì ngược lại, khi hàng loạt các khu đô thị mới được xây dựng tại Hà Nội nhưng rất hiếm các dự án có NƠXH đi kèm. Có thể kể đến KĐT TheManor (Mỹ Đình), KĐT Văn Phú (Hà Đông)… Gần đây nhất trường hợp 275 Nguyễn Trãi được giao 3 ô đất, sau 8 năm, dự án này đang triển khai toà nhà chung cư cao cấp, và sắp triển khai toà nhà văn phòng cho thuê, còn ô đất 3.557m2 thuộc quỹ đất 20% xây dựng nhà ở cho cán bộ công chức, viên chức Sở TNMT Hà Nội vẫn làm sân bóng cho thuê.
Các trường hợp được giao đất làm NƠXH nhưng không triển khai xây dựng mà chây ỳ không xây, không phải là hiếm. Thực tế, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ: Tại một số dự án, UBND TP ban hành quyết định về nghĩa vụ trích nộp quỹ nhà ở, quỹ đất ở còn thiếu, thậm chí một số dự án không phải trích nộp, hoặc quỹ đất 20% được giao lại để xây dựng nhà bán, gây nên sự bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư, thực chất quỹ đất 20% trích lại cho thành phố là quỹ đất sạch, theo quy định phải đấu giá quyền sử dụng đất nhưng Hà Nội lại cho chủ đầu tư hoặc giao chủ đầu tư khác, để xây dựng nhà bán kinh doanh là trái quy định pháp luật.
Ai chịu trách nhiệm?
Trước những sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng giai đoạn 2002-2014, Thanh tra Chính phủ cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là có sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Đến thời điểm thanh tra, nhiều chủ đầu tư chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước khi được UBND TP cho cơ chế nộp tiền thay vì nộp hiện vật (nhà đất); chưa thực hiện việc bàn giao diện tích quỹ nhà cho thành phố.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP khắc phục, chấn chỉnh những tồn tại, khuyết điểm, vi phạm trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất. Đồng thời, Hà Nội phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể qua các thời kỳ, xử lý các sai phạm theo thẩm quyền… Đối với những hành vi nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm, yêu cầu chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý.
Trao đổi với Lao Động về việc đã có các quy định pháp luật cụ thể bắt buộc doanh nghiệp bất động sản phải xây dựng NƠXH, ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - người phụ trách lĩnh vực phát triển thị trường BĐS trong nhiều năm - cho rằng, trước khi có Nghị định 100 năm 2015 thì không có quy định nào cho phép doanh nghiệp bất động sản có thể nộp tiền để không xây dựng quỹ đất 20% làm NƠXH.
Với điều này, ông Nam khẳng định, việc quỹ đất 20% các dự án không xây NƠXH không phải lỗi thuộc doanh nghiệp. “Phải xác định rõ trách nhiệm do cấp ký quy hoạch, cấp ký quyết định giao đất, cấp này thuộc về UBND TP.Hà Nội” - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.
Ông Nam thông tin thêm, giai đoạn làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng phụ trách quản lý thị trường bất động sản, ông Nam nhận rất nhiều văn bản từ UBND TP.Hà Nội xin phép cho các DN không phải xây dựng NƠXH mà nộp tiền vào ngân sách. “Bản thân TP duyệt đã sai. TP.Hà Nội thậm chí không tuân thủ các quy định. Khi kiểm tra, các dự án nhà ở thương mại, trong quyết định giao đất thì TP.Hà Nội cũng không có quy định trích 20% quỹ đất làm NƠXH” - ông Nam nói.
Lao động